Tình yêu chưa có màu nắng
“Và anh sẽ trở lại” là câu chuyện về ba mối tình diễn ra nơi núi rừng Tây Bắc. Điều đặc biệt, đây là những cuộc gặp gỡ và yêu đương của gái Việt – trai Tây. Những cô gái H’Mông đều “say nắng” trước các anh chàng mắt xanh đến từ châu Âu, một cách chủ động.
Poster phim “Và anh sẽ trở lại”
Từ biên kịch Trình Lưu Diệu Thuý đến đạo diễn Đinh Tuấn Vũ đã tỏ ra khá khéo léo trong việc dẫn dắt khán giả gợi mở bí mật tình yêu của Tráng Ly – Jason, Su – Nicky và Mai – Brian. Ba câu chuyện trong một bộ phim, được đan xen, móc nối với nhau, mang nhiều cung bậc cảm xúc, nhiều cách rung động và kết thúc có bi thương, có hạnh phúc…
Chuyện “trai Tây – gái bán” nơi vùng cao như thế có màu sắc đương đại, gần với đời sống thông tin và giao lưu văn hoá ngày hôm nay. Tông màu của phim vì thế đương nhiên rực rỡ và “nhộn nhịp” hơn những bộ phim cùng bối cảnh trước đó như “Chuyện của Pao” hay xưa cũ hơn là “Vợ chồng A Phủ”.
Nếu trong “Chuyện của Pao”, đạo diễn Ngô Quang Hải khai thác “tiếng đàn môi sau bờ rào đá” của gã trai si tình thì ở “Và anh sẽ trở lại” tiếng kèn harmonica, được vang lên cùng tâm trạng của chàng trai Tây Brian giữa thôn làng. Cùng với chất liệu kịch bản khá tốt thì âm nhạc trong “Và anh sẽ trở lại” khá đa dạng, trong đó có một số đoạn, việc khai thác âm nhạc có thể coi là đắt giá.
Có những điểm mới như thế, nhưng bộ phim của đạo diễn sinh năm 1989 vẫn bộc lộ sự non nớt và khá nhiều điều cũ kỹ.
Điều đầu tiên tác động ngay đến người xem đó là cảm giác không gian là Tây Bắc nhưng không khí lại của người Kinh. Gia đình của Mai trong phim, nhất là bà mẹ luôn trăn trở, bao quát đủ chuyện, rất khó để nói đó là gia đình người Mông. Cô con gái thông minh, giàu lòng trắc ẩn của Tráng Ly với chàng trai Tây đáng lẽ phải là đứa con lai, nhưng ngoại hình của bé không thể hiện điều đó.
MC Thuỳ Linh vai Tráng Ly
“Và anh sẽ trở lại” là câu chuyện về tình yêu vượt qua ranh giới chủng tộc, nhưng trước hết, đó là câu chuyện về tình yêu của các cô gái H’Mông. Trong phim, người chị Tráng Ly là người dám theo đuổi tình yêu của mình, nhưng vẫn giấu diếm gia đình, cộng đồng, đến khi vuột mất người mình yêu thì vật vã, đau đớn. Và vì quá yêu, cô sẵn sàng theo người mình yêu đến xứ khác.
Trong khi đó, cô em gái tên Mai, là nhân vật chính, lại nuôi lòng thù hận những người đàn ông ngoại quốc, cô cho rằng họ chỉ lợi dụng tình yêu và bỏ rơi chị gái mình. Tình yêu nơi non cao, đồi núi bạt ngàn trong con mắt đạo diễn dường như đã được đặt trong một khung tranh quen thuộc.
Trong khi đó, tâm lý, tình cảm và tinh thần sống của người H’Mông lại khác. Với người dân nơi đây, tình yêu là tự do chứ tình yêu không phải là ràng buộc. Người ta dám yêu để được yêu và sống theo cảm xúc con tim mình chứ không phải để quy kết trách nhiệm, phân định lỗi lầm hay hận thù, hối tiếc.
Cô gái mê tiếng sáo, tiếng khèn trong đêm tình mùa xuân, hay điệu nhảy, cú ném còn… của chàng trai trong ngày lễ hội, thế là họ đã có thể yêu nhau, ưng thuận lời cầu hôn và đưa về xin phép ba mẹ, dòng họ được sống cùng.
Diễn viên Nicolas Nguyễn (vai Brian) và Khánh Linh (vai Mai)
Điều này giống như nhà văn Tô Hoài đã miêu tả trong Vợ chồng A Phủ về tâm trạng của Mỵ khi bị giam hãm ở nơi nhìn ra bên ngoài không biết là sương hay là nắng: “Ngoài đầu núi, đã có tiếng ai thổi sáo rủ bạn đi chơi. Mỵ nghe tiếng sáo vọng lại, thiết tha bồi hồi: ‘Mày có con trai con gái, mày đi nương. Ta không có con trai con gái ta đi tìm người yêu'”.
“Và anh sẽ trở lại” không có những cô gái nghe theo tiếng sáo gọi bạn, uống rượu cho má ửng hồng, thắt váy đi chơi, thả tự do cho A Phủ và cũng là đoạt lấy tự do cho mình. Ở đó có những cô gái ngóng đợi người tình như “đá vọng phu” như Su, bỏ lại con như Tráng Ly và định kiến với khách du lịch là Tây ba lô như Mai… Tình yêu trong “Và anh sẽ trở lại” là thứ tình yêu bị cớm nắng.
