- Lần nào nghe bài này C. cũng khóc. Tối nay, dù không phải nghệ sĩ Thanh Hoài ở trên chiếu chầu nhưng khi câu đầu “Tống biệt” vừa cất lên, C. lại thấy mình nghẹn ngào. Cô cứ khăng khăng phải nghe cho bằng được bi khúc giữa lòng Hanoï**, không biết là do bài hát hay là vì cơ hội được nghẹn ngào.
- Cà phê Nhà Thờ. Bạn bè C. 4 người. Một người 4 năm ở Mỹ. Một người 4 năm ở Anh. Một người 4 năm ở Đức. Một người 4 năm ở Pháp. Thêm 4 người nữa. Cùng nhau tụ tập, cà phê trà chanh, hút thuốc, nói vài chuyện vui tình cảm vụn vặt hay hỏi nhau kế hoạch tương lai ở đâu làm gì. Chuyện vui tình cảm vụn vặt thì nhí nhố buồn cười, chuyện kế hoạch tương lai thì ậm ừ hoang mang. Có 4 đôi mắt đối diện với 4 đôi mắt. Đôi mắt C. tròng trành ở giữa khu Nhà Thờ.
- C. đã tìm mấy ngày nay một chỗ yên thân để đọc sách. Những quán thường lui tới trước đây đều đã chuyển hay đã chuyển đổi không khí một cách bất thường. Một chỗ nhiều ánh sáng, yên lặng, vắng vẻ, thoáng đãng, không nhạc Việt thịnh hành và đồ uống không quá đắt. Tự tìm nơi trú cho mình vui hơn là nhờ bạn chỉ. Hanoï hóa ra vẫn còn những góc như thế. Khi đã tìm ra thì sự dễ chịu khiến C. không kìm lòng được mà nhắm mắt ngủ, quên cả sách đang đọc dở.
- Thêm một áo dài bằng lụa trơn màu tím ngà không chiết eo. Tủ quần áo không áo dài thì thấy thiếu thiếu. C. vừa may áo dài riêng thứ hai trong đời tại tiệm một người bạn của mẹ. Áo dài này có lẽ chẳng bao giờ C. có dịp mặc. Lúc mặc lại có cảm giác như đang đóng phim.
- C. mượn máy ảnh phim của bạn để chụp ảnh gia đình. Mẹ và bố ngồi cạnh nhau trên sân vườn nhà tầng năm. Cả hai không giỏi làm dáng nên ảnh hẳn sẽ đẹp. Em gái cô vừa tròn 17 tuổi điệu đà. Chân dung mẹ. Chân dung bố. Chân dung em gái. Chân dung bố và mẹ. Chân dung bố, mẹ, em gái. Lúc nheo mắt nhìn vào khung máy ảnh, C. thầm nghĩ cả thời gian vừa qua Hanoï với mình chỉ gói gọn hết trong này.
- Hẹn gặp mối tình đầu tiên không phải một hẹn nhất thiết. Gặp nhau được thì vui. Như dự đoán, cả hai lúc đầu đều cười “À, chúng ta đã khác quá rồi!” để đến cuối buổi lại tặc lưỡi “Thật ra chúng ta chẳng thay đổi gì cả!”. Mối tình đầu tiên rất hay gợi C. nhớ về hoa sữa. Thực lòng, C. nghĩ hoa sữa giống một huyền thoại có phần lừa phỉnh của thành phố. Nhưng hoa sữa hoàn toàn không phải một chuyện tai hại. Đấy là một kí ức đẹp. Cách đây mấy tháng, tôi có mua một chậu cây ra rất nhiều hoa và quả. Tôi đặc biệt yêu thích nó. Ở Việt Nam, mọi người gọi là cây quýt. Ở đây, tôi nhất định gọi nó là cây cam cảnh. Tôi nghĩ, cùng một loại cây, nếu ở một nơi xa xôi sẽ là cam cảnh, nếu ở Việt Nam sẽ là quýt. Quan trọng là chậu cây khiến tôi vui…
* Lời trong bài “Tống biệt” được thể hiện bởi nghệ sĩ Thanh Hoài trong phim “Mê Thảo, thời vang bóng” của đạo diễn Việt Linh.
** Cách viết Hà Nội trong tiếng Pháp.
*** Trương Quế Chi hiện là du học sinh tại Pháp. Chị sẽ quay lại Hà Nội trong hai tuần nữa sau bốn năm gần đây không về thăm nhà. “Tôi chỉ ý thức rõ ràng được ba điều khác biệt: phải đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy, nhà tôi đã chuyển đi nơi khác và tuổi của những người thân trong gia đình tôi đã thay đổi.” Ghi chép này là vài tưởng tượng cá nhân về chuyến đi sắp tới của Chi.
Nhật ký một người Việt
Tôi gặp một người đàn ông có gương mặt Á Đông tại một bữa tiệc thân tình đầu hè Hà Nội. Hỏi: – Anh là người nước nào? Trả lời: – Tôi là người Anh.
Lại hỏi: – Anh đến Việt Nam lâu chưa? Trả lời: – Tôi làm việc ở đây 2
năm rồi. À, mà ngày nhỏ tôi cũng sinh ra và lớn lên ở đây.
Câu chuyện trôi qua như bất cứ câu chuyện xã giao nào khác, cho tới cách đây 1 tháng, tôi biết rằng thật ra anh là người gốc Việt. Tôi hiểu rằng, trong thế giới mà một con người có thể có cha là người Mỹ lai Thái Lan, mẹ người Việt lai Pháp, sinh ra và lớn lên ở Đức, mang quốc tịch Nam Phi và hiện sống và làm việc tại Nhật… thì chuyện định nghĩa một con người thuộc về nơi nào đã không còn đúng ý nghĩa, và cũng không còn quan trọng nữa. Nhưng cái ý nghĩ, tại sao một người không thể tự hào nói rằng tôi là người Việt Nam, vẫn ám ảnh tôi.
Chuyên đề bao gồm các bài viết:
1. Thư viện không giá sách
2. Vắng mặt ngày hôm nay tại Hà Nội
3. Người Việt trẻ ăn trầu
4. Một lần nữa tôi lại yêu
5. Việt Nam trong Guidebook
Tổ chức chuyên đề: Danh Quý