Có chị em phải dùng dụng cụ hỗ trợ vắt sữa nhưng kết quả vừa đau mà sữa cũng chẳng ra nhiều hơn bao nhiêu.
Nhẹ nhàng và kiên nhẫn
Trước khi vắt sữa, mẹ cần rửa tay thật kỹ, lau sạnh hai núm vú, chú ý quầng vú và núm vú. Ly đựng sữa phải có nắp đậy và được nấu sôi trước khi dùng. Thêm nữa, bạn nên massage cho hai bên ngực một vài phút trước khi tiến hành vắt sữa.
Các chị em có thể đứng hoặc chọn một kiểu ngồi giúp mình cảm thấy thật thoải mái khi vắt sữa. Đầu tiên, đặt ngón tay cái lên quầng vú và ngón tay trỏ ở phía dưới núm vú (ngoài quầng vú). Ấn ngón tay cái và ngón tay trỏ nhẹ nhàng vào phía trong và phía thành ngực, bóp nhẹ nhàng và xoay các vị trí khác nhau, lấy trung tâm là núm vú. Hãy cố gắng không để cho móng tay làm cho vùng da ở ngực bị trầy xước.
Lần đầu tiên vắt sữa, có thể chỉ có vài giọt xuất hiện. Sau đó, sữa sẽ chảy thành dòng mạnh. Bạn nên vắt một bên cho đến khi sữa chảy chậm lại rồi hết hẳn, sau đó mới chuyển sang bên còn lại. Thời gian vắt một bên ngực khoảng từ 12-15 phút và bạn có thể vắt khoảng 8 lần/ ngày. Nếu sữa không chảy như mong muốn, bạn có thể di chuyển bàn tay đến gần đỉnh (núm vú) hoặc xa hơn để tìm vị trí giúp sữa chảy tốt hơn. Hoặc bạn cũng có thể ngừng vắt trong ít phút để massage ngực thêm một chút, sau đó hãy thử vắt lại lần nữa. Bạn nên kiên nhẫn để có được kết quả tốt.
Giúp tăng và tạo sữa mẹ
Nếu sữa ít, bạn có thể nhờ người nhà hỗ trợ bằng một số cách đơn giản như sau:
– Đắp khăn ấm lên ngực.
– Nhờ người xoa bóp lưng, cổ cho các bà mẹ trước khi vắt sữa.
– Uống nhiều nước, sữa và bổ sung thêm dưỡng chất.
Bạn nên cố gắng cho bé bú mẹ vào ban đêm. Vì ban đêm, prolactin (một loại hormone giúp tiết ra nhiều sữa) hoạt động tốt, giúp kích thích cho dòng sữa mẹ tăng lên rất nhiều. Nếu không cố gắng cho trẻ bú mẹ vào ban đêm thì nguy cơ mất sữa hay sữa giảm dần sẽ rất nhanh.
Tư vấn chuuyên môn: BS. CKI. Nguyễn Thị Thanh, Trưởng khoa Dịch vụ 1, Bệnh viện Nhi đồng 2.