Ưu khuyết - Tạp chí Đẹp

Ưu khuyết

Sống
Chỉ cách nhau mười mấy tiếng giờ bay thôi, bạn sẽ thấy mình đang từ những vùng đất bày tỏ sự trọng thị với nữ quyền bằng các chỉ số vô cùng định lượng về vật chất (thông qua các chế độ hỗ trợ từ nhà cửa, lương bổng, cho đến muôn vàn ưu đãi xã hội khác khi người phụ nữ có thai và làm mẹ) đột ngột rơi bõm vào một thành phố ở một quốc gia có tỉ lệ nạo phá thai ở tuổi vị thành niên cao nhất nhì thế giới.

“Ở tuổi 33 – phụ nữ như một quả anh đào thành Rome căng nắng chín tím mọng”. Đó là cách anh chàng người Ý có đôi mắt đẹp như giai “bị trục xuất” học cùng lớp đào tạo “Thủ lĩnh cho Tương lai” của tôi mô tả về những người đàn bà đã từng làm anh ta say đắm. Một số người trong bọn họ đã trở thành tình nhân, một số thành đối tác, một số là tình một đêm, chỉ có một là bạn, và không ai (tính theo thì hiện tại tiếp diễn) là vợ anh ta.

ưu khuyết, phụ nữ  

Xinh đẹp, tràn đầy sức sống, tự rút tiền ra trả những bữa ăn và tận hưởng cuộc sống một cách vồn vã tham lam như thể một con hồ ly vừa hóa kiếp người được hít thở không khí và cảm nhận thân nhiệt – những người đàn bà là mẹ độc thân như Lam ở Việt Nam làm tôi choáng váng. Ở Thụy Điển, nơi ánh sáng mặt trời chỉ lưu trú một thời gian cực kỳ ít ỏi trong năm, người ta phải xây dựng và thiết kế cả những căn phòng trị liệu ánh sáng để cải thiện cảm giác trầm cảm cho những người sắp làm mẹ. Còn những đứa trẻ, khi ra đời, cũng được đảm bảo cả về mặt tài chính lẫn các quyền lợi xã hội – hiển nhiên điều đó có thể giúp mẹ chúng yên tâm và tự tin hoàn thành chức phận đàn bà. Thế nhưng ở Hà Nội, những người mẹ độc thân tuổi 33 như Lam lại là những nữ chiến binh thực thụ! Với những cuộc giành giật để tìm kiếm các chân giá trị thực sự cả về thể chất lẫn tinh thần cũng đủ khiến những kẻ đang độc hành trên con đường tìm kiếm một nửa của mình như tôi ngần ngại…

Mẫu số chung của các đấng-cựu-chồng như chồng Lam có gương mặt của người-đàn-ông-họ-Tùy, khi mà mọi tổng kết cho những hoạt động trong thành phố đều rút về trò chơi “đi đâu cũng được” và món ăn đặc biệt có tên “tùy em”. Nó khiến Lam trở thành người phụ nữ toàn tài – mọi việc dù lớn dù nhỏ, từ kết hôn đến li dị, đều do cô quyết định. Tái độc thân ở tuổi 26, đến năm 33, Lam vũ trang quanh mình một lớp hàng rào dày đặc những bằng cấp, sổ đỏ, giấy tờ xe, sổ tiết kiệm, quyết định bổ nhiệm và giấy khai sinh của con trai. Ưu điểm trở thành nhược điểm khi cô cứ đi lại lông nhông trong xã hội với một vẻ quyến rũ chết người, với một sự tự do đủ để khiến bất cứ bà vợ nào không sôi máu thì cũng thắc thỏm. Điều duy nhất ngăn cản Lam thấy mình hoàn hảo chính là cái ước mơ được nấu một bữa ăn cho ra hồn và ngồi thưởng thức với một nửa cho ra hồn nào đó chẳng biết có tồn tại hay không và giờ này đang ở đâu đó trên Trái đất…

