Về bản dịch mới của “Nam quốc sơn hà": Người lớn không nên áp đặt... - Tạp chí Đẹp

Về bản dịch mới của “Nam quốc sơn hà”: Người lớn không nên áp đặt…

Review

Đồng thời tác giả cho rằng, sự dị biệt bản dịch không phải là vấn đề chính,  mà cần dịch đúng, dễ nhớ dễ thuộc. Dẫn theo bản của hai “tiền bối” Lê Thước và Nam Trân là dẫn bản có nguồn gốc, tuy rằng chúng ta hiện nghe không quen tai, nhưng biết đâu, vài chục năm nữa, trong ký ức của những người trẻ bây giờ, bản dịch mới lại trở thành tiềm thức, nên người lớn hãy tránh áp đặt.

Tác giả là ai, còn chưa rõ

Theo TS Phạm Văn Tuấn – Viện Nghiên cứu Hán Nôm, nhiều năm nay đã có những nghiên cứu chỉ ra rằng, tác giả nguyên tác bài thơ “Nam quốc sơn hà” không phải là Lý Thường Kiệt.

TS Phạm Văn Tuấn

Những nhà nghiên cứu đầu ngành Hán Nôm như PGS Bùi Duy Tân, PSG Nguyễn Thị Oanh – Viện Nghiên cứu Hán Nôm, GS Nguyễn Khắc Phi và nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ đã nhiều lần khẳng định, bài thơ này không phải của Lý Thường Kiệt. Tác phẩm này chỉ được đưa vào chính sử khi nhà Lê cho biên soạn “Đại Việt Sử ký Toàn thư”. Còn PGS Bùi Duy Tân cho rằng, đây là một bài thơ Thần – vô danh.

Bản dịch mới được đưa vào sách giáo khoa Ngữ văn – Lớp 7, tập 1 của Lê Thước và Nam Trân đã bị trích dẫn sai. Bản dịch trong sách giáo khoa này chỉ đúng ba câu cuối, sai một câu đầu, so với bản dịch chính xác của Lê Thước và Nam Trân.

TS Phạm Văn Tuấn cũng cho biết, đến nay có tới 35 dị bản bằng tiếng Hán về bài thơ này, vì thế, các dịch bản có thể rất nhiều.

Chưa kể, nếu chiếu theo nguyên tác bài thơ chữ Hán được đăng tải trong văn bản cuốn “Đại Việt Sử ký Toàn thư” (sách đã dẫn, từ 83):

“Nam quốc sơn hà Nam đế cư

Tiệt nhiên phận định tại thiên thư

Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.

thì bản dịch của Lê Thước và Nam Trân được in trong cuốn “Thơ văn Lý Trần”, tập 1 – Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, phát hành năm 1977 (trang 322) là không sai. Bản dịch chính xác của Lê Thước và Nam Trân như sau:

“Sông núi Nam Việt vua Nam ở
Vằng vặc sách trời chia xứ sở

Giặc dữ cớ sao phạm đến đây
Chúng mày nhất định phải tan vỡ”


Bản dịch chính xác của Lê Thước và Nam Trân


Tuy nhiên, hiện đang được dùng trong cuốn sách Ngữ văn – Lớp 7, tập 1- Nhà xuất bản Giáo dục, phát hành 8/2015, mặc dù trích dẫn từ nguồn Thơ văn Lý Trần”, tập 1, nhưng đã trích dẫn không chính xác. Bản trích dẫn trong sách Ngữ Văn – Lớp 7, tập 1 là:

“Sông núi nước Nam vua Nam ở
Vằng vặc sách trời chia xứ sở
Giặc dữ cớ sao phạm đến đây
Chúng mày nhất định phải tan vỡ”


Như vậy, bản dịch trong sách giáo khoa đã trích dẫn sai câu đầu tiên trong bản dịch chính xác của Lê Thước và Nam Trân. Vì thế, bản dịch làm “nóng” cộng động mạng (chủ yếu là các bậc phụ huynh) những ngày qua theo khẳng định của TS Tuấn là có cơ sở. Còn nói bản dịch Lê Thước – Nam Trân không hay thì chưa đủ cơ sở.

Trên thực tế, đến nay bản dịch quen của bài “Nam quốc sơn hà” dưới đây, chưa biết do ai dịch:

Sông núi nước Nam vua Nam ở
Rành rành đã định tại sách trời
Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm
Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời”


Trong khi đó, PGS Bùi Duy Tân cũng không dùng bản dịch quen thuộc kể trên, ông dùng bản dịch của Ngô Linh Ngọc, trong công trình nghiên cứu của mình:

“Đất nước Đại Nam, Nam đế ngự,
Sách trời định phận rõ non sông.
Cớ sao giặc Bắc sang xâm phạm.
Bay hãy chờ coi chuốc bại vong

Lý giải về những ồn ào xung quanh sự tiếp cận bản dịch mới

TS Phạm Văn Tuấn cho rằng, trên phương diện cá nhân, anh thích bản dịch đã được phổ biến hơn. Lý do, bản dịch đó về nhịp điệu thơ hay hơn, dễ đi vào lòng người và quan trọng nó đã trở thành tiềm thức của bản thân. TS Tuấn cũng cho rằng, đối với một vài thế hệ trước đây, bản dịch đó cũng đã trở thành ký ức. Tuy nhiên, điều đó không đủ lý lẽ thể khẳng định, bản dịch của tiền bối Lê Thước – Nam Trân là không hay.

Lý giải về sự phản ứng của cộng đồng với bản dịch mới trong sách giáo khoa Ngữ Văn – Lớp 7, tập 1, TS Tuấn cho rằng, “Nam quốc sơn hà” vốn được coi là bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của nước Việt, là bài thơ đã nằm trong tâm thức của nhiều người Việt, có thể nói ai ai cũng thuộc, vì thế, chỉ cần có sự cộng hưởng của truyền thông thì sự việc sẽ được thổi bùng lên.

Đồng thời TS Tuấn cũng nói rằng, sách Ngữ Văn – Lớp 7, tập 1 đã dẫn sai bản dịch của Lê Thước. Đây là lỗi của người biên soạn. Lỗi không thể chấp nhận được đối với người làm nghiên cứu, biên soạn sách giáo khoa. Nếu cộng đồng mạng lên án, thì lên án cách dẫn văn không đúng, dẫn sai bản dịch Lê Thước – Nam Trân mà thôi.

Tuy nhiên, trong quan điểm của vị tiến sĩ Hán Nôm này, thời nay, người trẻ có nhiều phương thức tiếp cận tri thức. Vì thế, trong câu chuyện này, nếu họ không thích bản dịch của bài thơ “Nam quốc sơn hà” trong sách giáo khoa hiện tại, họ còn nhiều kênh thông tin để tiếp cận với những bản dịch khác. Và sự tiếp cận đa phương bao giờ cũng tốt và ít tính thụ động hơn.

Đối với những người lớn, đã có cơ hội tiếp xúc với bản dịch phổ biến trước đây cũng không nên vì thế mà bức xúc. Bởi, người lớn càng không nên áp đặt tiềm thức của mình lên tiềm thức của con trẻ. Vì có thể vài chục năm sau, những người trẻ hiện tại lại thích một bản dịch khác của thời đại hôm nay hơn, thì sẽ thế nào? TS Phạm Văn Tuấn đặt câu hỏi.

Bài: Thục Khôi

Ảnh: Tiến Dũng, Nhân vật cung cấp

logo

Thực hiện: depweb

09/11/2015, 13:55