Uyên Linh: Nói tôi kéo anh Dũng ra “ánh sáng”, tôi ngượng lắm!

Uyên Linh – Dũng Đà Lạt: “Chúng tôi từng là một phần giông bão của đời nhau”

Dũng Đà Lạt là một tay guitar thượng thặng ở Sài Gòn, còn Uyên Linh là một giọng ca mới nổi lên 5 năm trước và ngày càng chiếm lĩnh thị trường bằng lựa chọn riêng không vội vã của mình. Họ đến với nhau trong một “cơn bão” và nhận thấy rõ mình hơn trong “ánh chớp của số phận”. “Dư chấn” để lại là một sản phẩm chung mà hai người gọi là kỷ niệm, còn thị trường âm nhạc trong nước biết thêm một cặp đôi nhạc sĩ – ca sĩ mới.

Lần đầu tiên họ chia sẻ về mối duyên trong âm nhạc và đời sống một cách trực diện và thẳng thắn…

Đọc thêm

Nhạc sĩ Dũng Đà Lạt: “Nếu không gặp Linh, tôi suốt ngày cười tếu táo”


Người đâu mà cái miệng thì vui, tiếng đàn thì buồn

– Một đĩa nhạc được hiểu là viết từ tình yêu, mà sao lại có cái tên “Ước sao ta chưa gặp nhau” nhỉ?

– Biết nói sao nhỉ? (cười) Đĩa nhạc “Ước sao ta chưa gặp nhau” có 7 ca khúc đều do anh Dũng viết và theo anh ấy nói thì 5/7 bài là lấy cảm hứng từ tôi, 2 bài còn lại thì viết từ trước. Và tôi biết, để có những bài hát đó, người đàn ông này đã phải trải qua rất nhiều biến động trong nội tâm…

– Cái gì là bắt đầu để chị mở được cánh cửa khám phá nội tâm anh ấy?

– Là đồng nghiệp, thỉnh thoảng tôi đi xem các show diễn của những ca sĩ mình yêu mến như show của chú Tuấn Ngọc, cô Khánh Hà… Anh Dũng chơi nhạc trong ban nhạc ở những đêm diễn đó. Tiếng đàn của anh ấy lay động, tôi cảm thấy trong tâm hồn người đàn ông này có nhiều bí mật. Khi bắt được tần số ấy, mình cảm thấy hợp, yêu tiếng đàn này nên xuất hiện nhu cầu tự nhiên muốn được làm việc và hát trên tiếng đàn ấy.

“Tin đồn chưa hề hấn gì hết, mà càng ngày càng có xu hướng không hề hấn gì nổi với tôi. Giông bão của tôi không phải là lúc mọi chuyện rối beng trên mặt báo, mà chính là lúc tôi phải đối mặt với chuyện tình cảm cá nhân…”
Sau này trở thành bạn, tôi nhận ra một điều, tiếng đàn của anh Dũng rất buồn, nhưng bên ngoài, anh ấy lại là một người cực kỳ vui tính, đến mức khó tưởng tượng. Anh Dũng thông minh, tình cảm. Trong mấy năm quen biết, tôi chưa bao giờ thấy anh ấy to tiếng hoặc cằn nhằn với ai. Một người đàn ông cao lớn, bặm trợn nhưng lại nhỏ nhẹ vô cùng, đúng chất người Đà Lạt.

– Trước khi trở thành nhà sản xuất âm nhạc có tiếng như hiện nay, nhạc sĩ Quốc Trung từng được nhắc đến với vai trò là người đứng sau Thanh Lam. Từng làm việc với anh ấy, chị có hình dung ra con đường đó?

– Đây là câu hỏi quá sức trả lời của tôi. Thực ra tôi không quan sát anh Trung nhiều như thế, dù từ khi học cấp 3 tôi đã dành tiền mua CD “Đường xa vạn dặm” của anh. Sau này có thời gian làm việc dày đặc cùng anh Trung, tôi luôn coi anh ấy như một người anh, hướng dẫn, dạy dỗ tôi rất nhiều. Phải nói, anh Quốc Trung là người vô cùng, vô cùng tử tế và dịu dàng. Giờ đi làm, mỗi khi gặp việc gì khó xử, tôi luôn nghĩ, anh Trung sẽ làm gì trong trường hợp này, làm thế này anh ấy sẽ mắng mình ra sao…

Còn chuyện anh Trung làm cho chị Lam điều gì thì đó là bình thường giữa hai người yêu nhau, chưa kể họ còn từng là vợ chồng. Tôi nghĩ trong một mối quan hệ như thế, không cần ai bảo ai, mỗi người sẽ tự dâng hiến hết chất xám, tình cảm cho người bạn của mình.


