Vật lạ trong đường thở - Tạp chí Đẹp

Vật lạ trong đường thở

Sống

Khoa cấp cứu, Bệnh viện Nhi Đồng 2, TP.HCM gần đây tiếp nhận một bé trai (8 tháng tuổi, Q Gò Vấp, Tp.HCM) bị dị vật rơi vào đường thở. BS. Trần Đắc Nguyên Anh (Phó Trưởng khoa Cấp cứu) cho biết, dị vật là mẩu xúc xích mà mẹ bé đã bóp nát trộn vùng với cháo. Bé ăn được vài muỗng thì bị sặc, tím tái cả người. Người nhà thấy vậy tưởng bé lên cơn động kinh nên lấy chanh nhỏ vào miệng nhưng tình hình không khả quan. Lúc này, gia đình mới đưa bé qua Bệnh viện Nhân dân Gia Định trong tình trạng ngưng tim. Các bác sĩ ở đây đã hồi sức và thấy tim bé có dấu hiệu đập trở lại. Sau đó, bé được chuyển đến Bệnh viện Nhi Đồng 2, mặc dù các bác sĩ đã tích cực cấp cứu nhưng vì thời gian ngưng tim lâu nên dẫn đến chết não, bé tử vong sau 24 giờ. BS Nguyên Anh cho biết: “Nếu cha mẹ cẩn thận hơn trong chăm sóc trẻ cũng như biết cách xử lý nhanh thì đã không xảy ra trường hợp đáng tiếc trên”.

 

Dấu hiệu nhận diện

Dị vật đường thở có thể gặp ở bất kỳ độ tuổi nào nhưng phần lớn là ở trẻ từ 1 – 4 tuổi. Vì ở tuổi này trẻ thường hay nghịch, thích khám phá và cho các đồ vật vào miệng, mũi hoặc bị mắc dị vật lẫn trong thức ăn khi bắt đầu ăn dặm. Theo Ths. BS Trần Thị Thu Loan (Trưởng khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi Đồng 2, TP.HCM) dị vật đường thở rất đa dạng, có thể là các loại hạt như hạt dưa, đậu phộng, hạt quả sơ ri, các mẩu xương trong thức ăn, mẩu đồ chơi, đầu bút… Vì vậy, khi thấy trẻ đang chơi, ăn bỗng nhiên ho sặc sụa, tím tái, cha mẹ nên hiểu đây là dấu hiệu cơ thể trẻ phản xạ để tống dị vật ra ngoài. Nếu sau đó trẻ ói, ho, thở khò khè… có thể lúc này dị vật đã rơi sâu xuống đường thở, cha mẹ nên sớm đưa trẻ đến bệnh viện có chuyên khoa hô hấp để bác sĩ kiểm tra xem tình trạng trên là do dị vật hay bệnh khác gây nên.

Xử lý đúng cách

Nếu biết cách xử lý kịp thời khi dị vật rơi vào đường thở sẽ hạn chế khả năng tử vong hoặc để lại di chứng sau này. Theo BS Thu Loan, việc xử lý dị vật đường thở ở trẻ cho thể chia ra làm hai trường hợp:

 

– Trẻ dưới 2 tuổi: Khi thấy trẻ ho, tím tái, trợn mắt, cha mẹ nên đặt trẻ nằm sấp trên lòng bàn tay hay đùi, sau đó dùng gót tay (phần giao giữa lòng bàn tay và cổ tay) vỗ vào lưng khoảng 2 – 3 cái. Tiếp theo lật ngửa trẻ, dùng tay ấn ngực 2 – 3 cái để trẻ ho bắn dị vật ra.

– Đối với trẻ lớn hơn, cha mẹ nên để trẻ đứng, cúi người về trước rồi đứng từ phía sau trẻ, cho lưng trẻ tựa vào ngực mình, vòng tay qua hông, đặt trước vùng thượng vị, một tay co lại tạo thành hình nắm đấm, tay còn lại chồng lên tay kia, ép nhanh và mạnh từ trước ra sau, từ dưới lên trên để làm tăng áp lực lồng ngực nhằm tống dị vật ra ngoài. Nếu trẻ bị sặc mà vẫn nói chuyện, thở được thì đưa ngay trẻ đến bệnh viện để gắp dị vật ra.

 

Đề phòng ngay từ đầu

Để hạn chế tai nạn dị vật đường hô hấp, cha mẹ cần tránh cho trẻ tiếp xúc với dị vật. Đối với trẻ ăn dặm, cần làm mềm, nhỏ thức ăn, lược kỹ càng để loại bỏ hết các mảnh xương, vây cá nhỏ còn lẫn trong thức ăn. Khi cho trẻ ăn không được đùa giỡn hay chọc trẻ cười, tuyệt đối không cố cho ăn khi trẻ đang khóc. Đối với trẻ lớn hơn, không cho trẻ ăn các loại hạt, phải lấy hạt của trái cây ra ngoài trước khi cho trẻ ăn…

Sai lầm của cha mẹ

Dưới đây là 2 sai lầm cha mẹ thường gặp có thể dẫn đến dị vật rơi vào đường hô hấp hay khiến tình trạng nặng hơn:

– Khi thấy trẻ đang ngậm trong miệng, hít trong mũi hạt, vật gì đó, cha mẹ liền la hét lớn. Vô tình, tiếng la hét lớn làm trẻ giật mình sẽ hít vật đó vào hoặc khóc làm vật rớt sâu vào đường thở.

– Khi trẻ mắc xương, cha mẹ thường dùng tay thọc vào miệng để móc ra. Điều này dễ làm xương cắm sâu hơn, làm tổn thương niêm mạc. Khi thọc tay vào miệng, trẻ thường dễ bị ói nhưng không nuốt được mà sẽ hít vào đường thở gây sặc thêm.

Theo Thế giới gia đình

Thực hiện: depweb

09/12/2012, 22:54