Vé tàu tết: nhiều cách để khách khỏi “phát khùng”

Anh Hoàng Ngọc Thành – Ảnh: Quang Định

Với cách bán vé như thế, khách hàng những ngày qua không “phát khùng” mới lạ!

Đây là nhận định của kỹ sư công nghệ thông tin Hoàng Ngọc Thành – chuyên gia Công ty phần mềm LogiGear. Anh Thành cho rằng việc giải quyết tình trạng tắc nghẽn khi mua vé tàu không phải quá khó, cái khó là nơi bán vé có muốn làm hay không.

Anh Thành nói: “Chuyện bán vé tàu qua mạng bị chậm không phải lực bất tòng tâm như trưởng ga Sài Gòn nói. Bởi nếu lực bất tòng tâm thật thì cũng phải công khai tất cả thông số về kỹ thuật của website www.vetau.com.vn để người mua vé tàu biết rõ. Người mua vé vừa phải chầu chực vừa mù mờ về những thông tin này nên họ “phát khùng” là phải”.

Giá thuê server chỉ bằng vài vé tàu

* Lượng tài khoản cùng lúc truy cập website www.vetau.com.vn theo công bố của lãnh đạo Công ty Vận tải đường sắt Sài Gòn là 1.000. Anh đánh giá thế nào về con số này?

– Tôi thấy bất ngờ vì nó quá nhỏ. Đặc biệt là với một website mà hàng ngàn người bắt buộc phải truy cập, lại tập trung trong thời gian ngắn. Nếu ai có am hiểu chút ít về công nghệ thông tin thì đều biết ngay cả những diễn đàn phi lợi nhuận trên mạng, chuyện đón vài ngàn lượt cùng truy cập là điều bình thường.

* Nhưng Công ty Vận tải đường sắt Sài Gòn cho rằng nếu nâng cấp website sẽ rất tốn kém và lãng phí vì lượng truy cập chỉ dồn vào dịp tết?

– Điều này không thuyết phục vì hai lý do. Thứ nhất về chi phí, website www.vetau.com.vn đang thuê server của FPT, giá thuê này được FPT công bố rõ ràng, không có mức nào quá 10 triệu đồng/tháng. Số tiền này chỉ bằng vài vé tàu hạng sang Hà Nội – Sài Gòn, mọi người có thể tự đánh giá là cao hay thấp. Tất nhiên, để vận hành website bán vé còn phải chi phí nhiều thứ khác, nhưng nói thế để thấy tiền thuê server không đắt.

Thứ hai, việc nâng cấp website để đón nhiều hơn lượng người truy cập cũng không có gì là lãng phí. Cứ cho là tiền thuê server rất đắt đi nữa thì không cần phải thuê nguyên năm mà có thể thuê thêm server phụ theo tháng. Phương pháp này tạm gọi là “cân bằng tải”: khi server chính quá tải thì server phụ này sẽ như “bình thông nhau”, tự động tiếp nhận tài khoản truy cập để giảm thiểu việc nghẽn mạng. Hết thời gian cao điểm thì ngừng thuê. Với một đơn vị kinh tế lớn như ngành đường sắt mà nói việc thuê server này là đắt và lãng phí thì quá khó hiểu.

Chưa minh bạch thông tin

* Theo anh, cách thức mua vé tàu qua website đã thật sự thuận lợi?

– Tôi đã xem và thử đăng ký vé tàu qua mạng thì nhận thấy có nhiều bước, nhiều khuyến cáo mà người mua vé cần phải nhớ nhưng lại không có cách làm khách hàng nhớ vì website được thiết kế không thân thiện, việc đăng ký vé cũng không theo trình tự hướng dẫn đã đăng ký. Rõ nhất là quy định mang phiếu in đặt chỗ hoặc ghi mã số đặt chỗ mà hàng trăm người không biết, đến ga rồi lại quay về như báo Tuổi Trẻ đã nêu. Cách mua vé tàu khó hơn nhiều so với mua vé máy bay, mua vé xem phim, vé xe trực tuyến, không chỉ vì nghẽn mạng mà vì sự khó khăn trong cách đăng ký.

