Trong dự thảo này, Bộ Văn hóa – thể thao và du lịch tăng mức xử phạt cho hành vi uống rượu và bán rượu trong quán karaoke với mức tiền phạt tăng lên gấp đôi (từ 1,5 triệu đồng lên tối đa 3 triệu đồng đối với hành vi uống rượu, từ 3 triệu lên 5 triệu đồng đối với hành vi bán rượu). Tuy nhiên, một lần nữa dư luận lại bày tỏ băn khoăn về tính khả thi của những quy định này. Trả lời Tuổi Trẻ, ông Hoàng Minh Thái (vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Văn hóa – thể thao và du lịch) nói:
– Có những người nói với tôi là không khả thi này nọ, nhưng người dân có ủng hộ chủ trương của Chính phủ trong vấn đề chống lạm dụng rượu bia không? Chúng ta đã ủng hộ việc tham gia giao thông là không uống rượu. Từ uống rượu sẽ nảy sinh rất nhiều chuyện: đâm chém nhau, hiếp dâm… bao nhiêu là chuyện. Có gì đâu mà khó hiểu. Việc say rượu cũng khiến mất trật tự an ninh và nhiều chuyện mà dư luận và báo chí đã nêu.
* Thưa ông, việc bán rượu phải có giấy phép kinh doanh, còn chuyện uống rượu sẽ phải kiểm tra, xử phạt như thế nào?
– Thanh tra văn hóa sẽ có công cụ đo độ cồn như cảnh sát giao thông. Họ có một danh mục các công cụ hỗ trợ hoạt động thanh tra, kiểm tra. Tại sao mọi người lại đi lo hộ việc của người khác. Chúng tôi quy định như thế là để thanh tra họ xử lý được chứ. Tỉnh nào tình trạng uống rượu trong quán karaoke nhiều quá thì họ phải đi kiểm tra về uống rượu trước. Dĩ nhiên, lực lượng này không có nhiều, cũng chỉ 3-4 người thôi. Vì vậy, phải xem địa phương mình có gì độc hại nhất thì kiểm tra, xử lý cái đó trước. Rất nhiều báo chí hỏi việc xử phạt bán rượu và uống rượu trong quán karaoke có khả thi không, tôi thấy rất buồn cười.
Nhưng cũng phải nói luôn, xử phạt việc uống rượu là rất khó. Những người say rượu chẳng bao giờ nhận là mình say. Ði đường nhìn thấy công an còn cãi phăng thì nói gì đến ở quán karaoke. Nhưng chúng tôi phải viết quy định này để phục vụ mục tiêu lớn hơn rất nhiều là thực hiện chủ trương của Chính phủ: chống lạm dụng rượu bia trong
tất cả mọi lĩnh vực.
* Nhưng tại sao cấm rượu mà không cấm bia?
– Ðó là một câu chuyện dài. Trước đây, khi trình lên Chính phủ thì chúng tôi đề nghị là cấm cả bia. Ai cũng biết hai chén rượu bằng 20 cốc bia. Chính các thành viên Chính phủ là các bộ trưởng cũng không nhất trí với Bộ Văn hóa – thể thao và du lịch, họ nói: thi thoảng cũng phải cho phép uống bia chứ, cấm rượu rồi cấm nốt cả bia à? Do vậy, việc quy định cấm rượu mà không cấm bia có lý do, có lịch sử của nó. Mà có khi cấm cả hai thì báo chí vẫn nói là không khả thi vì hiện giờ sinh nhật trong quán karaoke mọi người cũng cứ vẫn uống bia đấy thôi.
Với quy định này, chúng tôi mong được sự ủng hộ của báo chí và dư luận. Còn tính khả thi cao hay không, không phải do chúng tôi mà phụ thuộc vào người uống rượu, vào ông chủ quán, vào thanh tra viên đi kiểm tra… Chứ ý của chúng tôi là thực hiện chủ trương chống lạm dụng rượu bia trong cả nước.
* Dự thảo nghị định cũng bỏ việc phạt tiền đối với người say rượu vào các quán karaoke, vũ trường, quán ăn, nơi công cộng…, nhưng vẫn quy định phạt hành vi “để người say rượu, bia vào vũ trường, nơi khiêu vũ công cộng, phòng karaoke”?
– Xử phạt say rượu là thuộc an ninh trật tự. Việc xử phạt như thế nào sẽ có quy định của ngành công an. Vì người ta say ở khắp nơi chứ có phải chỉ say trong ngành văn hóa của chúng tôi đâu.
* Lộ trình ban hành nghị định như thế nào?
– Tháng 3 phải trình cho Chính phủ. Từ nay đến đó, chúng tôi mong nhận được nhiều góp ý của người dân, báo chí cho dự thảo.
Thanh tra chưa ghi nhận trường hợp phạt tiền nào Quy định về việc cấm uống rượu trong quán karaoke đã được nhắc đến trong nghị định 75/2010 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, với mức xử phạt 1,5 triệu đồng. Tuy nhiên, theo thanh tra Bộ Văn hóa – thể thao và du lịch, thanh tra chưa từng ghi nhận trường hợp phạt tiền nào đối với hành vi này. Thanh tra văn hóa ở các địa phương cũng không báo cáo trường hợp xử phạt người uống rượu trong quán karaoke. “Thông thường các hành vi uống rượu, quậy phá sẽ do phía công an xử lý. Việc xử lý người uống rượu trong quán karaoke còn liên quan đến thông tư quy định độ cồn trong máu bao nhiêu mới bị xử phạt. Thực tế những quy định này thường có tính chất răn đe, phòng ngừa hơn là xử phạt trong thực tế” – ông Vũ Xuân Thành, chánh thanh tra Bộ Văn hóa – thể thao và du lịch, cho biết. |
Theo Tuổi trẻ