– Họ là vợ chồng, hiến dâng tự nguyện, phải! Nhưng hình như chị cũng đang nhận được rất nhiều sự dâng hiến tự nguyện từ người cộng sự đặc biệt của mình?

– Tôi và anh Dũng khác chị Mỹ Linh với anh Anh Quân, anh Quốc Trung với chị Thanh Lam vì chúng tôi không phải vợ chồng. Chúng tôi là những người bạn và cũng chỉ mới đi cùng con đường âm nhạc này 3 năm nay thôi. Tương lai gần sẽ là đi tiếp, nhưng xa hơn không thể nói trước được gì. Mối quan hệ của hai chúng tôi, có thể có lúc là tình yêu nhưng đến thời điểm tôi ngồi với chị, nó đã trở thành mối quan hệ trên cả tình yêu, thứ tình cảm mà chúng tôi phải rất nỗ lực để gìn giữ. Tình yêu còn có thể dằn vặt nhau được nhưng một khi đã là bạn thì phải tôn kính nhau, khó dằn vặt lắm (cười).

– Khó dằn vặt lắm? Thế mà hôm kia anh Dũng bảo tôi: “Linh mới quát anh vì lỡ chuyện chụp hình”. Nghe ra, chị có nhiều quyền năng với anh ấy nhỉ?

– Anh Dũng nói thế thật sao? Cũng có thể với anh Dũng đó là lớn tiếng, là mắng nhưng với tôi đó đơn giản là một cuộc nói chuyện thôi, vậy đó (cười). Nhưng tôi không bào chữa nhé! Tôi là người hơi gây hấn và căng thẳng so với tính cách của anh Dũng. Anh Dũng cái gì cũng nhẹ nhàng và có thể từ từ giải quyết, còn cá tính của tôi thì cái gì cũng phải ngay và luôn tại chỗ. Dù sao, mỗi người mỗi tính chứ ai cũng giống ai thì còn gì vui và đâu có gì khác biệt.

– Dũng Đà Lạt được ca ngợi như một nhạc công chơi guitar rất “đỉnh” ở Sài Gòn. Còn với chị, ngoài tiếng đàn, anh ấy còn có gì?

– Anh Dũng nổi tiếng với đàn guitar, điều này đã nhiều người biết. Tôi thì còn thích anh ấy ở mảng hòa âm – phối khí và tài sắp xếp công việc trong quá trình sản xuất một sản phẩm. Khi làm việc cùng ban nhạc, cách phối hợp làm việc của anh ấy luôn hiệu quả. Anh Dũng còn có khả năng thấu hiểu ca sĩ rất tốt, anh luôn đo đếm và tính được từng quãng giọng của người hát để cùng với ban nhạc phối hợp cùng nhau nâng đỡ cho tiếng hát đó.

Tôi ưng ý hầu hết những ca khúc anh Dũng hòa âm. Trông sến sến, hiền lành thế thôi chứ anh ấy hòa âm các ca khúc nhạc rock rất điên cuồng đấy. Và những bài tình cảm, ảnh cũng hòa âm cực kỳ xúc động. Mảng ca khúc tuy anh ấy viết chưa nhiều, nhưng tôi nghĩ, những bài hát trong album chung của chúng tôi đã đủ đánh dấu một quãng đời khá nhiều sóng gió của anh Dũng.


Nói tôi kéo anh ấy ra “ánh sáng”, tôi ngượng lắm!

– Sức ảnh hưởng của giọng ca Mỹ Linh đối với ban nhạc Anh Em, Hà Trần đối với Thanh Phương, hay Thanh Lam với Quốc Trung hẳn Uyên Linh nhìn thấy rõ. Chị đánh giá thế nào về vai trò của danh ca đối với nhà sản xuất hay ban nhạc?

– Tôi nghĩ là có sự cộng hưởng từ hai phía. Ở Việt Nam, khán giả đơn giản nhìn vào ca sĩ – người thể hiện tinh hoa của cả ê kíp. Nhưng với những người làm nghề như chúng tôi, mỗi sự đóng góp của các thành viên trong ê kíp là quan trọng như nhau. Tất nhiên, ca sĩ phải vô cùng bản lĩnh mới có được sự sẵn sàng hậu thuẫn của những ban nhạc giỏi, điển hình là những cái tên chị vừa nêu ở trên. Ngược lại, nếu ca sĩ giỏi mà thiếu đi sự hậu thuẫn thì cũng khó làm nên được tên tuổi. Thực tế, có những ca sĩ chất giọng rất hay nhưng khi làm việc đường dài, họ không cân nổi một ban nhạc…

