Trong tham luận Văn chương và tình dục, ông Thắng bày tỏ quan điểm: Tình dục thuộc về bản năng gốc của con người. Viết về tình dục một cách nghệ thuật, trên tinh thần nhân văn là một trong những nhiệm vụ cao cả của văn chương chân chính từ xưa tới nay. Đồng thời tình dục được hiểu là một mặt của tình yêu, tình yêu và tình dục như là hai mặt của một tờ giấy.
Tình dục không phải là vùng cấm của văn chương. Ở đây cần nhắc lại một định đề tưởng như rất cũ nhưng luôn luôn mới “không phải là viết về cái gì mà là viết như thế nào”. Ai bảo Chí Phèo của Nam Cao không viết về tình dục? Nhưng sở dĩ Nam Cao là nhà văn lớn là vì, vượt lên trên chuyện tình dục giữa Chí Phèo và thị Nở là câu chuyện về tình thương lớn, một tình thương có khả năng cứu rỗi con người.
Quan sát văn chương VN đương đại, ông Thắng nhận xét: Số lượng tác phẩm viết về tình dục ngày càng gia tăng mà dòng văn chương “thân xác” đang chiếm thị phần lớn. Và có thể kể hàng loạt cuốn sách bán chạy gần đây vì có hơi hướng tình dục như: Bóng đè của Đỗ Hoàng Diệu, Ổ rơm của Trần Quốc Tiến, Gái điếm của Nguyễn Văn Học, Chuyện lan man đầu thế kỷ của Vũ Phương Nghi, Bờ xám của Vũ Đình Giang, Lạc giới (tên ban đầu Điếm trai) của Thủy An Na…
Tình dục không phải là vùng cấm
Nhận định về sự gia tăng của dòng văn chương “thân xác”, ông Thắng cho rằng: trước hết là do cơ chế thị trường khiến các tác giả và cả nhà xuất bản phụ thuộc rất nhiều vào vai trò của các đầu nậu làm sách. Với tư nhân vấn đề lời lãi là trên hết, khi làm sách họ nghiên cứu thị trường khá kỹ lưỡng và thấy sách viết về tình dục thường bán chạy. Vì vậy, các tác phẩm thuộc dòng “văn chương thân xác” xuất hiện ào ạt là điều khó tránh khỏi khi đầu nậu sách và người viết cũng muốn thỏa mãn thị hiếu của người đọc và dòng văn chương “thân xác” chỉ dừng lại ở việc miêu tả bề nổi mà chưa đi sâu vào lý giải căn nguyên gốc rễ về tình dục.
Nhìn nhận một cách thẳng thắn, nhà phê bình Đỗ Ngọc Yên cho rằng: Bản chất của văn chương tình dục là ngợi ca cái đẹp, chỉ có văn chương nhục dục, văn chương thân xác mới gây sự phản cảm đối với xã hội. Các nhà văn lớn của thế giới đều đã hơn một lần viết về tình dục. Nhưng họ đã thành công khi viết về tình dục, vì đó là một thứ tình dục có tác dụng làm con người trở nên mạnh mẽ hơn, thanh cao hơn. Nhà văn Trung Quốc Mạc Ngôn trong tiểu thuyết Báu vật của đời cũng viết về tình dục như một mặt quan trọng trong đời sống của con người ở một xứ sở vốn được coi là hà khắc về lễ giáo, đạo đức. Nhà văn G.Marquez trong tác phẩm Ký ức buồn về những cô gái điếm trong đời tôi đã kể một câu chuyện đầy tình người, một cách ứng xử văn hóa, nhân văn giữa một thế giới xô bồ và hỗn độn…
|
Viết thế nào cho có tính nghệ thuật và nhân văn
Trước hiện tượng các nhà văn trẻ thế hệ 7X và 8X viết nhiều về tình dục, nhà văn Bùi Việt Thắng nhận xét: Điều này cũng không khó giải thích, bởi tình cảm và tình yêu của tuổi trẻ gắn chặt với tình dục, những cấm kỵ về tình dục đối với các thế hệ trước thì nay được giải phóng triệt để đối với tuổi trẻ. Nhưng văn chương tình dục của giới trẻ hôm nay có xu hướng kích thích ham muốn bản năng hơn là thanh lọc và nâng cao tâm hồn con người. Vấn đề quan trọng đặt ra là: viết về tình dục như thế nào cho có tính nghệ thuật, cho có tính nhân văn? Ở đây đòi hỏi bản lĩnh sống cũng như bản lĩnh nghệ thuật của nhà văn.
