Valentine: Ngày của những trái tim không ngủ

Có khoảng 1 tỷ tấm bưu thiếp có cùng chủ đề về tình yêu được gửi đi trên khắp thế giới vào ngày 14 tháng 2 hàng năm. Con số này có thể coi là kỷ lục, chỉ sau số lượng bưu thiếp gửi nhân dịp Giáng sinh. 85% trong số đó là do phụ nữ gửi đi.


Tuy nhiên, có đến 75% số người mua hoa để tặng trong dịp này lại là đàn ông, trong số đó thì hoa hồng chiếm đa số. Phải hiểu thế nào nhỉ? Ai lãng mạn hơn đây? Bạn cho rằng mọi người chỉ tặng cho người mình yêu không thôi ư? Nhầm to!

Bưu thiếp được gửi nhiều nhất cho thầy cô giáo, con cái, các bà mẹ và sau đó mới đến các bà vợ hay người yêu. Thông điệp chung trong những tấm bưu thiếp ấy tất nhiên là về ngày thánh Valentine – ngày của Tình yêu. Người Việt Nam ở các đô thị lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh mấy năm gần đây đã để ý đến ngày lễ Valentine hơn. Tuy nhiên thường thì chúng ta chỉ bó gọn trong việc dành tặng ngày đó cho người mình yêu mà quên mất rằng người ta còn cầu chúc một tình yêu tốt đẹp cho những người thân khác của mình trong ngày này. “Lãng mạn” hơn, 3% số quà mà người ta mua trong dịp này là để dành tặng… chó, mèo, vẹt, thỏ…

Thời La Mã cổ đại, một lễ hội có tên gọi Lupercalia được tổ chức vào ngày 15 tháng 2 hàng năm. Lễ hội này nhằm tôn vinh các vị thánh Lupercus và Faunus, theo truyền thuyết là những người sáng lập ra Rome, Romulus và Remus. Trong những ngày lễ hội này có cả phần kết đôi cho những thanh niên trẻ. Các chàng trai rút thăm tên bạn gái trong một chiếc hộp nhỏ. Câu nói “đặt trái tim nơi tay áo” (“wearing your heart on your sleeve”) của người châu Âu có nguồn gốc từ những lễ hội truyền thống này, theo đó các cô gái trẻ viết tên mình vào một mẩu giấy để các chàng trai trẻ rút thăm. Sau đó các chàng trai sẽ mang tên cô gái trên ống tay áo để mọi người biết rằng cô ta là “ý trung nhân” của mình.

Việc ghép đôi này mang lại ý nghĩa tình yêu cho các ngày lễ Lupercalia hàng năm. Tuy nhiên, tên gọi như ngày nay chỉ có được khoảng sau năm 270 sau Công nguyên, một chiến binh tên là Valentine đã chống lại sắc lệnh “bắt các chiến binh phải độc thân” của hoàng đế Claudius II. Vị hoàng đế độc đoán này cho rằng các chiến binh có vợ sẽ không còn tinh thần và sức chiến đấu. Sau khi bí mật tổ chức hôn lễ với người mình yêu, Valentine bị xử tội chết vào ngày 14 tháng 2.

Sau cái chết của Valentine, người ta coi ông là một vị thánh. Những người theo Cơ đốc giáo ở Rome chuyển ngày lễ Lupercalia từ ngày 15 sang ngày 14 tháng 2 và gọi là ngày lễ Thánh Valentine (St. Valentine’s Day) để lưu danh tên tuổi ông.

Tấm bưu thiếp Valentine đầu tiên được biết đến do một hiệp sĩä Pháp bị giam cầm trong Tháp London năm 1415. Tên ông là Charles, Công tước vùng Orleans, bị bắt trong trận Agincourt. Người nhận tấm bưu thiếp tình yêu đầu tiên trên thế giới này là vợ ông. Kể từ đó, phụ nữ lại chuộng cách thể hiện tình cảm này hơn đàn ông. Chẳng hiểu tại sao? Phải chăng bởi vì cùng một lúc họ có thể gửi nhiều thiếp đi mà không ai biết?

Một nhân vật rất hay xuất hiện trên các tấm bưu thiếp hay các bức tranh vẽ về tình yêu là hình ảnh một cậu bé có đôi cánh ở lưng và một bộ cung tên, đó là thần Cupid. Theo thần thoại La Mã, Cupid là con trai của Venus (thần Sắc Đẹp và Tình Yêu), còn theo thần thoại Hy Lạp thì đó là thần Eros, con trai của thần Aphrodite. Cậu bé tinh nghịch này luôn tìm cách làm cho người ta yêu nhau bằng cách bắn những mũi tên thần của mình vào các đôi trai gái. Mỗi lần mũi tên bay ra, ngoài đôi trai gái bị trúng tên thì cả Cupid cũng yêu say đắm. Cũng theo truyền thuyết, Cupid yêu một thiếu nữ tên Psyche, nhưng thần Venus, vì ghen với sắc đẹp của Psyche, đã cấm không cho con dâu mình được phép nhìn Cupid. Cô gái trẻ không kìm được lòng mình nên đã liếc trộm chồng. Để phạt con dâu, Venus bắt cô phải làm 3 công việc khó khăn mà việc cuối cùng đã khiến cô phải chết. Cupid cứu sống Psyche. Chúa động lòng bởi tình yêu của họ và ban cho Psyche sự bất tử. Cupid tượng trưng cho trái tim và Psyche tượng trưng cho (sự đấu tranh của) linh hồn.

Thiệp, hoa và quà thì có thể dành tặng bất cứ người thân nào nhưng sô-cô-la thì nhớ là chớ có tặng ai khác ngoài người yêu mình. Ít người biết rằng những miếng sô-cô-la dùng để tặng người thân yêu trong ngày Valentine được bắt đầu sản xuất từ năm 1902. Một trong những câu nói phổ biến được dập nổi trên những miếng sô-cô-la đó là “Be Mine” (Hãy là của anh/em). Đến năm 1999, thì có thêm câu “Love Me Tender” (Yêu anh/em dịu dàng), vốn là tên một bài hát nổi tiếng của vua nhạc rock Elvis Presley.

Xin được nhắc lại là chúng ta chỉ nên tặng sôcô-a cho người mình yêu mà thôi. Chớ có dại mà léng phéng xa gần. Thà “bỏ sót” còn hơn “bắt nhầm”. Nếu chưa chắc về chuyện quan hệ yêu đương thế nào thì cứ việc tặng bưu thiếp hay quà gì đó khác cũng được, cho “người ta” đỡ hiểu nhầm. /.


From the same category