Ứng xử với đồng nghiệp “trái tính trái nết” - Tạp chí Đẹp

Ứng xử với đồng nghiệp “trái tính trái nết”

Sống

Nhận diện những đồng nghiệp trái tính trái nết

Có biết bao nhiêu kiểu khó chịu, bạn gặp nó ở một hay nhiều người, nhiều người cùng một kiểu khó chịu hay một người có nhiều kiểu khó chịu…? Dưới đây là một số mẫu được xem là “trái tính trái nết” nơi công sở:

– Người ngạo mạn, bảo thủ: Những người này thường tự cao tự đại và cho rằng mình hiểu biết tất cả, những vấn đề của họ là lớn hơn, quan trọng hơn và là đúng nhất. Họ luôn yêu cầu người khác làm theo ý mình, đòi hỏi khó khăn hay nhỏ nhặt nhưng lại không bao giờ nghe và làm theo những người khác dù đúng hay sai. Họ không chịu thay đổi ý kiến để tiếp thu ý kiến mới. Những người này thì thường không tốn nhiều sức tranh luận với người khác nhưng lại lẳng lặng làm theo ý của mình.

– Người thích phản đối, không chịu hợp tác: Họ là những người tranh luận đến cùng, thích sự đối lập và luôn tìm ra những vấn đề từ người khác, họ không muốn được giao việc, hoặc lờ đi và tránh né nhiệm vụ, không thân thiện, không hợp tác với đồng nghiệp khi làm việc theo đội, nhóm.

– Người ủy mị, hay than vãn: Những người này thường không có cái nhìn tích cực về công việc, họ không tự tin, hay than vãn và thường không quan tâm đến hiệu quả công việc của mình hay bất cứ thứ gì khác.

– Người hay nói xấu, thích đổ lỗ cho người khác: Đây là loại người mà ai họ cũng ghét trừ chính họ, họ thường không bao giờ chịu nhận lỗi về phía mình, lúc nào cũng đùn đẩy phần trách nhiệm cho người khác và luôn sẵn sàng nói xấu sau lưng bất cứ ai.

Những cách để có thể “chung sống” với họ

Với những kiểu khó tính điển hình nêu trên đây, bạn đã sẵn dàng sống chung và phù hợp hóa với nó hay chưa? Hãy thích nghi với môi trường công việc có nhiều đồng nghiệp khó chơi này bằng cách thử một hay tổ hợp các ứng xử sau đây:

– Bạn phải biết kìm nén cảm xúc, kiềm chế bản thân: Điều kiện đầu tiên và quyết định sự thích nghi của bạn với môi trường công việc. Đừng bao giờ vội vàng cự cãi nhau để rồi dẫn đến những trường hợp, tình huống khó kiểm soát. Bạn phải hết sức bình tĩnh, cố gắng cư xử bình thường, chờ đợi lúc phù hợp có thể góp ý nhẹ nhàng và chân thành với đồng nghiệp.

– Tránh tiếp xúc và không tranh cãi khi không cần thiết: Nếu không có gì liên quan đến công việc, bạn có thể cố gắng phớt lờ hay tránh càng xa càng tốt những phiền phức do đồng nghiệp tạo ra. Tuy nhiên, bạn cũng hãy tìm hiểu thấu đáo vấn đề, nếu có thể hãy cố gắng trò chuyện để hiểu nhau hơn và từ đó có thể sẽ dễ dàng hơn trong quan hệ công việc.

– Đừng tự biến mình trở thành một người khó tính như họ: Những bạn quá dễ thích nghi và dễ bị đồng hóa thường gặp phải vấn đề này. Khi bạn không thể hay chưa tìm cách cảm hóa được đồng nghiệp khó tính, bạn dần chấp nhận những điều từng không chấp nhận, từng làm bạn khó chịu và bạn như người ta, thậm chí bạn trở thành hội viên của những người “khó tính” một khi áp lực công việc đè nặng lên vai bạn. Hãy kiên định, nhẹ nhàng và uyển chuyển xử lý mọi tình huống theo cách hay nhất, hiệu quả nhất.

Hãy tìm cách ứng xử để hiểu nhau hơn

– Hoàn thiện bản thân: Những vấn đề liên quan đến công việc, trước khi thảo luận bạn nên có bước chuẩn bị chu đáo, kỹ càng và khi trình bày, thảo luận, bạn phải nói thật ngắn gọn nhưng đủ ý. Như thế sẽ tránh mất nhiều thời gian và không làm phát sinh các vấn đề khác không liên quan đến trọng tâm câu chuyện, công việc. Đồng nghĩa với việc họ không có lý do gì để “soi” mình.

– Đừng nghe tất cả những gì người ta nói, đừng nói hết những gì mình sẽ làm và đừng làm những gì mình chưa hiểu biết rõ: Đây là cách tiết kiệm thời gian và né tránh phiền phức tốt nhất cho bạn. Đồng nghiệp khó tính cách mấy cũng sẽ dần cảm nhận được sự chín chắn, hiệu quả qua từng công việc bạn làm và có thể họ sẽ dần trở thành người dễ tính, bớt khó chịu, họ sẽ thấy cần thiết có bạn trong đội, nhóm để vượt qua và hoàn thành tốt công việc.

Thay lời kết

Đồng nghiệp khó tính chưa hẳn là xấu tính, đôi khi đó còn là thử thách để bạn vượt qua và khẳng định mình. Bạn không nên từ bỏ nếu như không muốn nói là chạy trốn họ, vì ở đâu cũng vậy, trong môi trường làm việc nào cũng vậy, hãy sống chung và tìm cách ứng xử phù hợp nhất với họ để cảm thấy thoải mái hơn, dễ chịu hơn và từ đó gặt hái nhiều thành công hơn trong công việc.
Theo Young

Thực hiện: depweb

27/08/2012, 15:47