Văn hóa đại chúng đang đoạn tuyệt với quá khứ?

Ngày nay, người ta không còn say mê truyện Kim Dung cũng như phim chưởng Tàu, điện ảnh Hồng Kông nữa; không còn nghe nhạc ghi trên đĩa than, không nô nức kéo đến sân khấu mỗi đêm như hơn 50 năm về trước. Nhưng liệu có phải vì thế mà tất cả giá trị văn hoá đại chúng của những thập kỷ xưa cũ đều trở thành gánh nặng trong thời đại kỹ thuật số này?

aretha-franklin-3

Chẳng điều tuyệt vời nào là mãi mãi

Những trào lưu mì ăn liền dễ dãi thời nay dường như đang mài mòn đám tâm hồn hoài cổ. Tâm hồn, hay chính là soul. Người nghệ sĩ nhạc soul cuối cùng mà bạn còn nhớ tên là ai? Ray Charles, Sam Cooke hay Aretha Franklin? Điểm chung giữa họ không chỉ là dòng nhạc, là danh xưng huyền thoại hay biểu tượng của văn hóa đại chúng nửa cuối thế kỷ 20. Họ còn là những cái tên đã rời bỏ chúng ta, một lần và mãi mãi.

Mùa thu 2018, nữ hoàng nhạc soul Aretha Franklin trút hơi thở cuối cùng, khép lại kỷ nguyên huy hoàng của dòng nhạc từng một thời khuynh đảo âm nhạc phương Tây. Cũng như Elvis Presley từng biến radio trở thành văn hoá đời sống của người Mỹ, Michael Jackson và Madonna tạo ra đế chế nhạc hình MTV, Aretha Franklin để lại thứ di sản không thể nào thay thế. Nổi danh từ thập niên 60, bà chính là nguyên mẫu của diva. Không có Aretha, sẽ chẳng thể nào có những Mariah Carey, Céline Dion, Whitney Houston.

aretha-franklin-3-1
Aretha Franklin, người nắm giữ linh hồn nhạc soul đã qua đời vào mùa thu năm 2018

Câu chuyện về dòng nhạc soul với những hưng thịnh và suy tàn trong lịch sử văn hoá đại chúng Mỹ gợi liên tưởng ít nhiều đến thân phận của sân khấu kịch Việt Nam. Khác biệt ở chỗ, âm nhạc dù sao vẫn có thể được thưởng thức và lưu giữ thông qua đĩa CD hay video trực tuyến; còn kịch nghệ thì không thể len vào rạp chiếu phim, thật khó để được o bế trên truyền hình và với sự lỗi thời của mình, nó cũng chẳng dễ tiếp cận lớp khán giả trẻ. Xưa, diễn viên kịch giỏi lấy đi nước mắt, thắp lên niềm vui cho khán giả; còn nay, “diễn như diễn kịch” trở thành một lời phê bình sâu sắc đối với bất cứ diễn viên nào.

2018 là một năm tổn thất lớn đối với sân khấu kịch nước nhà khi phải chứng kiến sự ra đi của hai cánh chim đầu đàn: nghệ sĩ Thanh Hoàng – người ghi dấu ấn với vở “Dạ cổ hoài lang” kinh điển của sân khấu phía Nam và NSND Anh Tú – Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam. Nhắc người cũ lại nhớ đến chuyện xưa. Thuở nào “Dạ cổ hoài lang” ra mắt khán giả, ngày ba suất diễn mà sân khấu 5B Võ Văn Tần không khi nào vơi khách; khán giả thành phố, khán giả nông thôn xếp hàng lũ lượt để xem kì được mới thôi. Thuở nào sân khấu miền Bắc luôn sáng đèn, từ “Macbeth”, “Hamlet” của người Tây đến “Truyện Kiều”, “Vũ Như Tô” của xứ ta.

Những vở diễn một thời là gương mặt của văn hoá đại chúng, giờ đã phủ dày một lớp bụi thời gian. Lớp khán giả trẻ giờ đây chỉ biết đến sân khấu kịch qua những từ khoá: đìu hiu, chợ chiều, không khán giả…

macbeth
NSND Lan Hương và cố NSND Anh Tú trong vở “Macbeth”

Đêm tối của quá khứ, bình minh của tương lai

Gánh nặng sẽ bị đào thải, còn di sản được bảo tồn. Trong thế giới nơi người ta đang làm mọi cách để tiến về phía trước thật nhanh, những giá trị văn hoá đại chúng đến từ quá khứ như nhạc soul, như sân khấu kịch Việt Nam sẽ trở thành một biểu tượng kinh điển hay là thứ đồ cũ lỗi thời?