– Biết thế, nhưng những người đứng sau nhiều khi phải được một người ở “mặt tiền” kéo ra “ánh sáng” mới được biết đến. Chẳng hạn như khi Hoài Sa cộng tác với Thu Minh, Thanh Phương và Hà Trần…, rồi giờ đây là Dũng Đà Lạt – Uyên Linh…

– Đó là cách nhìn của mọi người, còn tôi đứng về góc nhìn của các anh nhạc sĩ, tôi tin không ai cần chuyện đó. Họ có vương quốc âm nhạc riêng. Tôi chỉ thấy mình may mắn khi chơi với nhiều người làm nhạc công, nhạc sĩ, cách nhìn của họ khác, chuyên sâu vào nghề chứ không phải chăm chăm nghĩ cách làm thế nào để phủ sóng rộng khắp.

Những nhạc sĩ đó, họ đâu cần ra “ánh sáng”. Mình tưởng từ ngày cô ca sĩ này nổi tiếng họ mới được biết đến, nhưng bản thân họ đâu cần chuyện đó. Có thì họ cảm ơn, còn không có, họ vẫn yên ổn sống trên ngai vàng riêng của họ. Mỗi người có một điểm mạnh riêng mà không ai thay thế được, nên dù công chúng ít người biết đến, họ đã đủ bận rộn trong nghề rồi. Khi hỏi ca sĩ đánh giá thế nào thì ca sĩ chỉ là người đứng giữa, không thể nói công chúng hời hợt hay nói các nhạc sĩ nhờ có ca sĩ mới nổi tiếng được.

– Vậy nếu nói: Uyên Linh là người góp phần kéo Dũng Đà Lạt ra “ánh sáng”, chị thấy sao?

– Tôi thấy… ngượng. Vì sản phẩm chung của chúng tôi, công anh Dũng nhiều hơn rất nhiều. Tôi chỉ mỗi việc hát. Tất nhiên ca sĩ đứng phía trước ban nhạc nên khán giả nhìn vào sẽ thấy ca sĩ trước tiên. Nhưng ngoài anh Dũng, còn nhiều người thầm lặng phía sau lắm.

Chơi với anh Dũng, tôi thấy mình được lời lắm. Anh chỉ cho tôi rất nhiều cái, và chủ yếu là tôi học ảnh chứ ảnh không có gì phải học tôi hết. Chưa kể, anh Dũng rất quảng giao, được nhiều người quý mến nên là bạn anh ấy, tôi cũng được quý lây. Tôi được nhận thêm rất nhiều sự giúp đỡ từ anh Đức Trí, anh Hồng Kiên cũng  là nhờ sự bắc cầu từ anh Dũng.

– Chứ không phải tiếng tăm của một giọng ca có tiếng mang lại cho chị những điều ấy à?

– Không phải đâu, chỉ có khán giả yêu bằng cách ấy, còn giới làm nhạc họ khác. Tất nhiên tôi cũng hy vọng các nhạc sĩ vì thấy tôi hát không đến nỗi tệ nên họ thích mình.

Sau khi rời anh Quốc Trung, tôi chuyển về Sài Gòn, nhờ sự kết nối của anh Dũng tôi mới gặp được anh Trí (nhạc sĩ Đức Trí – PV), anh Sa (nhạc sĩ Hoài Sa – PV). Giờ đây, cùng với anh Dũng, họ là những người tôi không thể thiếu được.

– Hầu hết diva ở Việt Nam đều gắn liền với tên tuổi một nhạc sĩ hay một nhạc công tài năng nào đó. Và Uyên Linh cũng đã tìm được cho mình một người là Dũng Đà Lạt. Liệu chị đã bắt đầu nuôi giấc mơ trở thành một diva?

– Diva là sự phong danh cao quý dành cho các nữ ca sĩ, nhưng với độ tuổi của mình, nếu chỉ gói gọn trong từ đó thì tôi thấy thực sự là hơi hẹp. Tôi không biết mình có khác mọi người không, nhưng tôi muốn mình sống một cách tự tại, hát tự tại chứ không phải lăng xăng chạy chỗ này chỗ kia, chương trình ti vi nào cũng xuất hiện, event nào cũng se sua này nọ. Tôi muốn đứng ngoài những thứ ấy. Tất nhiên tôi cũng đi kiếm tiền như mọi người nhưng không phải là “cào cấu” ở tất cả mọi nơi. Chắc có lẽ là người tuổi mèo nên tôi thích bình yên. Khi gặp một người tính tình hòa nhã, vui vẻ như anh Dũng, tôi càng thấy lựa chọn của mình phù hợp.

