Cô gái này giống như một liều “doping” chúng ta cần vào ngày đầu năm mới, khi mỗi người phải tự đặt câu hỏi mình sẽ làm gì với cuộc đời mình ở hành trình sắp tới. Thay vì hối hận về những sai lầm chúng ta không cố tình mắc phải, sao không để bản thân có cơ hội ấn nút “redo”?
Chuyến đi Campuchia vừa rồi, chị đi tham dự một dự án nào hay đi tìm ý tưởng sáng tác?
Không, tôi chỉ đi để chúc mừng cột mốc một năm tôi quay về với cuộc sống độc thân theo một cách khác. Năm nay cũng là sinh nhật tuổi 35, mốc thời gian bắt đầu tuổi trung niên của tôi.
Theo một cách khác nghĩa là sao?
Trước đây khi bạn chưa lấy chồng, có con, bạn là cô gái độc thân quyến rũ, bạn chưa có nhiều trải nghiệm và háo hức trước hôn nhân, một khía cạnh mới mẻ của cuộc đời. Trải nghiệm đủ một cuộc hôn nhân rồi giống như bạn đã học được những gì bạn cần học. Lúc này, bạn vẫn là cô gái độc thân quyến rũ nhưng đã có phần trưởng thành hơn trước.
• Sinh năm 1984
• Biên kịch phim truyền hình
• Đồng tác giả hai quyển sách “Để con được ốm”, “Để con được chích”
Chị hưởng thụ sự độc thân này như thế nào?
Nói là hưởng thụ ngay thì không đúng. Mối quan hệ đủ dài lâu, đủ hạnh phúc trước đây khiến tôi cảm thấy kết nối đến nỗi khi được trả lại với cuộc đời độc thân, tôi từng hoang mang không biết sẽ làm gì để bước tiếp.
Sau vài tháng, tôi buộc mình phải bận rộn hơn với công việc, với những việc trước đây mình chưa từng nghĩ sẽ thử. Giống như tôi đang bấm nút “redo” cho cuộc đời mình.
Nút “redo” ấy đã đem đến những điều mới mẻ chị cần chứ?
Dĩ nhiên. Từ việc nhỏ như học lặn, hóa ra tôi không sợ nước như tôi vẫn nghĩ; đến việc học cách thỏa hiệp với chính mình, tôi thấy ai cũng có những mong cầu nhất định, chúng thúc đẩy ta luôn nỗ lực để thỏa mãn bản thân. Bước ra khỏi một mối quan hệ, tôi hiểu rằng có nhiều thứ không phải chỉ cần nỗ lực mà thành, nếu cố chạm tay đến những điều không thể ấy thì tôi chỉ đẩy mình vào tình thế tuyệt vọng. Việc đơn giản và đúng đắn nhất lúc này là thỏa hiệp và kết thúc nó.
Tôi cũng dành thời gian gặp gỡ những người trước đây mình nghĩ không hợp. Tôi nhận ra ngay cả những người nhạt nhẽo nhất cũng luôn có một câu chuyện để kể. Ai cũng có mong muốn thuần khiết là được lắng nghe, vấn đề là bạn có mang lại cho họ cảm giác đó hay không.
Những phát ngôn ở tuổi 17 từng khiến chị trở thành tâm điểm “ném đá” của dư luận cho đến tận bây giờ. Chị đối mặt với những con người công khai chỉ trích mình như thế nào?
Thực ra cũng không hẳn là đối mặt. Tôi hiểu rằng việc duy nhất mà tôi có thể làm tốt là sống tốt cuộc đời mình. Ai cũng có thể bị vấp ngã theo cách này hay cách khác. Sau mỗi lỗi lầm, quan trọng nhất là tôi thể hiện hành động xin lỗi ấy như thế nào, chứ không phải tôi sẽ nói câu xin lỗi ra sao. Và người đầu tiên tôi cần xin lỗi là bản thân vì tôi đã dùng mình để thực hiện những mong muốn tầm thường của tôi lúc ấy.