* Anh có nói người mua vé tàu “phát khùng” còn vì không được thông tin đầy đủ. Theo anh, đó là thông tin gì và có khó để công khai?

– Ga Sài Gòn chỉ công bố tổng số vé tết mà họ bán, trong khi thông tin người mua vé cần là còn bao nhiêu vé tại thời điểm họ muốn mua, còn vé những ga nào, thời gian nào lại không được công bố trên website. Khách hàng sẽ không nghi ngờ về sự minh bạch nếu như website www.vetau.com.vn công khai hiển thị số vé còn lại bằng cách cập nhật tự động, sau khi trừ đi những vé đã đăng ký thành công. Với các vé cụ thể đến từng ga, từng thời điểm, nếu công bố rõ ràng, khách hàng sẽ đỡ tốn thời gian chầu chực để đăng ký mà không biết có còn vé cần mua hay không. Hiện tại, may lắm nhờ báo chí thì cuối ngày mới được biết có bao nhiêu vé đã đăng ký.

Bán vé qua mạng nhưng thiếu minh bạch thông tin, làm người dân phải chầu chực, chen lấn mà không biết còn hay hết vé nên vé chợ đen mới có đất sống.

NGUYỄN VIỄN SỰ thực hiện

Không ai làm khó khách hàng như thế

Tôi rất bất ngờ khi một website thương mại, có lượng khách hàng khổng lồ như www.vetau.com.vn nhưng lại chỉ được thiết kế kiểu nội bộ sử dụng, giao diện không thân thiện và không có nhiều tính năng thương mại. Nếu muốn bán được nhiều hàng hóa, không ai đi làm khó khách hàng như vậy.

Chính vì xây dựng kiểu đơn giản như vậy nên cách đây ba năm, Diễn đàn an ninh mạng Việt Nam (HVA) đã phát hiện một lỗi bảo mật nghiêm trọng của website này và ngay lập tức gửi cảnh báo. Tuy nhiên đến thời điểm bán vé tàu tết gần đây, chúng tôi vào kiểm tra vẫn thấy lỗi bảo mật này, chưa được chỉnh sửa gì. Nếu hacker tấn công thì hàng ngàn khách đi tàu sẽ là người thiệt hại đầu tiên.

Ông NGUYỄN HỒNG PHÚC (chuyên gia Diễn đàn an ninh mạng Việt Nam – HVA)

Lãng phí và không công bằng

Việc bán vé tàu qua mạng là cần thiết và đáng hoan nghênh. Nhưng với cách bán vé như hiện nay đang tạo ra sự lãng phí và không công bằng, chưa hiệu quả bởi công nghệ không đảm bảo làm hàng nghìn người phải chầu chực trên mạng, tại nhà ga để đặt vé và lấy vé. Nhiều người khác phải chuyển qua mua vé chợ đen, đắt hơn và nhiều rủi ro nếu gặp vé giả. Xã hội đang phải chịu những tổn thất vô ích khi người mua và người bán không thể gặp nhau ở cùng một điểm cân bằng vì nút thắt cổ chai ở khâu bán vé.

Không công bằng bởi khách đi tàu có số đông là công nhân, người lao động phổ thông xa quê, những người ít tiếp cận Internet và thành phần dễ tổn thương nhất trong xã hội. Như vậy với cùng mức chi trả như nhau nhưng có những người mua được vé, trong khi có những người không mua được vé chỉ vì sự khác biệt trong khả năng sử dụng máy vi tính. Sự phân biệt này làm bật lên tính không công bằng trong việc phân phối vé tàu tết.

Những bất cập trong việc bán vé sẽ được giải quyết nếu hai nút thắt này được mở. Ngành đường sắt nên xem xét việc giao phần phân phối vé tàu cho nhiều đại lý tư nhân khác nhau và bán vé tàu tết quanh năm. Biện pháp này vừa giúp người tiêu dùng dễ dàng mua được vé tàu, đồng thời ngành đường sắt cũng giảm được áp lực bán vé tàu vào dịp tết. Qua đó lợi ích của cả xã hội sẽ được cải thiện.

Ông LÂM QUANG LỘC
(giảng viên Đại học Ngân hàng TP.HCM, học viên chính sách công
– Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright)

Theo Tuổi trẻ

From the same category