– Giông bão nơi anh ấy, liệu đã cất vào đâu để có được sự bình yên – như chị muốn?

– Tôi đã thay đổi cách hát những bài ca anh Dũng viết rất nhanh, thay đổi mỗi ngày. Hôm nay hát thế này nhưng có thể tuần sau, tháng sau lại thấy mình hát khác. Tôi cứ thay đổi như thế trong mấy năm, cho tới một ngày cảm thấy có thể dừng việc thay đổi cách hát được rồi, thì mới quyết định ra đĩa. Lúc ấy, tôi thấy mình hát những bài của anh Dũng đã nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Tôi không dám nói mình hiểu người bạn của mình, hay bản thân đủ trải nghiệm để có thể hát thanh thản. Nhưng có điều chắc chắn, tôi và anh Dũng đã từng có thời gian là một phần giông bão của mỗi người. Chúng tôi vì thế chia sẻ được với nhau.

“Mối quan hệ của hai chúng tôi, có thể có lúc là tình yêu nhưng đến thời điểm này, nó đã trở thành mối quan hệ trên cả tình yêu, thứ tình cảm mà chúng tôi phải rất nỗ lực để gìn giữ…”
Hát những bài của anh Dũng, tôi thấy mình trong đó, thấy bản thân được yêu thương trân trọng. Nhiều khi mình xúc động không phải vì tình cảm người ta dành cho mình mà vì những cái mình đã đi qua cùng nhau. Tôi xúc động còn vì, dù buồn hay vui, mình cũng đã dũng cảm bước ra khỏi nó.

– Bước ra khỏi nó – nghe cứ như thể chị sắp bước vào một cuộc chinh phục mới!

– Tôi chỉ là một con mèo nhà. Trông vậy thôi chứ tôi cũng rất an phận đấy, tôi mong muốn làm một con mèo nhà, muốn mình là một người phụ nữ giống bao người, có lúc buồn vui, nóng lạnh bất chợt nhưng vẫn chỉ là phụ nữ, sống bình yên, an phận. Nhưng nghề mình chọn có lẽ đặc biệt một chút nên đa số nghệ sĩ thường cô đơn. Và tôi không muốn sống với ai hết, tôi sợ phiền lắm.

– Còn bởi, chị ngại những tin đồn?

– Tin đồn chưa hề hấn gì hết mà càng ngày càng có xu hướng không hề hấn gì nổi với tôi. Giông bão của tôi không phải là lúc mọi chuyện rối beng trên mặt báo, mà chính là lúc tôi phải đối mặt với chuyện tình cảm cá nhân. Những chuyện xảy ra làm tôi thay đổi. Nhưng rồi tôi cho rằng ai cũng có những lúc tình cảm “động” như vậy và họ có quyền giữ riêng cho mình. Để bước qua nó, tôi nhận ra, không phải quá lâu nhưng cũng không mau được…

Uyên Linh

Chị biết anh Dũng thích ai/cái gì nhất không?
Anh Dũng thích tay guitar huyền thoại Steve Vai. Ảnh thích máy móc, thích đồ nghề làm nhạc.

Món đồ nào anh ấy muốn sở hữu tại thời điểm này?
Trời ơi, tôi chỉ biết ảnh thích ăn đậu hũ, thịt heo, ghét cà chua và đi xe máy 20km/h. Anh ấy không uống rượu vang, chỉ uống rượu mạnh.

Tật xấu nhất của anh ấy khi làm việc cùng nhau là gì?

Là… không có. Chỉ có tôi hay dằn dỗi mà thôi.

Điều chị thích nhất ở anh ấy?
Tôi có thể đòi bất cứ thứ gì mình muốn (cười). Anh Dũng là người luôn tránh cãi vã.

Dũng Đà Lạt

Linh bảo anh cao lớn, bặm trợn nhưng rất nhẹ nhàng. Anh “trả đũa” xem nào!
Linh khá nhỏ con nhưng quyết liệt, gai góc.

Điều khiến Linh “đổ” anh là tiếng đàn, còn anh?

Bắt đầu là giọng hát, rồi thêm gì nữa không biết, chịu!

Từ khi nào thì hai người muốn nói “ước sao ta gặp nhau… sớm hơn”?

Riêng điều đó tôi quên rồi (cười).

Anh có giấc mơ nào chung với Linh không?
Có, nhưng chắc là không được. Nó thuộc về vấn đề duy tâm! (cười)

   

Thực hiện: Thục Khôi  

Nhiếp ảnh: Phan Võ  

Stylist: Thiên Thanh
Trang điểm: Tùng Châu
Trang phục: Lý Quí Khánh – MAS

logo


From the same category