Với sự góp mặt của Hồng Nhung, Bằng Kiều, Quán quân The Voice Kids 2017 – Nhật Minh và giọng ca mới được phát hiện – bé Ngọc Linh, “Tuổi thơ tôi” đã tái hiện một không gian âm nhạc đầy trong trẻo nhưng cũng công phu về sáng tạo.
Hồng Nhung được trở lại “nhí nhảnh” như Bống thuở nào khi vừa hát vừa nhảy múa. Và cũng lần đầu khán giả được nghe Bống (Hồng Nhung) và Bầu (Bằng Kiều) xưng “bạn” trên sân khấu.
Có lẽ hiếm có show diễn nào mà ca sĩ mỗi lần chuẩn bị trình diễn bài mới lại khẳng định “bài này chắc rất nhiều người thuộc này”, hoặc “bài này chắc 100% khán giả ở đây ai ai cũng thuộc”, thậm chí, Bằng Kiều có lần còn rủ khán giả lấy hơi để hát cùng mình. Sự tự tin ấy của nghệ sĩ được chứng thực khi khắp khán phòng Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô thỉnh thoảng lại vang lên như dàn đồng ca với: “Em sẽ là mùa xuân của mẹ/ Em sẽ là màu nắng của cha” (Lời ca khúc “Mùa xuân của mẹ” – sáng tác Trịnh Công Sơn), hay “Hôm qua em tới trường, mẹ dắt tay từng bước/ Hôm nay mẹ lên nương, một mình em tới lớp…” (lời bài “Đi học” – sáng tác: Bùi Đình Thảo)…
Và vui hơn khi khán phòng rộn lên tiếng kèn nhựa thổi những khúc nhạc vui: “To tè to đây là vang kèn hơi/ Tò tò tò te tí có anh nào muốn chơi…” của những khán giả nhí.
“Tuổi thơ tôi” cũng là đêm nhạc mà phủ kín khán phòng nhà hát là các cặp gia đình. Có người tóc điểm bạc ngồi bên con trai, có cặp gia đình gồm bố mẹ trẻ và con cái. Phép màu để có thể trở lại tuổi thơ có lẽ ai ai cũng từng mơ, sự thật ấy có thể không hiện hữu, nhưng một cách nào đó đêm qua nhiều người đã cùng nắm tay nhau lên một chuyến tàu ngược thời gian, mà ở đó họ thả cảm xúc của mình trôi về ngày xưa thân thuộc khi được nghe những bài ca: “Ngày đầu tiên đi học”, “Em là hoa hồng nhỏ”, “Đàn sếu”, “Đếm sau”, “Đưa cơm cho mẹ đi cày”, “Giữa biển vàng”, “Đội kèn tí hon”…
Nhưng điều khiến “Tuổi thơ tôi” trở thành đêm nhạc giàu tính nghệ thuật chính ở chỗ, những bài hát dành cho thiếu nhi đơn giản với vài nốt nhạc, được phối lại cùng dàn nhạc hoành tráng đã khiến một số tiết mục trong chương trình trở thành những bản hòa thanh chất chứa kỷ niệm. Một số tác phẩm được chính Hồng Kiên chọn màu để tạo ra bản sắc riêng, như ca khúc “Tiễn thầy lên đường đi bộ đội” của nhạc sĩ Phạm Tuyên, phủ gam màu buồn – là một trong những khoảnh khắc lắng đọng trong đêm.
Tuy nhiên, ở một số tác phẩm Hồng Kiên cho sử dụng y nguyên bản nhạc cũ, cùng cách chơi nhạc cũ và hát cũ, nhằm giữ nguyên vẹn cảm xúc cho khán giả, để mỗi người thấy kỷ niệm và hiện tại đan xen.
Không chỉ là âm nhạc mà còn là văn hóa, mỗi chương trình In The Spotlight đều mong muốn gửi đến khán giả một không gian cảm xúc đặc biệt, và một lần nữa “Tuổi thơ tôi” đã làm được điều đó. “Tuổi thơ tôi” còn là chương trình nhắc nhớ, đã lâu không có những bài hát thiếu nhi mới có sức lay động lòng người nên nhiều trẻ em giờ đây đã quen nghêu ngao những bài ca dành cho người lớn. Bằng Kiều hình như rõ điều đó, nên anh nhắc nhở Nhật Minh: “Con hát rất hay nhưng sau này nhớ hát nhiều nhiều bài hát trẻ con, chứ đừng chỉ hát riêng những bài người lớn nhé”.
Và có lẽ dư âm để lại của chuyến du hành về lại “Tuổi thơ tôi” không đơn thuần chỉ riêng âm nhạc…