Văn hóa xe đạp - Tạp chí Đẹp

Văn hóa xe đạp

Giải Trí
Cứ cuối giờ chiều, ông Đông lại thong dong đạp chiếc xe đạp Viha cũ rẽ vào vỉa hè phố Lý Thường Kiệt và từ tốn dựng xe vào gốc cây, ngồi xuống uống cốc bia hơi. Nhiều người ở quán bia này thích ngồi đây là để được nhìn thấy ông. Có thể họ không cần nói chuyện với ông, không biết tên ông nhưng họ muốn được ngắm cái dáng ông đi chiếc xe đạp thong dong và hơn nữa, ngắm chiếc xe đạp cũ của ông. Họ thấy đỡ mệt rất nhiều.

 

Nếu để ý trong đám đông chen chúc trên các con đường Hà Nội buổi sáng, tôi chắc đôi khi bạn sẽ nhìn thấy hình ảnh một công chức ăn mặc chỉn chu cưỡi… xe đạp đến công sở.

Trần Quang Đức năm nay 29 tuổi, nhân viên ngân hàng, là một người như thế. Thay vì đi xe máy như mọi người, Đức bắt đầu đi xe đạp từ 2 năm nay và hầu như không sử dụng chiếc Dream II của mình nữa. “Ban đầu nảy ra chuyện đi xe đạp vì tôi vào làm một công ty gần nhà. Thấy gửi xe máy mỗi tháng phải mất mấy trăm ngàn nên quyết định sửa lại chiếc xe đạp địa hình từ thời phổ thông để đi. Và cứ thế đi xe đạp thành quen, khi chuyển sang chỗ làm mới vẫn đi xe đạp và không thấy bất tiện gì.” Đức bảo từ khi đi xe đạp, nghe mọi người nói chuyện xăng tăng giá, anh không thấy lo lắng lắm. Nhưng quan trọng nhất là chính thói quen đi xe đạp khiến anh có một nếp sống khá giờ giấc. “Đi xe đạp phải tính toán thời gian để đến công sở hay có mặt tại cuộc hẹn kịp giờ. Mà thói quen giờ giấc và làm việc có kế hoạch thì chỉ có lợi chứ chẳng phiền phức gì.”

Điều thú vị là Đức còn là thành viên một hội nhỏ trên Facebook với tên gọi ‘những người thích đi xe đạp đến công ty’. Có khoảng hơn trăm người là thành viên ảo, còn gặp nhau trên thực tế thì cũng phải mấy chục người. “Chúng tôi chia sẻ với nhau về lý do chuyển sang đi xe đạp, cảm thấy thế nào và những ai thích nâng cấp từ chuyện đi đơn thuần lên một thú chơi thì trao đổi về các loại xe, giá cả, mua ở đâu, v.v…”, Phạm Văn Nam, thành viên của hội, kể với tôi. Mới đây mấy chục người trẻ tuổi cả nam cả nữ còn rủ nhau đạp xe đi làm từ thiện ở một ngôi chùa gần Hà Nội.

Trong dịp vào Tp.HCM tôi được biết đến nhóm Fixed Gear Saigon. Fixed Gear là tên một dòng xe đạp được biết đến nhiều trên thế giới, vừa có tính chất thể thao nhưng cũng rất phù hợp sử dụng trong đô thị. Theo anh Trần Quốc Bửu, thành viên của nhóm, hiện tại Tp.HCM có khoảng 20 chiếc Fixed Gear và đây cũng là nhóm đầu tiên chơi dòng xe này tại Việt Nam. Họ tự tìm hiểu, chia sẻ với nhau trong hơn một năm qua. Anh Bửu cũng như nhiều thành viên trong nhóm dùng xe đạp đi làm rất  yêu quý chiếc xe của mình. Nhóm có khoảng 20 – 30 người ở các ngành nghề, lứa tuổi, khác nhau, thành viên lớn tuổi nhất là những bác đã 60 – 70 tuổi.

Mỗi tuần nhóm Fixed Gear Saigon cũng gặp nhau 2 buổi. Ngoài chia sẻ về thú chơi xe, họ cũng tổ chức các buổi chơi khai thác thế mạnh thể thao của dòng xe này. “Chơi xe đạp, đi xe đạp điều đầu tiên là rất có lợi cho sức khỏe cá nhân và cộng đồng. Cao hơn nữa, đa số mọi người khi trở lại đi xe đạp thường xuyên đều nói rằng họ thay đổi nhiều về tư duy và tâm lý. Thoải mái hơn và bình tĩnh hơn”, anh Bửu chia sẻ.

Nhóm Fixed Gear Saigon 

Trong giới nghệ sĩ có không ít người đi xe đạp. Nhưng có một người tôi biết khá rõ đó là họa sĩ Đào Hải Phong. Anh Phong coi xe đạp là phương tiện đi lại chính của mình đã nhiều năm nay. Có lần trong câu chuyện, vị họa sĩ nổi tiếng này cũng cho rằng sự chuyển đổi quá nhanh từ đi xe đạp lên đi xe máy đã ít nhiều ảnh hưởng tiêu cực tới đời sống đô thị Việt Nam. Theo anh nhiều người vẫn nhìn chuyện đi xe đạp hay hình ảnh chiếc xe đạp như một sự hoài cổ. Nhưng đó là cái nhìn chưa đầy đủ. “Đi xe đạp là một văn hóa. Tại sao các thành phố đẹp và phát triển nhất trên thế giới họ phải có những hành động mạnh mẽ để khuyến khích người dân đi xe đạp. Bởi chiếc xe đạp đơn giản nhưng lại cơ bản và hài hòa với con người”, họa sĩ Đào Hải Phong nói.

