Vì cuộc đời này vẫn cần chút khoan dung... - Tạp chí Đẹp

Vì cuộc đời này vẫn cần chút khoan dung…

Sống

Hãy tưởng tượng thế giới chúng ta đang sống mà thiếu đi lòng khoan dung thì như thế nào? Hẳn sẽ trở nên tồi tệ khủng khiếp mà ta không dám tưởng tượng đến. Thế giới khi ấy không còn yên bình như vốn dĩ nó mặc nhiên như vậy, nó tràn lan những vấn đề như nạn thành kiến, phân biệt chủng tộc, màu da, giới tính, và cực đoan tôn giáo.

Khoan dung là một điều tuyệt vời nhất trong tình yêu.

Nó tạo nên một người mạnh mẽ để tha thứ và một người mạnh mẽ để nói được hai từ “xin lỗi”. Là sự cứu cánh, giúp ta mở lòng cởi bỏ những vụn vặt, lỗi lầm nhỏ nhen của quá khứ chào đón niềm vui, hạnh phúc mới. Người khoan dung nhận được nhiều hơn khi họ cho đi. Và lòng bao dung cũng được cho là phẩm hạnh hào hiệp của quý ông biết nuông chiều những “sai phạm” đáng yêu của phụ nữ. Có lẽ vì thế mà UNESCO dành hẳn một ngày để lan truyền thông điệp về Khoan Dung, ngày 16.11 mỗi năm.

Định nghĩa về bao dung không hẳn là người nên tha thứ cho người. “Khoan dung” không chỉ là tình thương, mà còn là tình yêu, là sự hiểu và sẻ chia.

Việc vinh việc nhục cứ nhẹ nhàng hoán đổi cho nhau, người đời chẳng biết đâu mà lần. Như câu chuyện của Thương Tín, nam tài tử bộ phim “Ván bài lật ngửa” một thời. Dù ông đã trải qua bao nhiêu cuộc tình, qua bao nhiêu người phụ nữ mê đắm vẻ phong trần mà “trót dại” đi theo ông. Thì sâu thẳm trong Thương Tín luôn đau đáu nỗi nghẹn ngào về Nghĩa – người đàn bà nguyện vượt biên để cùng ông sống trọn mối tình, nhưng rốt cục không thành. Tàu chở bà đã nằm xuống biển khơi, để lại Thương Tin nỗi đau “mỗi khi đứng trước biển”.

Như câu chuyện tình yêu từng có của cặp đôi nức tiếng làng nhạc Việt một thời: Quốc Trung – Thanh Lam, và kể cả khi họ chia tay, trong êm ấm, để người đàn bà thứ hai đến bên đời Quốc Trung – Thanh Lan, như một cầu nối giữa chữ “Nghĩa” và chữ “Tình”. Lam và Lan, hai “dòng sông nhỏ” của Quốc Trung đã lặng lẽ bên nhau, với cái tình mà chỉ những người đàn bà đã qua sóng gió mới hiểu.

Khoan dung – còn là cái nhìn độ lượng, là tấm lòng của người mẹ như triệu triệu người mẹ trên thế giới này, khi nói với con, “dù con có thế nào, con có là ai, con vẫn là con của mẹ” (Mẹ Sơn Đoàn); là sự dốc hết lòng hết sức của những người lính Vị Xuyên với người đồng đội chẳng may rơi vào vòng oan trái khó trách từ những lam lũ vất vả của cuộc đời, cũng là sự vị tha của chính những người trong cuộc – những người vô tình mất đi đứa con trong sơ sảy không hề dự tính trước…

Và đây cũng là chuyên đề đặc biệt mà Đẹp muốn gửi gắm đến độc giả nhân ngày Khoan Dung trong tháng 11 này. Để gặp và nghe về mảnh đời của nhiều nhân vật khác nhau, những câu chuyện muôn màu làm nên bức tranh của lòng khoan dung.

Thật khó để học được lòng bao dung, đôi khi phải mất cả một đời. Đừng nhìn lại quá khứ trong giận dữ nữa. Hãy tập khoan dung và mở lòng cho cuộc đời thêm nhẹ nhàng, dễ thở, ít nhất là ngày hôm nay.

KHOAN DUNG CẦN CẢ  MỘT ĐỜI

Khoan dung không chỉ là tha thứ. Khoan dung còn là mở lòng chấp nhận và đón nhận những thứ khác, ngoài mình. Là cái nắm tay người bên cạnh, nụ cười mỉm với người đến sau, hay cái nhìn sẻ chia cho người đến trước… Khoan dung không chỉ trong một ngày 16/11 như UNESCO đã chọn. Khoan dung đôi khi cần cả một đời.

Đẹp tháng 11 xin gửi đến bạn đọc những câu chuyện từ lòng khoan dung, từ những người sống với nhau, để yêu và thương nhau như thế.

Thực hiện: depweb

16/11/2016, 23:26