Khác nhau về thành phần ngừa ho gà
Hiện nay, ngoài loại vắc-xin 5 trong 1 có tên Quinvaxem (nguồn gốc Hàn Quốc) nằm trong chương trình tiêm chủng mở rộng (được tiêm miễn phí cho trẻ dưới 1 tuổi tại các trạm y tế xã/phường/thị trấn) thì trên địa bàn thành phố Hà Nội cũng có một loại vắc-xin 5 trong 1 khác có nguồn gốc từ Pháp (có tên Pentaxim, ngừa bạch hầu, uốn ván, ho gà, Hib, bại liệt) và một loại vắc-xin 6 trong 1 (có tên Infranrix, ngừa bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, bại liệt, Hib) có nguồn gốc từ Bỉ.
Cả 2 loại này không nằm trong chương trình Tiêm chủng mở rộng (miễn phí) mà đều dùng trong tiêm chủng dịch vụ của Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội với mức giá 635.000 đồng/liều (với vắc-xin 5 trong 1) và 680.000 đồng/liều (với vắc-xin 6 trong 1).
Vắc-xin Pentaxim của Pháp và Infranrix của Bỉ
Trả lời về sự khác nhau giữa 2 loại vắc-xin tiêm dịch vụ với loại vắc-xin tiêm miễn phí (là vắc-xin Quinvaxem), TS Nguyễn Nhật Cảm, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết điểm khác nhau cơ bản nhất nằm ở thành phần ngừa ho gà.
“Vắc-xin 5 trong 1 Quinvaxem của Hàn Quốc có thành phần ho gà là vắc-xin toàn tế bào, còn vắc-xin của Pháp và Bỉ là vô bào, do đó, nó làm giảm tác dụng không mong muốn sau khi tiêm”, ông Cảm cho hay.
Ở vắc-xin Quinvaxem có chứa các vi khuẩn ho gà đã chết được tinh lọc và phản ứng thường do protein trong vi khuẩn đó gây ra (gồm sốt, sưng đỏ chỗ tiêm, có thể tự khỏi sau 1-2 ngày, nặng hơn là bị sốc phản vệ).
Còn các vắc-xin dịch vụ là vắc-xin vô bào nên không có thành phần xác vi khuẩn ho gà mà thay thế bằng thành phần kháng nguyên đặc thù, do đó sẽ tinh khiết hơn.
Về lo ngại liên quan đến thành phần ngừa ho gà như trên, ông Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Chủ nhiệm chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia cho biết, trước khi đưa Quinvaxem “5 trong 1” vào chương trình Tiêm chủng mở rộng, Bộ Y tế đã tham khảo ý kiến và được WHO nhận định rằng vắc-xin toàn tế bào này vẫn có hiệu quả trong phòng bệnh với tỉ lệ tai biến chấp nhận được.
Vắc-xin dịch vụ: Chưa ghi nhận tai biến Vắc-xin Quinvaxem được đưa vào chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia từ tháng 6-2010. Năm 2012, Hà Nội ghi nhận một trẻ bị sốc phản vệ sau tiêm vắc-xin này, nhờ cấp cứu kịp thời nên đã qua khỏi. Với trường hợp tử vong tại Yên Thường (Gia Lâm) vừa qua, sau khi tiêm vắc-xin Quinvaxem, cơ quan chuyên môn chưa đưa ra kết luận nguyên nhân tử vong có phải do chất lượng vắc-xin hoặc do lỗi khi thực hiện tiêm chủng hay không. Tuy không “cổ xúy” cho vắc-xin dịch vụ của Pháp và Bỉ nhưng có điểm đáng lưu ý là trên địa bàn Hà Nội, 2 loại vắc-xin dịch vụ của Pháp và Bỉ đã được sử dụng trong nhiều năm nay song chưa ghi nhận trường hợp nào có phản ứng bất thường nặng sau tiêm. Tại Hà Nội, tỷ lệ bình quân trẻ dưới 1 tuổi và phụ nữ có thai thuộc diện tiêm chủng mở rộng nhưng sử dụng vắc-xin dịch vụ (phải trả tiền) dao động từ 8-10%. Các quận nội thành có tỉ lệ sử dụng vắc-xin dịch vụ cao hơn hẳn các huyện ngoại thành. |
Nước sản xuất không dùng vắc-xin do mình làm ra!
Ngoài điểm khác nhau trên, vắc-xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng (Quinvaxem) còn có điểm khác biệt lớn về giá so với 2 loại vắc-xin tiêm dịch vụ còn lại.
Vắc-xin Quinvaxem của Hàn Quốc
“Thế hệ cũ hay mới, tất nhiên đều vẫn phải đảm bảo chất lượng do WHO cho phép. Tuy nhiên, thu nhập của người dân Hàn Quốc gấp thu nhập người dân Việt Nam 20 lần thì cũng khó đòi hỏi họ phải sử dụng cùng loại vắc-xin với chúng ta. Không thể so sánh chất lượng với vắc-xin của Pháp, Bỉ vì đó là những nơi đứng đầu về công nghệ dược phẩm nhưng vắc-xin của chương trình Tiêm chủng mở rộng cũng đạt chất lượng ở mức cơ bản”, chuyên gia này cho hay.
Theo Vietnamnet