Tôi không quan tâm đến chuyện người khác nói gì về tôi. Xét đến cùng người ta chẳng sống hộ tôi, những lời đàm tiếu của họ không thể động chạm được đến tôi trừ khi tôi cho phép. Đừng quên, cùng với bản chất sân si, độc ác, thích dìm người khác xuống, đám đông luôn là những quái vật không đầu. Họ sẽ biến câu chuyện nguyên bản trở nên khủng khiếp, không quan tâm nó có chính xác hay không mà chỉ quan tâm nó có thỏa mãn nhu cầu được nói về người khác theo cách của họ hay không.
Tôi thường hay nghĩ khi đã sống một cuộc đời đủ hay ho, bạn sẽ không phải tạo vai diễn cho mình. Người ta rất khó đối diện với sự nhàm chán của bản thân, khó thừa nhận cuộc đời mình chẳng có giá trị gì cả. Vậy nên để đào thoát ra khỏi suy nghĩ đó, họ thường bi kịch hóa những thứ trong và xung quanh mình, biến chúng thành điều gì đó mới lạ, kịch tính.
Hiện tại, điều chị hài lòng nhất là gì?
Tôi hài lòng về tất cả mọi thứ, ngay cả việc quay lại cuộc đời độc thân và trở thành bạn tâm giao với chồng cũ của mình. Tôi hài lòng với sự kết thúc của mối quan hệ này, bởi tôi nhận ra những việc xảy ra trong đời đều là những việc cần xảy ra, dẫu chúng diễn ra không theo cách mà tôi mong muốn. Về chuyện nuôi dạy con cái, tôi hài lòng với cách tôi và chồng cũ chọn lớn lên cùng con.
Chị nghĩ sao về quan điểm để con theo đuổi hành trình unschooling thì bắt buộc gia đình phải khá giả?
Những gì thuộc về định kiến rất khó để thay đổi. Người ta không đủ tự do để suy nghĩ khác đi, dù hay đề cao câu khẩu hiệu “think outside the box”. Tôi không cần giải thích rằng tôi không giàu đâu mà tôi chỉ muốn con mình trưởng thành theo cách con muốn thôi. Suy nghĩ của tôi nằm ở một không gian riêng, khác với suy nghĩ của mọi người.
Chị có phải kiểu người thích “tạt nước lạnh” vào người khác?
Không, tôi chỉ đang nhìn thẳng vào mọi việc, cố gắng không bọc đường lên mọi vấn đề. Viên thuốc bọc đường vẫn là viên thuốc đắng, và những người cần rất nhiều sự ngọt ngào cho một vấn đề chỉ khiến bản thân tiếp cận sự đắng chậm hơn.
Sở trường của chị là gì?
Giỏi vận động. Còn nếu bạn muốn hỏi về sở đoản của tôi thì đó là tất cả những gì nằm ngoài sở trường.
Chị vẫn rất vui vì điều đó?
Tại sao không? Vui nhất là khi nhận ra rằng chính tôi và những người xung quanh đều có mặt yếu kém, và điểm mạnh của tôi có thể là điểm yếu của một ai đó, lúc ấy cuộc sống thật đáng yêu. Nếu điều gì bạn cũng giỏi, bạn nhìn thấy gì cũng tầm thường thì cuộc đời này hết vui. Cái gì bạn cũng dở thì cuộc đời này thú vị lắm bởi điều gì cũng mới mẻ và hay ho. Cho nên tốt nhất là đừng giỏi mọi thứ, hãy dở mọi thứ.
Chị tưởng tượng mình sẽ như thế nào vào 10 năm sau?
Hy vọng tôi vẫn có thể tận hưởng từng phút giây cuộc đời bằng tâm thế tĩnh tại nhất. Tôi không muốn mình trở nên nhàm chán, lú lẫn, già cả, đầy định kiến.
Điều chị luôn tự nhủ với bản thân mỗi khi mệt mỏi là gì?
Bất cứ lúc nào, mình cũng có thể đặt tất cả mọi việc xuống và nghỉ ngơi. Bất cứ lúc nào, mình cũng có thể đứng dậy và bước tiếp. Không có gì là quá mệt mỏi, chúng ta chỉ đang tự đặt gánh nặng trên vai mình thôi.
Cảm ơn những chia sẻ của chị!
Sản xuất: Hạnh Nguyên
Ảnh: Rab Lê
Trợ lý: Hữu Tài