Vai trò của Vitamin C đối với cơ thể

Bác sĩ Trần Thị Minh Hanh, phó giám đốc trung tâm dinh dưỡng TP.HCM cho biết vitamin C đóng vai trò rất quan trọng để duy trì sức khỏe và phòng chống bệnh tật. Vitamin C bảo vệ cơ thể bằng rất nhiều cách, chủ yếu qua các chức năng như: chống oxy hóa, tổng hợp collagen, hệ tim mạch, hệ miễn dịch,…

 

Vai trò của Vitamin C

Chống oxy hóa

Vitamin C là một trong nhiều chất tham gia hệ thống phòng thủ chống oxy hóa của cơ thể. Các chất chống oxy hóa (vitamin E, beta-caroten, Vitamin C) có thể chuyển các tác nhân gây oxy hóa thành những chất vô hại và thải ra nước tiểu. Vitamin C kết hợp với nhiều dạng gốc tự do và “quét dọn” chúng ra khỏi cơ thể, giúp phục hồi Vitamin E trở lại dạng có khả năng chống oxy hóa

Tạo collagnen

Collagen là thành phần protein chính của mô liên kết, xương, răng, sụn, da và mô sẹo. Collagen chiếm đến ¼ protein trong cơ thể. Vitamin C cần cho quá trình tạo collagen từ trocollagen. Nếu thiếu Vitamin C sẽ giảm khả năng tổng hợp collagen. Lúc đó, sẹo sẽ khó lành, vỡ mao mạch, khiếm khuyết trong quá trình hình thành xương và răng.

 

Phòng chống bệnh tim mạch

Vitamin C còn giúp thành mạch máu vững chắc, đặc biệt quan trong đối với mạch máu nuôi tim. Giúp chuyển cholesterol thành acid mật, bằng cách giảm tình trạng cholesterol trong máu. Chúng có thể làm giảm mức LDL-C (cholesterol có hại) và làm tăng HDL-C (loại có lợi). Loại vitamin này còn giúp hạn chế tăng huyết áp, chống tạo cục máu đông để giảm thuyên tắc mạch.

Tăng cường hệ miễn dịch

Hỗ trợ sản xuất interferon – là loại protein do tế bào cơ thể tạo ra để chống lại tác nhân gây bệnh, là thành phần đạm quan trọng của hệ miễn dịch. Cần thiết cho các tế bào miễn dịch – đó là tế bào T và bạch cầu. Từ đó làm mạnh chức năng của hệ miễn dịch, làm tăng phản ứng dị ứng.

Tổng hợp chất dẫn truyền thần kinh

Vitamin C có hàm lượng cao trong mô não và tuyến thượng thận. Tham gia tạo các chất dẫn truyền thần kinh như: Norepinephrine, Serotnin, acid amin Tyrosine.

 

Thải độc

Cần thiết cho hệ thống chuyển hóa thải độc của nhiều loại thuốc trong cơ thể, là giảm độc tính của thuốc và chuyển các phần từ độc thành dạng có thể đào thải qua nước tiểu. Thải độc nhiều hóa chất gây ung thư. Có khả năng kết hợp với các kim loại nặng và làm chúng trở nên vô hại.

Phối hợp tốt trong sử dụng sắt, canxi và acid folic.

Vitamin C giúp hấp thu tốt chất sắt nguồn gốc thực vật. Hỗ trợ chuyển sắt từ huyết thanh vào ferritin để dự trữ ở gan và phóng thích sắt từ ferritin vào huyết thanh khi có nhu cầu. Giúp hấp thu tốt canxi bằng cách ngăn caxi chuyển thành dạng khó hòa tan. Chuyển acid folic từ dạng không hoạt động thành dạng hoạt động và giữ ổn định ở dạng hoạt động, ngăn ngừa mất qua nước tiểu.

Biểu hiện khi thiếu Vitamin C

Chảy máu nướu khi đánh răng, chấm xuất huyết trên da, dễ bị vết bầm trên da, dễ bị bệnh nhiễm trùng, đặc biệt là cúm và viêm hô hấp. Xương yếu có thể cong vẹo, dễ trật khớp, đau khớp. Người yếu ớt, thiếu năng lượng để hoạt động, tiêu hóa kém, lâu lành vết thương, vết mổ, răng xiêu vẹo, dễ gãy, rụng, phù.