Hà Nội dẫu trầm mặc cũng tràn đầy sôi động, và mỗi bông hoa nở ra vốn dĩ đều có những bí mật riêng của nó. Thế giới mà Lam chỉ cho tôi thấy là một thế giới mà nếu ở vị trí của những người vợ sẽ có những cánh cửa vĩnh viễn đóng chặt. Những người đàn ông có vợ mặc nhiên cho mình cơ hội “là chính mình” khi đứng trước những người mẹ độc thân – mà theo định nghĩa của họ – là những người phụ nữ “biết điều”. Họ không ngần ngại chia sẻ tất tật những nhu cầu, mong muốn hay những câu chuyện thuộc về nửa tối (đương nhiên vẫn có nhưng hàng ngày giấu biến) của bản thân. Mặt tích cực là vạn vật trong mắt trở nên thực sự đa dạng, trong khi vũ trụ của những người phụ nữ sở hữu cho mình một người đàn ông bằng tờ giấy có đóng dấu (được gọi là đăng ký kết hôn) thường có diện tích dưới 100m2, hạnh phúc được khép kín bằng một vòng tròn nhà – cơ quan – chồng – con, những bữa ăn giống hệt nhau 3 bữa/tuần cũng nhàm chán y như tình dục theo lịch (các ông chồng vẫn lén lút chuồn vào toa-let đổ đi suất cơm vợ phần lại sau khi đã no kễnh ở các quán nhậu)… thì thế giới của Lam-Lam-và-Lam có cả phần mà những kẻ khác giới gọi bằng hai chữ “đồng bọn”, nơi mà cô biết rõ cấu trúc sinh học tự nhiên của não bộ đàn ông cho phép họ phân tách một cách thật sự tài tình những mảng miếng chẳng hề liên quan của cuộc sống, trong đó khái niệm “vợ” mặc nhiên được đồng hóa với những gam màu tối xám chằng chịt ràng buộc và nghĩa vụ, phần thiệt thòi luôn thuộc về phụ nữ với cách hành xử vị tha đầy cảm tính, chỉ bởi lẽ họ tự buộc mình vào một đức tin chẳng thể đong đếm định lượng là Tình yêu. Để rồi trong lúc phụ nữ bận rộn với con cái, nhà cửa, chăn màn quần áo, cơm nước, hiếu hỉ… thì ông chồng của họ vác vợt ra sân tennis chém gió với những câu chuyện núi cao biển rộng; săn tìm sự đồng cảm, giây phút tươi mới không nghĩa vụ cũng chẳng ràng buộc với cái thuyết “không tắm hai lần trên một dòng sông”… Điện thoại của họ dĩ nhiên chẳng bao giờ lưu tên “sông suối” lẫn “ao hồ”, nhưng sự ưu việt của trí tuệ tuổi chín luôn thể hiện ở chỗ chẳng bao giờ nhớ sai một số nào!

Nhược điểm là sau những bí mật lẽ ra chỉ có đàn ông với nhau mới hiểu, Lam lại tủm tỉm điền thêm những gạch đầu dòng dài dặc vào danh mục cá nhân “những điểm không được” và “những dấu hiệu cho biết đàn ông đang nói dối”… Thế giới mở rộng ra cho những người mẹ độc thân đa nhân cách, nhưng lại thu hẹp khả năng thích ứng và chấp nhận một cuộc sống lứa đôi mà muốn tồn tại buộc phải mắt nhắm mắt mở. Não bộ phụ nữ quá phức tạp khi chứa chấp cả thơ ca, văn học, kịch nghệ, phim ảnh, ẩm thực, du lịch… lẫn những phạm trù kinh tế tính toan ma trận… Đàn ông say mê những phụ nữ độc lập, bởi lẽ bản năng săn bắn lẫn chinh phục luôn réo lên trong họ nhu cầu đeo đuổi những gì không thể sở hữu! Mỗi buổi tối muộn trong những con phố cổ ngoằn ngoèo sương mùa đông Hà Nội, Lam đưa chân đẩy cánh cửa lật tự động của những quán bar, tìm một chiếc bàn trong góc khuất với một ly rượu mạnh trước mặt, mỉm cười và gật đầu trước những lời “mời một ly”.
Lam 33 tuổi. Và Lam có tất cả những gì mà nhiều người đàn ông mất cả đời phấn đấu cũng chưa chắc có được. Buổi sáng ra khỏi nhà, cô mặc váy đen, đi giày đỏ… Thời gian rảnh, cô đọc tài liệu khoa học về “làm thế nào để chữa vô sinh lần thứ hai” và tính toán đến việc thụ tinh nhân tạo để có một đứa con gái xinh xắn tóc vàng.

Tôi 28 tuổi. Và tôi vẫn đang chờ đợi nửa của mình. Trong thời gian chờ đợi, tôi bắt đầu nói chuyện “làm thế nào để có một đứa con gái xinh xắn tóc vàng” bằng việc thụ tinh nhân tạo – với những người đàn bà như Lam!

 

Bài: Khuynh Phố

 

Rau – tên gọi chung của các loại thực vật có thể ăn được, tên gọi mà các anh em tự cho mình là phong lưu đặt cho các chị em có thể “ăn” được. Dĩ nhiên tôi đang nói giảm nói tránh theo cách của dân viết cho nhiều người đọc, nhưng về cơ bản ngữ nghĩa của từ này không hay ho, môi trường áp dụng cũng không lành mạnh, chắc độc giả cũng thấy được. Nhân tiện, “ăn” rau được gọi là “chăn rau”, không phải ăn rau nhé. 

 

Thực hiện: depweb

14/11/2013, 16:26