Là người nổi tiếng thành công trong việc chuyển thể các tác phẩm văn học (đặc biệt là văn học thiếu nhi) như: “Tuổi thơ dữ dội” (của cố nhà văn Phùng Quán), “Đất rừng phương Nam” (cố nhà văn Đoàn Giỏi), “Trăng nơi đáy giếng” (Trần Thùy Mai)… và tiếp đây có thể sẽ là “Vừa nhắm mắt, vừa mở cửa sổ” (Nguyễn Ngọc Thuần), “Tuổi 20 yêu dấu” (Nguyễn Huy Thiệp)…, đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn vừa là người “chịu ơn” các tác phẩm văn học, vừa là người có công chắp cánh cho nó đến với rộng rãi công chúng hơn bằng thứ ngôn ngữ đa chiều đầy hấp lực của điện ảnh.
Anh chia sẻ với Đẹp về hai trong số ba bộ phim anh đã chuyển thể, từ hai cuốn truyện thiếu nhi nổi tiếng từng là “câu chuyện thế hệ”, và cả về tập truyện thiếu nhi thứ 3 mà anh đang thực hiện chuyển thể…
Hấp dẫn ở sự song hành so lệch
Vì sao trong số nhiều tác phẩm văn học thiếu nhi nổi tiếng khác của Việt Nam, anh lại chọn “Tuổi thơ dữ dội” (TTDD) và “Đất rừng phương Nam” (ĐRPN)?
Trước tiên và tôi cho là quan trọng nhất, chính là sự đồng cảm với phong cách, giọng kể dung dị, đầy chất thơ của hai tác phẩm văn học này, thấy hợp với “tần số” rung động của mình. Thứ đến, tôi bị cuốn hút bởi sự tung hứng trong tính cách và hoàn cảnh của các nhân vật chính, cùng các tình tiết theo diễn biến của câu chuyện.
Các chú bé Mừng, Quỳnh trong TTDD cũng như An, Cò trong ĐRPN có tính cách và hoàn cảnh trái ngược nhau, nhưng lại sát cánh bên nhau cùng trải qua bao biến cố. Chính sự song hành so lệch này tạo nên sức hấp dẫn.
Sau hết, hai câu chuyện đều gần gũi với những trải nghiệm, vốn sống và những tình cảm riêng tư của tôi, vì TTDD xảy ra ở Huế – quê nội tôi và ĐRPN ở miền Tây – quê vợ, nơi tôi đã từng sống gần 10 năm. Những điều này là nguồn cảm hứng cho người đạo diễn chuyển thể một tác phẩm văn học qua điện ảnh.
Không ít tác phẩm văn học khi được chuyển thể đã gây thất vọng cho người đọc vì được kể bằng một giọng điệu khác, không như họ từng biết và từng bị hút hồn qua câu chữ. Phim của anh lại nằm trong số hiếm không gây ra phản ứng đó, vậy cách anh “dụ” khán giả là gì?
Các tác phẩm văn học, nhất là tiểu thuyết, thường có nhiếu tuyến nhân vật, nhưng đạo diễn chỉ nên kể câu chuyện từ góc nhìn của một nhân vật nào đó mà mình gắn bó. Trong TTDD, tôi chỉ tập trung vào chú bé Mừng, và ĐRPN là An. Và khi đã tách đường dây của nhân vật đó ra, thì có những tình tiết không liên quan đến nhân vật đó phải bỏ đi và thêm vào những cái còn thiếu.
Nói chung, tôi theo khá sát những tình tiết, đối thoại mà nhà văn Phùng Quán đã viết trong TTDD. Nhưng khi chuyển thể ĐRPN, tôi chú trọng mô tả lối sống, phong tục tập quán của người dân Nam Bộ, nền “văn minh miệt vườn” như nhà văn Sơn Nam đã nói, nên đã thêm vào nhiều nhân vật, nhiều mẩu chuyện không có trong tác phẩm gốc (vụ Đồng Nọc Nạn, ông Đạo Tưởng, thời kỳ đầu của cải lương…).
Nhưng quan trọng nhất, là vẫn giữ được chủ đích, ý đồ tư tưởng của tác giả văn học. Việc đổi tên ĐRPN thành “Đất Phương Nam” nói lên việc bộ phim chỉ là phóng tác khá tự do, chứ không theo sát tác phẩm gốc.
Trước khi chuyển thể, anh có tìm gặp tác giả truyện không? Họ phản ứng thế nào trước “phương án” của anh?
