Ứng xử với đứa trẻ gây rối - Tạp chí Đẹp

Ứng xử với đứa trẻ gây rối

Sống

Trẻ đánh nhau

Nói với trẻ: “Con có 5 phút để tìm cách giải quyết sự việc, hãy viết ra giấy, báo cho ba/mẹ biết khi con tìm ra cách giải quyết. Bằng không, con phải chịu phạt ở trong phòng”.

Sau đó, tiếp tục giải thích với trẻ: cần phải suy nghĩ làm thế nào để chấm dứt sự bất đồng với người khác trong tương lai. Đánh nhau không phải là cách giải quyết vấn đề. Yêu cầu trẻ viết ra những giải pháp, và xem lại hàng ngày. Bạn nên khen ngợi tiến triển tốt của trẻ để chúng có động lực.


Xe đưa rước sắp đến nhưng con bạn vẫn chưa mặc quần áo chỉnh tề

Nói với trẻ: “Xe đưa đón sẽ đến trong vòng 5 phút, con có 4 phút để mặc quần áo, ba/mẹ muốn con làm điều đó kịp giờ. Nếu con vẫn chưa sẵn sàng, chúng ta phải đi bộ đến trường và con phải tự giải thích với thầy/cô hiệu trưởng về lý do con đi học trễ”.

Đồng thời, sau giờ học, hãy cùng con sắp xếp lại thời gian biểu  để đảm bảo mọi thứ sẽ đúng giờ vào buổi sáng.

Trẻ đánh cắp đồ dùng hoặc nói những lời thô tục với bạn học

Nói với trẻ: Đó không phải là hành động đúng.

Yêu cầu trẻ trả lại đồ vật cho bạn kèm theo lời xin lỗi hoặc yêu cầu trẻ xin lỗi bạn về sự lăng mạ. Giải thích cho trẻ hiểu đã hành động sai.

Trẻ không nghe theo sự chỉ dẫn của bạn

Trường hợp này, bạn hãy tổ chức họp mặt gia đình. Nói với trẻ: “Tất cả chúng ta là một gia đình, vì vậy mỗi thành viên đều phải có trách nhiệm với gia đình của mình. Chừng nào con còn sống chung với ba mẹ, con cần phải nghe lời ba mẹ, làm theo sự hướng dẫn của ba mẹ và tôn trọng các quy tắc chung trong gia đình. Điều này không có ngoại lệ. Khi nào con cảm thấy cách cư xử của ba mẹ là không công bằng con có thể nói ra những cảm xúc và ý kiến của mình. Ba mẹ sẽ lắng nghe và mong muốn con thể hiện điều đó bằng thái độ tôn trọng ba mẹ”.

Điều chủ chốt là bạn cần nói cho trẻ hiểu chúng cần phải tuân thủ theo những nguyên tắc và giá trị chung trong gia đình. Mọi thành viên trong gia đình đều giúp đỡ và thể hiện sự chia sẻ với nhau.  Trong gia đình, mỗi người đều có quyền lợi của mình nhưng đồng thời cũng cần góp phần vào việc duy trì nền tảng gia đình.

Trẻ nổi cơn thịnh nộ nơi công cộng

Đưa trẻ ra một nơi riêng tư, yên tĩnh, ôm trẻ vào vòng tay bạn, tìm cách làm dịu dần cơn kích động của trẻ (Có thể nói “Ba/mẹ muốn con bình tĩnh lại, thật bình tĩnh…”), sau đó, khi về nhà, hãy trò chuyện với con về nguyên nhân khiến con giận dữ cũng như nhắc con cần bình tĩnh giải quyết để không làm phiền những người xung quanh.

Về sau, để tránh việc trẻ có thể kích động, hãy nói chuyện trước với trẻ: “Con có nhớ những gì con đã làm ở nhà hàng lần trước không? Ba/mẹ không muốn điều đó diễn ra nữa“. Trước khi bước vào nhà hàng hãy nhắc trẻ: “Con hãy nghĩ đến hậu quả nếu con lại nổi cơn thịnh nộ nữa.”

Bạn cũng nên lên kế hoạch để hỗ trợ trẻ về cách tự kiểm soát cảm xúc bản thân. Khi bạn thấy trẻ có dấu hiệu nổi giận và mất bình tĩnh, hãy đưa trẻ ra khỏi bàn ăn, đi dạo và nói chuyện nhẹ nhàng. Nếu cơn thịnh nộ vẫn tiếp tục, hãy phạt trẻ bằng cách buộc trẻ phải về nhà thay vì ở lại bàn ăn…, trẻ sẽ hiểu hậu quả mình gây ra và lần sau không còn tái phạm nữa.

Minh Hiền

Biên dịch từ Young Parents

Bạn có mẹo hay trong việc chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần các con yêu? Hãy cùng chia sẻ với bạn đọc của Đẹp Online bằng cách gửi thông tin về địa chỉ email: giadinh@dep.com.vn.

Thực hiện: depweb

09/05/2013, 14:23