Vải chiết tách từ sợi dứa PINALINA™: Từ phế phẩm nông nghiệp đến chất liệu tương lai

Lần đầu tiên, dòng vải tự nhiên cao cấp được chiết tách từ lá dứa được ra mắt, đánh dấu bước tiến quan trọng trong chiến lược nghiên cứu, phát triển và ứng dụng nguyên liệu Việt.

Hoa hậu Lê Nguyễn Bảo Ngọc, Miss Earth Vietnam 2022 Thạch Thu Thảo, MC Hoàng Oanh góp mặt tại sự kiện.

Được biết tại Việt Nam, mỗi năm hàng ngàn tấn lá dứa bị bỏ đi sau khi thu hoạch, và công tác đốt bỏ gây ảnh hưởng đáng kể đến môi trường. Dòng vải tự nhiên chiết tách từ xơ lá dứa PINALINA™ được ra đời dựa trên tiềm năng chế tác thành sợi của loại phế phẩm công nghiệp này. Đây là thành quả của mô hình Open Innovation, chiến lược đổi mới sáng tạo mở lần đầu tiên được áp dụng trong ngành dệt may bền vững tại Việt Nam. Thay vì phát triển đơn lẻ, Faslink lựa chọn hợp tác cùng các đối tác chuyên môn để tối ưu hóa từng công đoạn trong chuỗi sản xuất: ECOSOI – Đơn vị tiên phong nghiên cứu và phát triển sợi lá dứa thành xơ sợi thông qua quy trình xử lý cơ học, không sử dụng hóa chất, góp phần giảm phát thải và tạo sinh kế cho cộng đồng nông thôn; Trung Quy – Doanh nghiệp dệt may tiên phong ứng dụng công nghệ 4.0, phát triển mô hình sản xuất xanh với thế mạnh trong lĩnh vực dệt kim, sợi hữu cơ và sợi tái chế đạt chuẩn quốc tế như GRS, GOTS, Oeko-Tex, Trust Protocol.

Việc tận dụng 100% nguồn lá dứa phế phẩm, dòng vải này gây chú ý ở khả năng “tái sinh” một phần bị lãng quên trong nông nghiệp thành chất liệu thân thiện môi trường, có tính ứng dụng cao trong thời trang, may mặc và nội thất. Cùng với đó, loại vải không cần thêm diện tích canh tác, không tiêu tốn thêm nước hay phân bón, mà chỉ sử dụng hoàn toàn nguồn lá dứa bỏ đi, đúng theo tinh thần nông nghiệp tuần hoàn.

Báo cáo cho thấy PINALINA™ góp phần giảm thiểu đáng kể phát thải CO₂ thông qua việc thay thế hành vi đốt bỏ lá dứa sau thu hoạch.

Với quan điểm “Chất liệu của thời đại mới”, PINALINA™ góp phần thu hẹp khoảng cách giữa nông nghiệp và công nghiệp, đặt người nông dân trở thành một mắt xích mới trong chuỗi giá trị của ngành thời trang xanh. Mặt khác, trong bối cảnh ngành dệt may Việt Nam vẫn phụ thuộc lớn vào nguyên liệu nhập khẩu, với tỷ lệ nội địa hóa chỉ khoảng 25–30%, sáng kiến này thật sự là một lời giải đến từ nội lực. Đây là bước tiến quan trọng khẳng định vị thế của chất liệu Việt trong xu hướng phát triển bền vững của ngành công nghiệp thời trang toàn cầu.


From the same category