Ví đây đổi phận…

ví đây đổi phận 

“Cùng trong một vũ hội, tại sao hình ảnh người đàn ông đứng một mình thì được cho là lãng mạn, còn nếu là một cô gái, thì lại thường gây cảm giác tội nghiệp” – Danh ngôn bảo thế.

Bạn hỏi tôi, tôi biết hỏi ai.
Trăm sự cũng chỉ bởi, làm đàn ông bao giờ cũng đỡ thiệt thòi hơn phụ nữ vậy!      

Nhưng mà, cũng chưa hẳn nhé! Vì tương truyền, từng có một bản tin “khó đỡ” được phát đi, rằng: “Đây là Đài Tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội, thủ đô nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Anh nói trước hay là em nói trước? Em nói trước để về cho con bú…”. Vụ “về cho con bú” thực ra cũng chỉ để nhằm làm khó đàn ông mà thôi: Anh thích nói trước để được về trước chứ gì, được thôi, vậy có giỏi thì “về cho con bú” (thay tôi) đi! Làm khó nhau đến thế là cùng!

Đấy nhé, nên chưa biết làm đàn ông hay đàn bà thiệt hơn đâu nhé!
Còn nếu như muốn biết, thì hãy thử chơi trò đổi vai đi vậy!

Làm phái yếu – “đơn giản như đan rổ”?

Hãy bắt đầu bằng những thao tác đơn giản thôi đã vậy! Chải mascara, chẳng hạn! Đàn ông các anh sẽ nghĩ: Cùng lắm là như chải răng là cùng chứ gì! Nhầm! Trên đời này không có cái gì dành cho phụ nữ là đơn giản cả! Mascara, nếu muốn đạt đến “điểm ảnh” chân thật nhất, nghĩa là không bị đơ, rối, vón cục…, buộc lòng anh phải biết đánh võng cái cán chổi theo hình zích zắc, cứ y như anh đang cưa một lúc hai cô vậy, tạt bên này một chút, nghiêng qua kia một tẹo, vừa đánh rối, vừa gỡ rối, và cứ thế… Nghe thì đơn giản, vì “đánh võng bao giờ chả là nghề của chàng”, nhưng đừng quên, sai một li đi một dặm đấy: chỉ cần lỡ trớn một chút, dù chỉ một chút thôi, là ngay lập tức anh trở thành… ca sĩ Lệ Rơi ngay, không khóc không được ấy chứ! Nghe này: Để biết ý trung nhân của anh có phải là người khéo léo, chừng mực, biết điểm dừng (và cả biết… đong giai) hay không, chỉ cần nhìn cách cô ấy chải mascara là biết!    

Một trải nghiệm nhẹ nhàng hơn đi vậy: cuốn lô, để tạo lọn cho tóc. Rồi thử ngắm bạn trong gương xem, ngộ phải biết: cứ như đeo một đống hồ lô lên đầu vậy. Ờ, rồi để xem bạn chịu đựng được bằng ấy hồ lô trong vòng mấy tiếng, khi bạn hầu như không thể ngả lưng bởi cái đống lủng là lủng liểng ấy. Bạn biết câu chuyện vui về thần đèn rồi chứ? Trong đêm tân hôn, do sơ sểnh, Aladin đã vô tình cọ tay vào chiếc nhẫn và thế là thần đèn ngay lập tức hiện ra. Thôi, xong! Và khổ nỗi, sai gì cũng làm được ngay tắp lự, khiến cặp vợ chồng trẻ không thể làm ăn gì nổi, cho đến lúc cô vợ của Aladin nghĩ ra một kế. Là kế gì thì bạn tự đoán nhé! Chỉ biết rằng, đại loại, là một quy trình ngược hẳn với việc… quấn lô kia, và đương nhiên, khó hơn nhiều.

Nhưng cuốn lô, trông vậy mà cũng không đơn giản! Nếu như không muốn nói, cảm giác “bị cắm sừng” nó khó chịu thế nào (chỉ cần một “cái sừng” thôi nhé!), hẳn cũng tựa như đeo một đống lô lên đầu vậy. Chưa kể, sừng, thì bạn còn có thể mắm môi mắm lợi nhổ đi, hoặc phùng mang trợn má đe nẹt kẻ tội đồ, để tung ra một loạt câu hỏi và bắt buộc đối tác phải có câu trả lời bằng chết thì thôi. Nhưng lô, mà xổ ra lúc chưa được phép, thì coi chừng cái đầu của bạn sẽ thành một mớ câu hỏi hỗn độn không biết trả lời thế nào đâu đấy! Và đời bạn sẽ đi về đâu, nếu có quá nhiều câu hỏi mà không có câu trả lời?

