Trong số những vật dụng chúng ta dùng hằng ngày, có lẽ xe máy là thứ có “số phận thăng trầm” nhiều hơn cả. Nó đã từng là một tài sản vô cùng quý giá của mỗi gia đình, từng đổi được cả một căn hộ nhỏ, rồi trở nên phổ biến hơn, chạy đầy đường phố trước khi một cơn bão xe máy Tàu khiến cho cái nhìn của chúng ta đối với xe máy đã khác đi. Tài sản di động vẫn nhiều, nhưng tỷ lệ xe máy bình dân nay chiếm đa số.
Những chiếc xe gần gần giống nhau, thậm chí giống hệt nhau khiến cho hàng triệu chiếc xe máy ở cả các đô thị lớn lẫn trên những con đường đất làng quê trông như những nhóm mặc đồng phục. Giá trị vật chất thì đã không còn. Chẳng có gì hấp dẫn!
Tôi không rõ quan niệm của nhiều người khác thế nào, nhưng với tôi thì thứ tôi thích không nhất thiết phải là thứ đắt tiền nhất nhưng phải là một thứ gì đó khác biệt, hoặc ít ra là một thứ… ít giống hơn nhiều thứ khác.
Đó là một lý do tôi phải đổi xe máy không ít lần, thậm chí từng chơi trội đến mức đặt xe “lạ” từ nước ngoài (nhưng trong mức tài chính cho phép) để rồi nhận ra rằng sự thỏa mãn chưa kéo dài được bao lâu thì chiếc xe tưởng như độc đáo của tôi đã lũ lượt đi qua cửa hải quan để làm nổ tung mọi góc phố.
Song, những chiếc Vespa thực sự đã tạo ra sự khác biệt, cho dù đó là những chiếc xe cổ hay các đời xe mới như LX, GTS hoặc trước nữa là Granturismo hoặc ET4, ET8.
Không phải ai khi mua xe Vespa cũng nghĩ đến cảnh chàng phóng viên người Mỹ chở người đẹp Audrey Hepburn luồn lách qua những con phố nhỏ của thành Rome trong phim “Roman Holiday,” nhưng chắc chắn chủ nhân của những chiếc xe này đều không coi xe của họ chỉ đơn thuần là thứ phương tiện đi lại.
Xét về kiểu dáng thiết kế duyên dáng, có lẽ Vespa luôn chiếm vị trí cao nhất trên thị trường, ngay cả trong dòng xe scooter nó cũng luôn vượt trội chứ đừng nói là so với những loại xe số chân mà nếu đi trời mưa thì bùn nhuộm tới đầu gối.
Suốt nhiều thập niên, các loại xe của Nhật đi theo hướng nhỏ gọn và tiết kiệm nhiên liệu chứ không đầu tư nhiều vào hình thức, kể cả những hãng chế tạo hàng đầu.
Các hãng xe máy Đài Loan thuở ban đầu xâm nhập vào thị trường Việt Nam cũng không coi scooter là sản phẩm chiến lược, còn xe máy Tàu hoặc xe nội địa thì đương nhiên là bắt chước anh cả châu Á trong ngành công nghiệp này.
Sự “chuyển hướng” sang chú trọng hình thức của xe máy rộ lên mấy năm gần đây, nhưng quả thực là không có nhiều đột phá, chưa kể nhiều hãng nghĩ rằng thời trang xe máy nghĩa là… tem xe mới.
Nhưng Vespa thì khác!
Những chiếc xe Vespa cổ thì khỏi phải nói – chẳng còn gì để mà kêu ca khi mỗi năm qua đi thì những chiếc xe cũ lại càng trở nên có giá và khi thú chơi Vespa cổ ngày càng phổ biến để hòa chung với cái gọi là “văn hóa Vespa toàn cầu.”
Vespa là một trong những dòng xe hiếm hoi tạo dựng được “văn hóa” cho riêng mình trên toàn cầu – từ những quốc gia phát triển nhất thế giới, đến những miền đất nổi tiếng sành điệu hay các nền kinh tế đang nổi lên đều yêu chuộng loại xe này.
Ngay cả những loại xe Vespa đời mới cũng luôn bỏ xa các đối thủ khác về mặt thiết kế kiểu dáng. Thích oai phong, chững chạc thì cưỡi “xa-lông bay” GTS, thích nhẹ nhàng, thanh thoát đã có LX.
Và khi các nam thanh nữ tú muốn tạo sự khác biệt hơn nữa bằng cách tô son điểm phấn cho chiếc xe máy-người bạn đường của họ thì Vespa cũng là loại phù hợp nhất để họ thăng hoa ý tưởng.
Lợi thế của Vespa là có… nhiều diện tích để sáng tạo. Đó là nguyên một thân xe thép dập với cái hông xe phình ra thật rộng rãi, cái mặt nạ liền một mảng với chắn bùn luôn giữ thiết kế khá cổ điển chứ không rắc rối và đầy những hốc kiểu “xe ngoài hành tinh.”
Những khoảng diện tích lớn này giúp người sử dụng có thể tha hồ trang trí đủ loại hình hoa văn, dù là những nhành hoa nhẹ nhàng hay cả một hình vẽ to đầy dữ dằn, quyền uy.
Kể từ khi phong trào vẽ xe vào năm 2005 được khởi xướng tại Đẹp Fashion Show với năm những chiếc Vespa LX nghệ thuật được đích thân các nhà thiết kế thời trang nổi tiếng vẽ kiểu, xu hướng này đã lan rộng và giờ đây đã được nâng tầm nghệ thuật đến mức những người tiên phong 3 năm trước không thể hình dung được.
Vẽ xe nghệ thuật cũng được coi là khởi nguồn cho mốt vẽ điện thoại, vẽ trên vỏ máy tính hay vẽ mũ bảo hiểm sau này.
Tôi nhớ cái thời cách đây hơn 20 năm, xe máy là một thứ gì đó quá xa xỉ, ngoài tầm với của 99,99% những người sống quanh tôi. Ngay sát nhà tôi có một bác đi làm chuyên gia bên châu Phi về, sắm được chiếc xe máy đỏ chót – và có lẽ bác là người duy nhất trong hơn trăm hộ dân quanh đó có cái xe tự chạy không cần đạp.
Bác oai nhất xóm, đương nhiên rồi, nhưng bác quý chiếc xe tới mức ngày nào cũng mang ra rửa cho bóng hết cỡ thì thôi. Vì quý nên thực ra bác cũng không hay sử dụng cho đỡ bị cũ, và cái lúc cần xe máy nhất là trời mưa thì bác lại áp dụng quan điểm “thà đi xe đạp còn hơn bẩn xe máy.”
Với lũ học sinh cấp 3 chúng tôi khi đó thì chiếc xe màu đỏ của bác đúng là một kiệt tác nghệ thuật. Chuyện ngồi lên đó mà lướt như trong phim ảnh thì xa vời quá, nhưng nịnh cô con gái bác hàng xóm để mon men đến gần và chạm tay vào phần thép mát lạnh, phần nhựa mềm mại, phần cao su lì lợm là quá đủ.
Nhưng với người sử dụng ngày nay thì khác. Xe mới và đẹp, lại đắt tiền thì đương nhiên là thích, nhưng cần phải có cái gì đó thể hiện phong cách riêng của mình. Vespa là loại xe mang lại cho ta cơ hội nhiều nhất để thể hiện chứ không chỉ là một thương hiệu ưa chuộng của người nổi tiếng.
“Bạn cần phải khác biệt để được đớn đau và vui sướng,” Voltaire đã từng nói câu này, và tôi thích câu nói đó!
Bảo Quyên |