Theo văn bản hướng dẫn của Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, có bốn tiêu chuẩn chính để xem xét công nhận gia đình văn hóa là: “Gia đình ấm no, hòa thuận, tiến bộ, khỏe mạnh và hạnh phúc; thực hiện tốt nghĩa vụ công dân; thực hiện kế hoạch hóa gia đình; đoàn kết tương trợ trong cộng đồng dân cư”.
Tại nhiều địa phương, họ thậm chí còn cẩn thận gạch đầu dòng ra tới vài chục điều rất chi tiết, nói chung thiên nan vạn nan khó đạt tiêu chuẩn này nếu được xét duyệt bởi một hội đồng liêm chính.
Ngày tôi còn nhỏ, thời bần hàn những năm cuối bao cấp, gia đình tôi lọt thỏm trong một xóm lao động bên hông chợ đầu mối Đồng Xuân. Cư dân phố chợ lam lũ, nhớp nháp mùa mưa, đàn bà tất tưởi, đàn ông thường say rượu, và trẻ con thì nói bậy lem lẻm quanh năm nhem nhuốc. Nhà tôi duy nhất một kiểu không liên quan đến cuộc sống mưu sinh chợ búa, hai cụ đều cán bộ nhà nước. Nhà hàng xóm sát vách có gia đình chú Hiền “xe ba gác” đông nhất xóm, bốn đứa con gái trắng nần nẫn và tuổi cách đều nhau năm một. Chú Hiền quần quật ngoài chợ tối ngày, hai ống quần luôn thường trực xắn cao quá đầu gối. Có những ngày hè nghỉ làm sớm, chú về nhà lùa “lũ vịt” đi tắm. Riêng cô út, chú bế thốc ra gội đầu tẩn mẩn như một người đàn bà thật sự. Những hình ảnh này giờ ngày càng hiếm.
Tôi hay sang chơi nhà chú Hiền bởi một điều đặc biệt duy nhất trong cái xóm này: họ chả bao giờ nói tục. Bữa cơm tối nhà ấy luôn đầy ắp tiếng ca hát vang vang quanh xóm. Tôi nhớ mãi tiếng lanh canh của những đôi đũa gõ nhịp vào thành tô cơm, bốn đứa con gái ê a đồng thanh:
“Chúng con là lũ vịt giời
Bé thì ăn hại, lớn thời bay đi
Con mời bố mẹ ăn cơm ạ…”
Bố tôi thi thoảng ngồi nhậu với chú Hiền, khi ngà ngà say đều vỗ vai chú nói: “Gia đình chú rất có văn hóa”. Có lẽ đấy là khái niệm đầu tiên của tôi về gia đình văn hóa, giản dị và không quá dài dòng bởi chữ nghĩa văn bản hóa. Bẵng đi hơn 20 năm, tôi quay lại nơi ấy, đám trẻ ngày xưa đều chồng con đàng hoàng cả; cô cả làm ngân hàng, chồng không may mất sớm dọn về ở với vợ chồng chú Hiền trong cái hẻm sâu hun hút đó.
Không biết mỗi tối họ có còn ca vang cái bài thơ con vịt nữa hay không?
Tôi nhớ đã đọc đâu đó một câu đại khái: “Có thể tồn tại trên đời nhiều cuộc hôn nhân tốt đẹp nhưng về cơ bản thì không có cuộc hôn nhân nào dễ chịu”. Dưới mỗi mái nhà để người ngoài nhìn thấy “có văn hóa”, đôi khi là vô vàn kìm nén và nước mắt. Không rõ một phần ảnh hưởng từ nghề nghiệp làm thợ chữ, gõ viết lạch cạch thâu đêm suốt sáng, tọc mạch đủ thứ chuyện trên đời hay sao mà tôi có một nhãn quan vô cùng bi quan về hôn nhân.
Bạn bè thành đạt nhiều, gia đình đầy đặn con cái đề huề xinh xắn. Đùng một cái lại nhận được cái tin nhắn vỏn vẹn: “Ông ơi, tôi bỏ vợ rồi”. Có những gia đình mà cứ đến giao lưu là về nhà vợ tôi nheo nhẻo sao họ hạnh phúc thế, họ sống văn hóa thế… Tôi thông báo cho phu nhân, bỏ nhau rồi kia kìa, vợ tôi có biểu hiện sợ hãi ra mặt.
Có đận, cả nhà tôi đang loay hoay giao lưu thì vợ một anh bạn thân khác nước mắt ngắn nước mắt dài chạy thốc vào lu loa: “Ôi anh ơi, em chết thôi, thằng kia nó ngoại tình mấy năm rồi”. Tôi hoảng lắm, kéo hẳn vào rồi đóng cửa, sợ xóm giềng hiểu sai vấn đề. Tôi chui vào phòng bấm điện thoại: “Này ông làm cái trò gì để vợ sang đây ầm hết cả lên đây. Ông đừng để lửa lan sang nhà tôi nhé…”. Nó ậm ừ chán nản: “Mai tôi té Sài Gòn vài năm, ông để ý cho tôi bọn trẻ con”. Lời gửi gắm nghe giản đơn như nhờ sửa cái bóng đèn.
Gia đình văn hóa là thế nào nhỉ? Xin lỗi vì đã dẫn dắt bạn đi quá xa trong khi ngay cả tôi vẫn đang mông lung về khái niệm này.
Đọc thêm các bài viết của Cu Trí:
Đàn ông đừng xem chi ly hầu hạ là yêu
Bài: Cu Trí