Trong một xã hội đang phát triển chóng mặt như hiện nay, có rất nhiều mốt ra đời. Mốt thì nhiều khi nhất thời và đôi khi vô bổ. Nhưng mốt quay trở lại đi xe đạp thì thật đáng yêu, đáng trân trọng. Đi xe đạp là một cách sống lành mạnh. Mà cách sống lành mạnh thì chắc chắn sẽ hình thành tư duy lành mạnh. Nói vậy để thấy đi xe đạp cũng có văn hóa của nó.

* Chồng: Guim Valls Teruel (37 tuổi – Chủ quán cafe xe đạp THBC)

Vợ: Nguyễn Thùy Anh (33 tuổi – Phóng viên VTV6 Đài Truyền hình Việt Nam)
Con gái: Lola Khánh Hà (6 tháng)

Gia đình Thùy Anh – Guim

Ảnh: 361Studios

Sau 3 năm đạp qua hơn 20 quốc gia, Guim Valls đã chứng kiến sự bùng nổ của chiếc xe đạp cùng với những trào lưu thời trang và cộng đồng cyclist phát triển theo cấp số nhân trên khắp các nước từ Á đến Âu. Trước khi về Việt Nam, Guim nói: “Chiếc xe đạp gắn bó với người Việt Nam đã lâu, cuộc sống phát triển đã làm họ lãng quên nó, nhưng tôi muốn khơi lại tình yêu của họ dành cho chiếc xe 2 bánh thân thiện này”. Và đó là lí do ra đời quán cafe xe đạp THBC tại 44 ngõ 31 Xuân Diệu.

Từ tháng 4 năm 2012, THBC đã trở thành ngôi nhà của tất cả những người đạp xe vòng quanh thế giới khi đi qua Hà Nội. Guim đã giúp đỡ và ủng hộ 6 cua rơ đến từ các nước khác nhau, giúp cho những người chơi xe đạp tại Hà Nội có dịp gặp gỡ và làm quen với một xu hướng đi du lịch đã phát triển ở các nước phương Tây.

Hàng ngày vợ chồng Guim và Thùy Anh đều tổ chức những buổi đạp xe từ sáng sớm vòng quanh Hà Nội, kết hợp với tập yoga, và họ đã nhận được sự ủng hộ của rất nhiều người. Hành trình vòng quanh thế giới tạm dừng lại, nhưng những bánh xe vẫn tiếp tục quay. Dự kiến năm 2015, Guim, Thùy Anh cùng cô con gái nhỏ sẽ chinh phục châu Mỹ trên những chiếc xe 2 bánh của mình.”

* Nguyễn Thị Chi
(31 tuổi – Phụ trách truyền thông của Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam)

Nguyễn Thị Chi

Ảnh: Bằng Trần

“Xe đạp là phương tiện đi lại chính trong thời gian tôi học tập và công tác tại Pháp, bên cạnh tàu điện ngầm và xe buýt. Người dân châu Âu nói chung hiện nay dùng xe đạp đi lại trong thành phố rất phổ biến, vì sự tự do, linh hoạt và thân thiện với môi trường mà phương tiện này mang lại. Hiện nay, do khoảng cách khá xa giữa nhà tôi và cơ quan, cùng với điều kiện thời tiết và đường xá không thuận lợi nên ưu tiên dành cho xe đạp bị xếp sau các phương tiện có động cơ khác. Nhưng xe đạp lại được “lên ngôi” vào những ngày thời tiết ủng hộ, đặc biệt là khi trời Hà Nội mát mẻ như những ngày thu này, hay khi không bị thúc giục về thời gian trong những ngày cuối tuần. Những chuyển động của cơ thể khi bạn đạp xe không chỉ là vận động thể thao mà còn mang lại cảm giác thư giãn hoàn toàn tự nhiên. Đạp xe cũng là một cách để bạn cảm nhận cuộc sống xung quanh, sự vật, quang cảnh hai bên đường theo một cách khác, chậm hơn và gần gũi hơn, so với khi bạn ngồi trong ô tô xa cách hay chạy trên xe máy tốc độ. Xe đạp thân thiện cả về kinh tế lẫn môi trường!”

 

Bài: Độc Cầm
Ảnh: XuanlamHN

Xe đạp xanh

Cùng với trào lưu Sống Xanh, xe đạp không còn là một món đồ hoài cổ, mà đang dần trở thành một trào lưu đương thời tích cực của thế giới và Việt Nam.

Các bài viết trong chuyên đề:

>> Kỷ nguyên mới của xe đạp

>> Xe đạp chuyện

>> Văn hóa xe đạp

Tổ chức: Vũ Thủy

Thực hiện: depweb

04/10/2012, 12:44