Ở khía cạnh khai thác tâm lý tộc người thì “Chuyện của Pao”, bộ phim đoạt 4 giải Cánh Diều, được làm dựa trên truyện ngắn của Đỗ Bích Thuý, nhà văn sinh ra và lớn lên ở Hà Giang, đã làm rất tốt. Thế giới tâm hồn người Mông hiện lên tự nhiên, khoáng đạt qua câu chuyện của Pao với hai người mẹ và tình yêu đầu đời.
Giải thưởng cho phim du lịch
Nếu LHP Việt Nam lần thứ 18 bất chợt có một giải thưởng dành cho phim quảng bá du lịch thì sẽ không lạ khi dành cho “Và anh sẽ trở lại”, nhưng nếu bộ phim này giành tới hai giải thưởng tại LHP vừa diễn ra tại Tuần Châu – Hạ Long thì là hơi lạ về mặt đánh giá chuyên môn.
Sẽ không có ai gọi đây là một phim “thảm hoạ” nhưng đây chưa phải là một phim chắc tay, giỏi nghề. Một phim tốt hơn hẳn
“Và anh sẽ trở lại”, là
“Đường đua”, cũng của một đạo diễn 8x, là Nguyễn Khắc Huy, nếu đoạt giải của Ban giám khảo thì sẽ xứng đáng hơn.
Ngôn ngữ điện ảnh trong “Đường đua” khá rõ ràng, còn “Và anh sẽ trở lại”, nhân vật liên tục “thuyết minh”, kể lể như phim truyền hình và có đôi chỗ “kịch”. Đến cả thông điệp mà bộ phim muốn truyền tải cũng cần nhờ đến đạo diễn và diễn viên giải thích trong buổi chiếu ra mắt thì khán giả mới cảm nhận được. “Truyền hình hoá điện ảnh” vẫn là bệnh của nhiều phim Việt hiện nay.
Giải Diễn viên phụ xuất sắc trao cho Thuỳ Linh (vai Tráng Ly) cũng chưa thuyết phục. “Và anh sẽ trở lại” không có nhiều phân đoạn dành cho cô MC lần đầu đóng phim và cá tính nhân vật cũng chưa rõ nét. Để lại ấn tượng tốt trong phim phải là vai Mai với diễn xuất của Khánh Ly chứ không phải Thuỳ Linh. Sẽ là hợp lý hơn nếu giải thưởng này dành cho những vai được thể hiện tốt hơn hẳn của Tăng Bảo Quyên trong “Những người viết huyền thoại” hoặc Maya trong “Scandal – Bí mật thảm đỏ”.
Trong khi đó, LHP bỗng nhiên trao tới hai giải Nữ diễn viên chính, cho Vân Trang (phim “Scandal – Bí mật thảm đỏ) và Tăng Bảo Quyên với vai phụ đúng hơn là vai chính. Sao không thông lệ mà theo, chỉ có một giải chính và không có suất vai phụ cho “Và anh sẽ trở lại”?
Cảnh chợ bản trong phim
May mắn tiếp tục đến với đoàn làm phim về miền núi phía Bắc khi phim ra rạp là ngay sau khi “ăn” giải, lại được hệ thống rạp Megastar phát hành. Trong khi đó, một phim khác đáng để chờ đợi hơn với khán giả là “Những người viết huyền thoại” vẫn chưa biết ngày nào ra rạp.
Đạo diễn 24 tuổi có phim đầu tay được phát hành rộng rãi là sự kiện chưa có tiền lệ ở Việt Nam. Và có thể, vì chữ “trẻ” của cả ê kíp và đạo diễn mà nhiều khán giả sẽ ra rạp để xem phim chứ không phải để tò mò xem “con trai Cục trưởng Cục Điện ảnh” làm phim thế nào.
Với riêng người viết, có hai điều còn đọng lại sau khi rời rạp chiếu. Một phim như “Và anh sẽ trở lại” làm sao có thể trụ rạp được vài tuần khi bên cạnh là hai phim Việt khác –
“Tiền chùa” và
“Âm mưu giày gót nhọn”?
Điều thứ hai là một câu nói trong phim của Mai: “Các anh nói yêu chúng tôi, nhưng rồi các anh không bao giờ quay lại hay nhớ lại”. Lời của nhân vật ở nơi phong cảnh tuyệt đẹp, con người hồn hậu ngỡ không chỉ nói về con người mà còn về những vùng đất. Trong đời mình, chúng ta bước đến, thưởng ngoạn, chìm đắm, dễ dàng vuột ra lời yêu nơi này; nhưng rồi ta có dễ quên rung động cũ khi bước qua các vùng đất khác, có thể đẹp hơn và giỏi níu chân người…
Bài: Danh Anh
Ảnh: MSD
>>> Có thể bạn quan tâm: Xem “Escape Plan” (Tù già vượt ngục) để thấy mọi hệ thống nhà tù tối tân nhất cũng như sự sắt đá, tàn khốc của người trẻ cũng bị khuất phục trước tinh thần, trí tuệ người già:
Hãy gửi thông tin, bài viết và hình ảnh bạn có cho chuyên mục Giải trí của Đẹp Online tại đây. Bài viết được đăng tải sẽ nhận nhuận bút theo quy chế của Tòa soạn. Trân trọng!