Bầu trời nhạc soul đã mất đi gần hết những vì sao sáng. Nhưng đêm tối của dòng nhạc ấy lại là bình minh của những dòng nhạc rất thịnh hành sau này như R‘n’B, rock, country và cả hip-hop. Danh sách những nghệ sĩ thừa nhận tìm niềm cảm hứng từ âm nhạc của Aretha dài không đếm xuể: Natalie Cole, Mariah Carey, Whitney Houston, Jennifer Hudson, Alicia Keys, Christina Aguilera, Kelly Clarkson…

Tạm xem là nghệ sĩ thành công nhất của soul đương đại sau Amy Winehouse, Adele rất kiên định trước những xô bồ của nền âm nhạc. Trong sự nghiệp của mình, cô chỉ ra mắt ba album phòng thu, mỗi lần trở lại cách nhau nửa thập kỷ nhưng đã tiếp thêm hi vọng cho lớp nghệ sĩ và khán giả còn coi trọng giọng hát cất lên từ tâm hồn.

bohemian-rhapsody
“Bohemian Rhapsody” – phim tiểu sử về ban nhạc rock vĩ đại nhất mọi thời đại hiện đang phá kỉ lục về dòng phim âm nhạc với doanh thu xấp xỉ 600 triệu USD

Tháng 10 năm ngoái, bộ phim tiểu sử “Bohemian Rhapsody” tái hiện lại chặng đường hình thành và phát triển của ban nhạc Queen huyền thoại đã tạo ra tiếng vang trên toàn cầu. Đáng ngạc nhiên hơn cả, không ai nghĩ bộ phim chỉ toàn nhạc rock và disco này lại hiên ngang nằm ở vị trí thứ 9 trong top 10 phim có doanh thu cao nhất năm 2018, giữa mịt mù khói lửa từ những bộ phim siêu anh hùng.

Ban nhạc Queen – tượng đài âm nhạc của thế kỷ 20 – cũng đã công bố tour diễn mang tên “Rhapsody” sẽ được khởi động vào tháng 7 năm nay, với sự tham gia của giọng ca tài năng có nhiều nét tương đồng về phong cách với cố huyền thoại Freddie Mercury – nam ca sĩ Adam Lambert.

Quay về với sân khấu kịch Việt Nam, sinh thời, NSND Anh Tú từng thổ lộ tâm nguyện một ngày nào đó Nhà hát Kịch Việt Nam có thể dựng một vở của kịch tác gia Chekhov, bởi Chekhov là cái tên không thể thiếu trong kịch mục đối với một nhà hát cấp quốc gia. Thì đây, vở “Cậu Vanya” của Chekhov đã ra mắt khán giả Việt. Trong hai đêm diễn 1-2/12/2018, khán giả ngồi chật cứng khán phòng. Bên cạnh cậu Vanya do diễn viên Đức Khuê thủ vai là nhân vật cô cháu gái do Thu Quỳnh – ngôi sao mới của nhà hát đảm nhận.

cau-vanya
Diễn viên Thu Quỳnh đóng vai cô cháu gái trong vở kịch “Cậu Vanya”

Dù vở kịch cần đến sự hỗ trợ của đội ngũ hàng đầu Nhật Bản, dù được dựng tại Nhà hát Tuổi Trẻ chứ không phải Nhà hát Kịch Việt Nam, nhưng khi tấm màn nhung khép lại, nhìn nụ cười của Thu Quỳnh nở giữa tiếng vỗ tay từ hàng ghế khán giả, ai dám nói rằng sức hút của kịch nói đã hết và sân khấu đã chết? “Cậu Vanya” giống như một tuyên ngôn mãnh liệt rằng sân khấu sẽ tìm được cách để tồn tại.

Khán giả còn hào hứng với những dự án phim remake như “Anh hùng xạ điêu” hay “Thần điêu đại hiệp”, với những bộ phim bom tấn chuộng mốt dùng lại bản hit cũ… là bởi họ còn cảm nhận được hơi thở đương đại trong những hiện tượng văn hoá của quá khứ. Có những điều sẽ chẳng bao giờ trở lại thời hoàng kim, nhưng cũng sẽ không bao giờ chấm dứt dù chỉ tồn tại trong nhập nhoạng bóng tối.

Bởi lẽ, một biểu tượng văn hoá đại chúng xưa cũ sẽ luôn là chất liệu để một hiện tượng văn hoá đại chúng tươi mới khác ra đời.


From the same category