Cơ chế hấp thu và chuyển hóa

Khi ăn với lượng nhỏ khoảng 100mg Vitamin C thì hấp thu đến 80-90%. Tuy nhiên, nếu tiêu thụ ở mức 1.5g Vitamin C thì cơ thể chỉ hấp thu được 49%. Dùng liều lượng lớn Vitamin C (uống liều cao) thì nó sẽ không được hấp thu hết và tồn tại trong ruột gây tiêu chảy. Hàm lượng Vitamin C trong máu tùy thuộc chế độ ăn, 1,2-1,5mg/100ml (nếu ăn tối thiểu 100mg Vitamin C/ngày) và 0,1-0,2mg/100ml (nếu ăn dưới 10mg Vitamin C/ngày).

 

Nếu 100mg (hoặc hơn) Vitamin C được hấp thu thì Vitamin C trong máu tăng rất cao, lượng thừa sẽ được tế bào các mô nhận về hoặc thải qua nước tiểu. Trong cơ thể, hàm lượng Vitamin C cao nhất ở mô tuyến yên, tuyến thượng thận (cao gấp 50 lần trong máu). Các mô khác như mắt, não, thận, phổi, gan thì Vitamin C cũng cao gấp từ 5-30 lần trong máu. Mô cơ không chứa nhiều Vitamin C nhưng lượng cơ lớn sẽ chứa lượng Vitamin C đáng kể (khoảng 600mg Vitamin C trong cơ thể người nặng 70kg).

Tổng dự trữ Vitamin C trong cơ thể từ 1,2-2g (200mg/kg) với lượng ăn vào 100mg/ngày, đủ bảo vệ cơ thể chống lại bệnh Scorbut trong 90 ngày. Ngoài ra, Vitamin C chuyển hóa thành acid oxalic sẽ gây ra sỏi oxalat. Do đó, người bị sạn thận, suy thật không nên dùng nhiều Vitamin C.

Đối tượng có nguy cơ thiếu Vitamin C

Là người hút thuốc lá, trẻ dùng sữa qua đun nấu, người có chế độ ăn không đa dạng, ít rau và trái cây, kém hấp thu.

Liều lượng Vitamin C theo độ tuổi (Chưa tính hao hụt do bảo quản và chế biến không đúng cách): Dưới 6 tháng tuổi – 25mg/ngày; 6 tháng đến 6 tuổi – 30mg/ngày; 7-9 tuổi – 35mg/ngày; 10-18 tuổi: 65mg/ ngày; 19 tuổi trở lên: 70mg/ ngày; phụ nữ có thai: 80mg/ ngày; bà mẹ cho con bú: 95mg/ ngày.

Liều lượng vitamin C tối đa (tính theo: mg/ ngày): 1- 3 tuổi: 400mg/ ngày; 4 – 8 tuổi: 650mg; 9 – 13 tuổi: 1.200mg; 14 – 18 tuổi: 1.800mg; từ 19 tuổi trở lên: không quá 2.000mg/ ngày.

Nguồn vitamin C có nhiều trong các loại trái cây như cam, quýt, ổi xanh, dâu tây, cà chua, khoai lang, khoai tây, bông cải xanh, ớt xanh…

Hàm lượng vitamin C trong trái cây thường dùng: ớt đỏ ngọt (sống): ½ ly sẽ có 95mg, nước cam ép: ¾ ly sẽ có 93mg, dâu tươi: 6 trái có 90mg; đu đủ xắt miếng: 1 ly có 87mg, 1 trái cam vừa có 70mg; nước ép nho: ¾ ly có 70mg, 1 trái kiwi vừa có 64mg, 1 trái ổi vừa có 50mg…

Các yếu tố ảnh hưởng đến vitamin C trong thực phẩm

– Bộ phận và loại thực vật: lá còn nhiều vitamin hơn thân, nhưng lại dễ bị phân hủy khi chế biến.

– Giai đoạn trưởng thành của cây: trái chín cây nhiều vitamin C hơn.

– Bảo quản: lạnh và ấm sẽ hạn chế mất vitamin C.

– Mùa trong năm, trái cây theo mùa giàu vitamin C hơn là trái nghịch mùa.

– Phương pháp chế biến: nấu ở nhiệt độ cao sẽ mất vitamin C.

Theo Gia đình & trẻ em

From the same category