Tôi không hề gặp các tác giả khi bắt tay vào chuyển thể. Tôi muốn đọc hiểu tác phẩm của họ theo mắt nhìn của mình. Điều này giúp tôi tự do hơn trong việc góp phần sáng tạo nó qua màn ảnh. Cũng may là không bị các tác giả cũng như độc giả phản đối gì nhiều. Tôi cứ nhớ nhà văn Phùng Quán sau khi xem phim đã nói đùa: “Xem phim, thấy tên mình được phóng to lên như cái nia”. Mãi đến bây giờ, tôi vẫn cứ xúc động mỗi lần nhớ lại.
Diễn viên nhí thì đương nhiên phải là diễn viên không chuyên. Anh có gặp khó khăn nhiều với các em để có được những Mừng, những An… đúng như trong miêu tả của nhà văn và hình dung của độc giả?
Với các diễn viên thiếu nhi, khi mình đã chọn đúng người, thì việc chỉ đạo diễn xuất lại rất dễ dàng. Tôi cứ để các em sống với nhân vật của mình như thật và cố gắng không can thiệp, gò ép nhiều.
Anh cũng như nhiều người cùng thế hệ anh đã trải qua một tuổi thơ nghèo, khốn khó của thời giặc giã, lưu lạc…, nên dễ dàng tìm thấy trong TTDD và ĐRPN nhiều sự đồng cảm. Nhưng trong cuộc sống ngày càng tiện nghi như hôm nay, anh có tin là của những tác phẩm ấy liệu vẫn còn giữ nguyên sức sống?
Các nhân vật thiếu nhi trong hai câu chuyện này đều tỏ ra vững vàng, sẵn sàng đương đầu với số phận nghiệt ngã một cách năng động và lạc quan. Các em cũng khao khát tìm hiểu những gì xảy ra quanh mình và biết quan tâm đến kẻ khác.
Họ không phải là những anh hùng bẩm sinh, những ông cụ non khôn trước tuổi, nhưng lớn lên theo từng trải nghiệm mình đã vượt qua. Những mẫu nhân vật như vậy sẽ luôn có tính thời sự và dễ được các bạn nhỏ đồng cảm.
Tác phẩm "Đất rừng Phương Nam" và DVD phim "Đất Phương Nam". |
“Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ” không thua kém gì “Hoàng Tử Bé”
Từ hai tác phẩm mà anh đã tâm đắc chuyển thể, anh đánh giá thế nào về sức hấp dẫn của những đầu sách thiếu nhi Việt NM, trong so sánh với những đầu sách cùng loại kinh điển của thế giới mà anh được đọc?
Tôi thích cách William Saroyan viết về thiếu nhi. Ông thật gần gũi với trẻ thơ. Những chú bé của ông thơ ngây nhưng cũng thật tinh quái. Ông không hề mượn miệng các nhân vật nhỏ tuổi của mình để dạy đời, nhưng mỗi câu chuyện của ông là một bài học thú vị cho cả trẻ em lẫn người lớn.
Có một thời chúng ta xây dựng những nhân vật thiếu nhi già dặn một cách khó tin, nếu không muốn nói là khó thương. Và cho tới bây giờ, mảng sáng tác văn học thiếu nhi vẫn còn rất mỏng, khiến giới làm phim cũng khó “ăn theo”. Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng có những tác phẩm thành công không thua kém. “Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ” – tác phẩm thiếu nhi thứ 3 mà tôi đang thích thú chuyển thể, chẳng hạn.
Theo tôi, nó có giá trị không thua kém gì cuốn “Hoàng Tử Bé” của St Exupery. Đây là một cách viết rất mới về thiếu nhi và có ý nghĩa khái quát cao. Tôi nhận thấy đây là phim khó làm nhất so với hai phim trước, không chỉ vì diễn viên nhỏ tuổi hơn, mà câu chuyện còn phải được kể một cách hết sức giản dị và tinh tế.
Được biết ĐRPN là bộ phim truyền hình VN đầu tiên xuất khẩu được ra thế giới với tên tiếng Anh “Song of the South”. Với những tác phẩm gắn liền với hoàn cảnh lịch sử như TTDD hoặc hoàn cảnh địa lý đặc thù như ĐRPN, anh nghĩ nó có thể tìm được sự đồng cảm nơi độc giả, khán giả nước ngoài, hay là khó khăn hơn, so với những tác phẩm “mang tính toàn cầu” khác?
Một người Mỹ quan tâm tới điện ảnh Việt Nam, ông Gerry Herman, đã chuyển ĐPN qua DVD và phát hành trên thế giới. Một vài trường đại học có khoa tiếng Việt cũng có chiếu trong chương trình học. Tôi nghĩ phim ảnh nước ta, cũng như các loại hình nghệ thuật khác, nếu muốn vươn mình ra thế giới, cũng phải giải quyết khá nhiều vấn đề.