Bàn luận về vấn đề văn chương và tình dục là một điều không cùng và khó khăn vì nó rất nhạy cảm, dễ động chạm và dễ gây tranh luận. Và trong khi tranh luận, một số người sẽ bị quy kết là bảo thủ, một số người được gọi là đổi mới theo hướng cấp tiến. Nhưng bảo thủ hay cấp tiến đều không phụ thuộc vào tinh thần phê phán hay cổ súy tình dục. Suy cho cùng, tình dục bản thân nó là quà tặng của tự nhiên cho con người. Điều quan trọng là thái độ của con người đối với những gì thiên nhiên đã ban tặng cho mình.
Nhà văn Võ Thị Xuân Hà: Có một số nhà văn trẻ hôm nay viết về tình dục mà không mang nội hàm sâu sắc của tình dục, nó khơi gợi bản năng nhục cảm nhiều hơn với những chuyện tình không sạch sẽ và rất nhạt nhòa. Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ: Văn chương tình dục của một số tác giả trong nước hiện nay mới chỉ phản ánh bề nổi theo hướng nhục dục chứ chưa khắc họa được vẻ đẹp lãng mạn của tình dục, tình yêu và tâm trạng sâu lắng của con người. |
Các nhà văn trẻ nói gì? Di Li: Các nhà văn Việt viết về tình dục như một lẽ đương nhiên, nhưng phần lớn mang tính chất liệt kê, miêu tả chưa được đẹp, chưa thẩm mỹ. Tuy nhiên, tôi xin khẳng định chưa hề có một dòng văn học tính dục ở nước ta. Trong một số tác phẩm của tôi, khi cần thiết, tôi vẫn đưa những yếu tố tình dục vào, nhưng không chủ trương nhấn mạnh. Dương Bình Nguyên: Tình dục trong văn chương cần đạt được yếu tố thẩm mỹ và phải đưa ra được thông điệp. Điều này đòi hỏi người viết phải có chiều sâu và sự trải nghiệm lớn. Chính vì thế, tôi thường không dám đi sâu vào miêu tả tình dục, bởi vì tôi nghĩ nếu mình cứ cố làm một thứ mà mình không giỏi, thì chẳng khác nào khoe hết điểm yếu của mình. Trần Thu Trang: Về cách viết, tôi không thích gán cho tình dục những thông điệp ẩn dụ quá nghiêm trọng, đó đơn giản chỉ là việc diễn ra thường xuyên trên giường của nhiều người. Tôi dùng phương pháp tả thực trong chừng mực cho phép và thường cố gắng viết trau chuốt một chút. Nguyễn Đình Tú: Nhìn ở góc độ trăm hoa đua nở thì đây là một điều đáng mừng. Nhưng đi vào bản chất thì có người viết hay, viết dở. Song, cần phải xem lại những người thích quy chụp tình dục là suy thoái, suy đồi. Nhìn lại những tác phẩm nước ngoài nổi tiếng cũng rất sex. Các nhà văn Việt cũng có quyền được miêu tả điều này. Có buồn chăng chỉ là trời cho các nhà văn Việt tài còn ít nên miêu tả liên quan đến sex chưa đẹp, chưa hay. Keng: Trước đây tôi thường viết về những chuyện tình không gắn liền với hôn nhân, không cả sự ràng buộc với quy chuẩn đạo đức của xã hội. Đơn thuần đời sống tình dục của các nhân vật xuất phát từ bản năng và lối sống hiện sinh hoặc như một góc khuất để người ta tạm thời đắm chìm vào đó. Đôi khi tình yêu không hề tồn tại trong phương thức gắn kết đầy nhục cảm giữa các nhân vật, bởi tôi không mô tả nó theo kiểu tình-dục-thuần-túy mà nhìn nó như kiểu tình-dục-thiết-yếu đối với đời sống hoài nghi và lạc lối của người trẻ. Ngọc Bi (thực hiện) |
Theo Thanh Niên