McDonald cho biết sẽ xem xét đơn khiếu nại tố cáo tình trạng quấy rối tình dục, nhấn mạnh tập đoàn thực phẩm này luôn đặt con người là ưu tiên cao nhất.
Ngày 18/5, một nhóm các công đoàn lao động quốc tế tuyên bố đã đệ đơn khiếu nại tập đoàn đồ ăn nhanh McDonald’s, tố cáo tình trạng quấy rối tình dục có hệ thống tại các nhà hàng thuộc chuỗi kinh doanh của tập đoàn trên khắp thế giới.
Đơn khiếu nại trên đã được nộp lên các văn phòng của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) tại Hà Lan.
Đơn khiếu nại cũng nhắm vào hai ngân hàng đầu tư, gồm APG Asset Management của Hà Lan và Ngân hàng Norges của Na Uy, cùng nắm giữ khối tài sản trị giá 1,7 tỷ USD trong “gã khổng lồ” thực phẩm.
Những người khiếu nại lưu ý rằng các hướng dẫn riêng của OECD yêu cầu các cổ đông trong các công ty phải đảm bảo việc ứng xử kinh doanh có trách nhiệm.
Đây là đơn khiếu nại đầu tiên mà các liên đoàn này nộp lên OECD nhằm vào vấn nạn quấy rối tình dục có hệ thống tại một công ty đa quốc gia.
Đơn khiếu nại viện dẫn lời khai của nhân chứng về những hành vi cố ý đụng chạm vào những vị trí nhạy cảm trên cơ thể, gạ gẫm quan hệ tình dục và những hành vi không đúng đắn khác.
Đơn nêu rõ các nạn nhân, một số ở độ tuổi 16, cho biết đã bị phớt lờ, chế giễu, hoặc bị trừng phạt khi họ báo cáo về những hành vi không đứng đắn nay. Một số người đã bị giảm giờ làm hoặc bị sa thải.
Thực trạng này tồn tại tại các chuỗi nhà hàng ở nhiều quốc gia như Mỹ, Anh, Australia, Brazil, Chile, Colombia và Pháp.
Lý giải về việc chọn Hà Lan để đệ đơn khiếu nại, các công đoàn trên, bao gồm Công đoàn Thực phẩm, nông nghiệp và du lịch thương mại châu Âu và Công đoàn Các nhân viên dịch vụ quốc tế của Mỹ và Canada, cho biết tại Mỹ, nơi McDonald’s đặt trụ sở chính, đã “nhấn mạnh không chịu trách nhiệm về điều kiện việc làm, quan hệ lao động, hoặc các hành vi quấy rối nơi làm việc tại hơn 90% các cửa hàng của thương hiệu này được vận hành dưới hình thức nhượng quyền thương mại.”
Các công đoàn đã chọn Hà Lan vì đây là “trung tâm đầu não” của hoạt động kinh doanh tại châu Âu của McDonald’s, và cũng là trụ sở của ngân hàng APG.
Trong một tuyên bố, Tổng Thư ký Liên minh Công nhân thực phẩm quốc tế Sue Longley cho biết các nhân viên của McDonald’s đã cảnh báo về tình trạng quấy rối tình dục cũng như những hành vi bạo lực giới trong suốt nhiều năm, song tập đoàn này đã không có những động thái quyết liệt để giải quyết vấn đề này.
Bà nhấn mạnh do McDonald’s đã phớt lờ việc tạo ra một môi trường làm việc an toàn, Chính phủ Hà Lan cần tận dụng đơn khiếu nại này để trao thêm quyền cho người lao động giải quyết hiệu quả tình trạng lạm dụng tình dục mà họ phải đối mặt.
Về phần mình, McDonald cho biết sẽ xem xét đơn khiếu nại khi nhận được, nhấn mạnh tập đoàn thực phẩm này luôn đặt con người là ưu tiên cao nhất.
Công ty cho biết đã có cuộc đối thoại quan trọng về môi trường làm việc an toàn tại Mỹ và thế giới.
Tuyên bố nêu rõ: “Trên khắp thế giới, chúng tôi tin rằng McDonald’s và các đối tác kinh doanh của mình có trách nhiệm hành động về vấn đề này và cam kết thúc đẩy những thay đổi tích cực.”
Theo quy định, đơn khiếu nại sẽ được Chính phủ Hà Lan xem xét và có 3 tháng để quyết định có tiến hành một tiến trình hòa giải với công ty hay không.
Một chuyên gia luật lao động quốc tế cho biết OECD không có quyền phạt McDonald’s.
Tuy nhiên, các liên đoàn đệ đơn khiếu nại hy vọng việc hòa giải “có thể đưa đến một thỏa thuận và một khuôn mẫu chung cho hoạt động kinh doanh của McDonald’s trên khắp thế giới,” cũng như cho phép người lao động chia sẻ kinh nghiệm và đóng góp ý kiến nhằm xây dựng các chính sách chống quấy rối tình dục và bạo lực giới của công ty.
McDonald’s có chuỗi nhà hàng lớn nhất ở châu Âu với gần 500.000 nhân viên, 90% trong số đó làm việc trong những những chi nhánh được nhượng quyền.
Trước đó, tập đoàn này từng tuyên bố chỉ có thẩm quyền hạn chế đối với các quyết định nhân sự của những chi nhánh được nhượng quyền – những doanh nghiệp độc lập điều phối hơn 90% trong chuỗi 14.000 nhà hàng ở Mỹ của thương hiệu này.