Tinh tế không xong, thì đành chọn món gì suồng sã hơn thế đi vậy! Rửa bát, chẳng hạn! Có câu: “Làm trai rửa bát quét nhà/ Vợ kêu thì dạ, thưa bà tôi đây” – có nhẽ là được lưu truyền từ thời nguyên thủy (chế độ mẫu hệ), đến nay hẳn đã thất truyền, cho đến lúc bạn không dưng có ý định đổi vai. Công việc làm ăn mỗi lúc một khó, một điên đầu; cổ phiếu, bất động sản đóng băng, ra đường thấy gái xinh không còn đủ tự tin để ngắm (dù vẫn biết là ngắm không mất tiền)… – mỗi lúc như thế, xung phong đi rửa bát có khi lại hay, vì ít ra cũng cảm thấy mình vẫn còn có ích cho một ai đó, một công việc gì đó. Có thể! Nhưng đừng quên, giá một chiếc máy rửa bát giờ đây đã mềm hơn trước rất nhiều vì có thêm nhiều lựa chọn. Bạn có muốn làm một công việc mà dễ dàng bị thay thế đến thế không? Trừ khi bạn là phụ nữ (Việt), và đương nhiên, họ không thể đơn thuần là một cái máy rửa bát như bạn nghĩ, sau mỗi bữa ăn.

Hoành tráng hơn nữa, thì hay là, bạn làm một quả “đàn ông mang bầu” đi vậy! Xin thưa là: cùng tình cảnh một chiếc xe chết máy, nhưng nếu bạn là gái tân, đằng nào cũng có ít nhất một anh con giai dừng lại giúp đỡ. Còn nếu là một bà bầu (mở ngoặc là ở Việt Nam) thì cứ gọi là ngồi đấy mà mơ nhé, chỉ bởi cái tội “làm mất mỹ quan đường phố”! Cứ thử nếm “trái đắng” ấy đi thì biết, cái cục nghẹn ấy, nó thậm chí còn nặng hơn cái bầu bạn đang mang nhiều!

ví đây đổi phận

“Ví đây đổi phận làm trai được”?

Vậy còn ngược lại, thì sao? “Ví đây đổi phận làm giai được”, thì “sự anh hùng” là đây chăng: thoải mái đánh trần (mà không thèm dùng đến miếng dán ngực), cạo râu (đã là gì so với… gọt cằm), nhả khói thuốc (phổi đứa nào gần, đứa ấy lãnh đủ!), thậm chí, vác máy khoan, khoan lung tung đủ thứ (thủng thì thủng, không thủng thì coi như… tập thể dục!)… Và tuyên ngôn lúc ấy của bạn, cùng lắm là thế này chứ gì: “Gọi đàn bà là ‘phái yếu’ là một sự lăng mạ. Đó là sự bất công của đàn ông đối với đàn bà!”.

Nhưng này, đã xem quả Vlog “Bình đẳng giới” của An Nguy chưa đấy? Xem đi và cố mà tìm cách trả lời (dù chỉ) một trong những câu hỏi “Vì sao” ấy, xem rồi bạn còn muốn “bình đẳng giới” nữa không. Chẳng hạn: Vì sao khi cãi nhau, con giai lại thường phải làm lành trước? Vì sao khi đi ăn, con giai thường phải trả tiền, nếu không muốn bị nói là ki bo? Vì sao con giai lại phải bỏ xem bóng đá để ở nhà xem… phim Hàn Quốc với bạn, hoặc bỏ chơi điện tử để đưa bạn đi mua sắm (còn nếu như làm một việc gì khác, với một ai khác thì cứ gọi là “vỡ mồm”)? Bạn bắt bạn giai bạn phải mua tặng cái Iphone, thế sao bạn không mua tặng bạn giai bạn cái Ipad trước đi? Có câu: Anh có kiếm đủ tiền nuôi vợ không, chứ làm gì có câu: Chị có kiếm đủ tiền nuôi… chồng. Vì sao? Bạn muốn “bình đẳng giới” chứ gì, nghĩa là được đối xử như một tay đàn ông? Vậy, có nghĩa là, từ giờ có chuyện gì, bạn sẽ không còn được quyền nói: “Anh là đàn ông cơ mà!”, “Em chỉ là phái yếu”. Nào, yêu anh, em dám hông?          

Và nếu “cao trình” hơn một chút, bạn có thể đọc thêm “Trò chơi quá giang” – một truyện ngắn vô cùng thú vị của tiểu thuyết gia nổi tiếng Milan Kundera. Trong đó, cặp nhân vật nam – nữ cũng mạo hiểm chơi trò đổi vai. Mà không, phải gọi là hóa thân thì đúng hơn: cô gái vờ vào vai một cô gái xin đi nhờ xe, với tất cả sự lẳng lơ, dạn dĩ của một chiếc “phanh nón”. Và kết quả là sao: “Chàng trai mỗi lúc lại thêm bực bội vì cô gái đã biến thành một cô ả lẳng lơ thuần thục đến vậy. Nếu cô có thể hóa thân đạt đến mức này, điều đó có nghĩa thật sự cô là một kẻ như thế… Cái vai mà cô đang diễn đây thực chất chính là con người cô, là cái phần trong con người cô mà bấy lâu nay cô đã nhốt chặt và chính cái lý do ngụy tạo của trò chơi này để xổng nó ra… Cũng có thể chỉ trò chơi này mới cho cô được là chính mình? Nhờ trò chơi mà cô tự giải thoát cho mình chăng?”

Vậy đấy, đàn ông, kiểu gì họ cũng nói được! Nên tốt nhất, cứ là mình nhé, cho lành!

 Bài: Nguyên Bình

logo


From the same category