VCCA: Nghệ thuật không ngụ ở thánh đường cao xa - Tạp chí Đẹp

VCCA: Nghệ thuật không ngụ ở thánh đường cao xa

Giải Trí

Chia sẻ về lý do cho rằng VCCA có thể trở thành một địa chỉ sinh hoạt bền vững, họa sĩ Lê Thiết Cương cho biết, anh nhìn thấy trung tâm đã có được một concept riêng cho sự ra đời của mình. Cũng vẫn ý kiến của họa sĩ theo trường phái tối giản, chỉ khi có con đường độc lập với các hoạt động thường kỳ, một doanh nghiệp mới có thể lan tỏa tới công chúng những thông điệp của chính mình.

Ngươi tham quan triển lãm đang dừng lại trước tác phẩm "Cuộc sống vườn địa đàng" của nghệ sĩ Nguyễn Mạnh Hùng.
Ngươi tham quan triển lãm dừng lại trước tác phẩm “Cuộc sống vườn địa đàng” của nghệ sĩ Nguyễn Mạnh Hùng.

Thực tế ở Việt Nam đã có và ngày càng nhiều doanh nghiệp lớn tìm đến nghệ thuật như cách tự quảng bá và truyền thông cho chính mình. Không lạ khi những năm gần đây Việt Nam có hàng loạt chương trình biểu diễn nghệ thuật chất lượng cao như đêm biểu diễn nhạc vũ kịch ballet, những chương trình mời các nghệ sĩ nổi tiếng thế giới như Richard Clayderman, Kenny G… về trình diễn. Nhưng có vẻ như các chương trình này mới dừng ở việc được tổ chức trước hết để chiều chuộng chính khách hàng ruột của mình, mượn nghệ thuật như một chiếc áo choàng đi qua cơn mưa chứ chưa thực sự bắt tay vào việc xây dựng nó. Quả thực, ngoài chuỗi chương trình Hòa nhạc Hennessy với 21 năm bền bỉ thực hiện sứ mệnh: mang âm nhạc cổ điển tới gần công chúng hơn, hiếm có đơn vị nào tạo ra concept độc lập và kiên trì với con đường phát triển riêng.

Sự ra đời của VCCA khiến người ta hi vọng vào một con đường đầu tư và phát triển dài hơi cho nghệ thuật.

Nhiều khách thăm triển lãm thích thú trước "Cây ước nguyện" của nghệ sĩ Nhật Bản Yoko Ono.
Nhiều khách tham quan triển lãm thích thú trước “Cây ước nguyện” của nghệ sĩ Nhật Bản Yoko Ono.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều thẳng thắn: “VCCA ra đời phục vụ cho chính khách hàng của họ trước tiên, tất nhiên. Nhưng người ta dễ dàng nhận ra, một trung tâm như thế không chỉ để phục vụ vài ngàn con người, họ có “động cơ” lớn hơn, hướng đến cộng đồng”. 

VCCA ra đời cũng tái khẳng định, sứ mệnh của họ là làm cầu nối đưa nghệ thuật tiệm cận công chúng một cách rộng rãi, khơi gợi cảm hứng, tham gia xây dựng môi trường hoạt động nghệ thuật sôi nổi nhằm góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần trong nước.

Bà Lê Mai Lan, Phó Chủ tịch đơn vị tài trợ dự án cũng cho rằng: “Xây dựng VCCA giữa trung tâm một khu đô thị chính là muốn truyền đi thông điệp: nghệ thuật – đặc biệt là nghệ thuật đương đại không ngụ ở thánh đường cao xa nào đó, nghệ thuật đang hiện diện trong từng lát cắt cuộc sống và bám sát dòng chảy đương đại cuồn cuộn sinh lực”.

Tuy nhiên, làm thế nào để VCCA không rơi vào sự lặp lại chính mình ngay cả khi có concept riêng? Họa sĩ Lê Thiết Cương chỉ ra vấn đề mấu chốt: “Tôi thấy họ có một Giám đốc nghệ thuật người nước ngoài, một người có khả năng link được giữa nghệ thuật đương đại Việt Nam với thế giới một cách công bằng, hẳn nhiên đó là lựa chọn thông minh. Tuy nhiên, cần phải có giám tuyển độc lập cho mỗi chương trình trong tương lai chứ không chỉ phụ thuộc vào riêng một vị giám đốc nghệ thuật. Đó mới là cách đi thông minh, không tự lặp lại chính mình.”

Giám đốc nghệ thuật của VCCA - TS Mizuki Endo đến từ Nhật Bản.
Giám đốc nghệ thuật của VCCA – TS Mizuki Endo đến từ Nhật Bản (áo đen)

Họa sĩ Lê Thiết Cương cũng cho rằng, ngay cả những người tài năng nhất cũng không đủ khả năng bao quát toàn bộ các giai đoạn, các vùng phát triển của riêng nghệ thuật đương đại thế giới. Chẳng hạn người giỏi nhất về mỹ thuật Đông Dương đương đại hẳn nhiên là một vị khác người đang giữ vị trí Giám đốc nghệ thuật VCCA hiện tại, Lê Thiết Cương khẳng định. Vì thế, việc cần có các giám tuyển độc lập cho mỗi chương trình trong tương lai là hết sức cần thiết.

Lê Thiết Cương cũng chỉ ra việc cần thiết tổ chức các hoạt động thường kỳ, chẳng hạn cứ ba tháng phải có một triển lãm, trong khoảng ba năm đầu tiên VCCA ra đời. Cùng đó là các hoạt động “gieo mầm” khác. Sự sống còn của một trung tâm nghệ thuật chính là các hoạt động, thiếu điều này, tự nó sẽ tiêu tan.

Như sự đồng nhất về ý tưởng, VCCA cũng sẽ hoạt động theo chu kỳ 4 mùa, mỗi mùa kéo dài 03 tháng với từng chủ đề Triển lãm cùng chuỗi hoạt động giáo dục, trải nghiệm nghệ thuật. Khởi đầu hoạt động của VCCA chính là Triển lãm Tỏa/The Foliage diễn ra từ 6/6 – 6/8/2017.

anh-9

 Trung tâm Nghệ thuật đương đại VCCA vừa ra đời với Triển lãm Tỏa tại sảnh R3 – Khu đô thị Royal city với trọng tâm hoạt động là Quỹ Phát triển Nghệ thuật Vincom với ba mục tiêu chính là đầu tư bảo tồn, bảo tàng nhằm sưu tập, gìn giữ các di sản văn hóa nghệ thuật Việt Nam và các tác phẩm có giá trị về lịch sử, nghệ thuật…; Tạo sân chơi cho các nghệ sỹ triển lãm tác phẩm theo hình thức kinh doanh nghệ thuật chuyên nghiệp; Lập bộ sưu tập các tác phẩm nghệ thuật có giá trị của Việt Nam.Bên cạnh đó, VCCA còn có nhiệm vụ giới thiệu những tác phẩm có giá trị, các xu hướng nghệ thuật mới, nhằm góp phần định hướng thẩm mỹ và lan tỏa tri thức về nghệ thuật tới đông đảo công chúng trong nước.

Bên cạnh khu vực triển lãm chính với cửa sổ trời ấn tượng và mặt bằng có khả năng thay đổi linh hoạt theo từng sự kiện, Trung tâm còn các phòng chiếu video, xưởng sáng tạo, lớp học mỹ thuật, thư viện, trà quán, và các kho lưu trữ, bảo quản tác phẩm được trang bị hệ thống kiểm soát không khí và độ ẩm theo tiêu chuẩn bảo tàng quốc tế.

Thực hiện: depweb

08/06/2017, 16:29