“Vạch mặt” bệnh lây qua đường tình dục

Hành động “yêu đương” là “cửa ngõ” cho khá nhiều loại bệnh lây. Thế nhưng rất nhiều người lại cứ như cho rằng mình là “kẻ ngoài cuộc”.

Ai là đối tượng?

Đàn ông và phụ nữ thuộc mọi lứa tuổi, chủng tộc, tôn giáo, địa vị xã hội và tình trạng kinh tế đều có thể bị nhiễm bệnh. Trung bình cứ 1 trong 4 người Mỹ ở độ tuổi 15 – 55 mắc ít nhất một trong các bệnh lây truyền qua đường tình dục.

Các bệnh lây này cũng phổ biến ở người trẻ với khoảng 2/3 các loại bệnh STD đã được phát hiện ở người dưới 25 tuổi. Quan hệ tình dục với nhiều bạn tình thì có nguy cơ cao mắc các bệnh này hơn.

Triệu chứng hay không triệu chứng?

Rất nhiều bệnh lây truyền qua đường tình dục không gây triệu chứng gì. Một số khác lại có rất nhiều triệu chứng. Khi phát bệnh, chúng thường gây ra các vết loét hay mụn nước trên hay xung quanh bộ phận sinh dục hoặc vùng miệng, gây đau, cảm giác bỏng rát khi đi tiểu, dịch tiết bất thường vùng âm đạo hoặc dương vật, ngứa ngáy, sưng hay đau trong hoặc xung quanh dương vật, âm đạo.

STD lây lan như thế nào?

Nhiều bệnh lây truyền qua đường tình dục lây qua tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết cơ thể như máu, dịch tiết âm đạo hay tinh dịch. Một số bệnh cũng lây qua tiếp xúc với da, niêm mạc, màng nhầy bị trầy xước (như vết loét trong miệng). Do đó, tiếp xúc dịch tiết, da trầy bằng việc quan hệ tình dục qua đường âm đạo, hậu môn hay qua “nụ hôn giới tính” đều có thể khiến bạn nhiễm (hoặc truyền bệnh cho người khác).

Quan hệ qua đường “cổng sau” (hậu môn) cũng rất nguy hiểm bởi thường gây chảy máu do đó tăng nguy cơ lây nhiễm các bệnh STD. Dùng chung kim tiêm khi xỏ khuyên, xăm mình… cũng có thể khiến bạn bị nhiễm bệnh. Rận mu và ghẻ có thể lây qua tiếp xúc gần với người bệnh hoặc dùng chung khăn tắm, quần áo.

Có thể phòng ngừa?

Cách tốt nhất để phòng tránh nhiễm STD (nhưng không khả thi) là không quan hệ tình dục! Một vài loại STD không thể chữa lành hoàn toàn (bạn vẫn mang mầm bệnh dù không có biểu hiện bệnh) do đó bạn luôn luôn nên thực hành tình dục an toàn.

 

Nếu bạn quyết định “gần gũi” ai đó, bạn nên:

– Sử dụng bao cao su. Nếu bạn dị ứng với bao cao su, hãy sử dụng loại bao cao su làm từ nhựa tổng hợp (polyurethene).

– Nếu sử dụng chất bôi trơn, hãy dùng loại gốc nước, chúng sẽ giúp tránh cho bao cao su bị thủng. Không bao giờ dùng các chất bôi trơn gốc dầu, mỡ như dầu ăn, vaseline vì chúng sẽ làm yếu những liên kết cao su và khiến bao cao su thủng, giảm chất lượng từ đó tăng nguy cơ nhiễm bệnh của bạn.

– Hạn chế tối đa số lượng bạn tình.

– Nên chủ động hỏi (một cách khéo léo) về những bệnh STD bạn tình của bạn có thể mắc hoặc biết cách nhận diện những biểu hiện bệnh.

– Không quan hệ tình dục với bất cứ ai có biểu hiện đang mắc bệnh (vết loét, rát, dịch tiết bất thường vùng “chiến sự”).

Cách khác để ngăn chặn lây nhiễm STD bao gồm:

– Chích vaccine ngừa viêm gan B và HPV.

– Không uống rượu, dùng thuốc kích thích vì chúng dễ khiến bạn mất kiểm soát và tìm tới sex.

– Không dùng chung kim tiêm, quan hệ với người đang mắc bệnh.


 

Phải làm gì nếu tôi ngĩ rằng mình đang mắc STD?

Bạn không thể tự chẩn bệnh cho mình. Vậy nên đến bệnh viện là cách duy nhất.

STD có thể điều trị không?

Hầu hết các loại bệnh lây truyền qua đường tình dục đều có thể chữa được. Càng sớm được điều trị, hiệu quả càng cao, bởi những dấu hiệu sẽ ngày càng trầm trọng hơn nếu bạn còn chần chừ. Nhiều khi bạn chỉ cần một liều đặc trị duy nhất, đôi khi bạn lại phải uống thuốc dài ngày.

Các xét nghiệm bệnh STD có luôn chính xác không?

Không có xét nghiệm nào đảm bảo kết quả chính xác 100%. Một vài loại bệnh STD không xuất hiện triệu chứng ngay và một số bệnh khác không có xét nghiệm đặc hiệu do đó có thể bị bỏ sót. Sau khi nhiễm virus, vi khuẩn, ký sinh trùng gây bệnh STD khoảng vài ngày, có khi đến vài năm bạn mới thấy biểu hiện bệnh. Nếu bạn nghi ngờ mình nhiễm bệnh, đã đi kiểm tra và kết quả âm tính thì vẫn nên làm xét nghiệm một lần nữa.

Nên làm gì khi nhiễm bệnh?

Thông báo cho bạn tình của mình để tránh phơi nhiễm cho họ. Cố gắng thuyết phục họ đi khám bệnh chung với bạn. Với một số bệnh lây truyền qua đường tình dục như nấm candida hay trùng roi (trichomonas) bạn và bạn tình cần được điều trị tại cùng một thời điểm để tránh việc lây nhiễm qua lại. Cần tuân thủ việc điều trị, tiếp tục dùng hết đơn thuốc bác sĩ cho ngay cả khi các dấu hiệu bệnh đã giảm. Không quan hệ tình dục cho đến khi đã sạch bệnh.

Nếu đã nhiễm bệnh STD, có thể bị mắc tiếp không?

Có thể. Bạn có thể nhiễm cùng một loại bệnh STD lần nữa hoặc mắc thêm bệnh mới. Thêm vào đó, một số bệnh như mụn rộp sinh dục (herpes sinh dục) không thể trị dứt điểm ngay cả khi bạn đã được điều trị.

Theo Sức khỏe


From the same category