Ứng xử thế nào với amip

Trong khi sợ hãi thái quá với loại amip “ăn não người” rất hiếm gặp này, chúng ta lại đang mất cảnh giác với không ít tác nhân gây bệnh thường gặp nhưng không kém phần nguy hiểm khác. Amip “ăn não” cũng như  các loại vi rút, vi khuẩn gây bệnh khác đều có thể trở thành “sát thủ” nếu như chúng ta thiếu hiểu biết và không chú ý đề phòng. Nên “ứng xử” thế nào đối với amip “ăn não người” hiếm gặp và các tác nhân gây bệnh thường gặp khác? Hãy nghe các bác sĩ và chuyên gia truyền thông trao đổi về vấn đề này.

 

BS.CKII Khúc Thị Nhẹn Quyền

Trưởng khoa Thần kinh Bệnh viện E Trung ương

Bệnh do amip “ăn não người” rất hiếm gặp

Bệnh viêm não – màng não gây ra do amip Naegleria fowleri (hay còn gọi là amip “ăn não người”) là một bệnh có tỷ lệ tử vong rất cao, nhưng rất hiếm gặp. Trong vòng 49 năm (1962 – 2011), Hoa Kỳ chỉ ghi nhận 123 trường hợp nhiễm (trung bình từ 0 – 8 trường hợp/năm). Tại Việt Nam, gần đây mới phát hiện thấy 2 trường hợp tử vong do nhiễm amip này (một bệnh nhân 25 tuổi ở Phú Yên và một bé trai 6 tuổi ở Tp.HCM).

Amip Naegleria fowleri sống trong môi trường nước ngọt (nhất là những ao hồ nước nông, có cặn bẩn) tại các khu vực khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới (chúng phát triển tốt nhất trong môi trường nhiệt độ 46oC). Bởi vậy, người dân thành phố không nên quá lo lắng vì loại amip này hầu như không tồn tại được ở môi trường nước trong các bể bơi. Amip Naegleria fowleri có thể xâm nhập vào cơ thể người qua niêm mạc mũi và gây bệnh viêm não – màng não. Sau khi nhiễm amip này từ 3 đến 10 ngày, bệnh nhân xuất hiện triệu chứng sốt cao, nhức đầu, buồn nôn và nôn; sau đó, lên cơn co giật, ngủ gà hoặc vật vã rồi hôn mê. Ngoài gây tổn thương ở não, màng não, amip Naegleria còn gây tổn thương đến các cơ quan khác như da, tai, tim, phổi… Bệnh tiến triển nhanh và dẫn đến tử vong trong vòng 3 đến 6 ngày.

Để phòng chống amip Naegleria fowleri, bạn không nên tắm, bơi ở những nơi có nguy cơ cao. Hạn chế tối đa nước vào mũi bằng cách giữ cao đầu không để ngập nước. Sau khi tắm, bơi nên dùng dung dịch sát khuẩn đường mũi, họng để xịt, rửa mũi. Khi phát hiện đau đầu, sốt, buồn nôn, cần đi khám ngay để điều trị kịp thời.

 

BS.CKII Đặng Thị Xuân  
Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai

Các bệnh viêm não thường gặp

Nếu nói về các bệnh viêm não – màng não, thì các bệnh như viêm não Nhật Bản B, viêm màng não do não mô cầu, viêm não do virus Herpes… thường gặp hơn nhiều so với viêm não do amip Naegleria fowleri. Các bệnh này lại dễ lây lan, nguy cơ biến chứng cao nên chúng ta rất cần lưu ý phòng ngừa.

Viêm màng não do não mô cầu: là bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn não mô cầu gây nên. Bệnh thường gặp ở trẻ em, lây truyền do tiếp xúc với người mang mầm bệnh (vi khuẩn lây theo đường hô hấp). Bệnh khởi phát đột ngột với biểu hiện đau đầu dữ dội, sốt, buồn nôn, nôn, sợ ánh sáng và cổ cứng. Bệnh nhân thường có một số dấu hiệu khác như vật vã, mê sảng, hôn mê, co giật, nôn, nổi ban trên da. Bệnh gây tử vong cao: ở trẻ em tỉ lệ tử vong có thể tới 50% nếu điều trị muộn. Nhiều trường hợp không tử vong nhưng để lại biến chứng như tâm thần, điếc, liệt, động kinh… Có thể phòng bệnh bằng cách:

– Giữ vệ sinh cơ thể, răng miệng. Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước sạch. Đánh răng, xúc miệng bằng nước muối ấm hoặc các thuốc sát khuẩn như Listerine, TB. Đeo khẩu trang khi bị viêm đường hô hấp.

– Giữ ấm cho trẻ khi trời lạnh (đặc biệt vùng cổ, ngực, gan bàn tay, bàn chân).

– Tiêm phòng cho trẻ từ 2 tuổi trở lên. Một mũi vaccine có thể ngừa bệnh trong vòng ba năm, do đó cần tiêm nhắc lại.

– Khi bị viêm đường hô hấp trên và có các biểu hiện đau cổ gáy, đau đầu, nôn cần đi khám ngay để được điều trị kịp thời.

Viêm não Nhật Bản B: là bệnh nhiễm vi rút cấp tính, làm tổn thương hệ thống thần kinh trung ương. Ổ chứa vi rút chủ yếu là lợn và chim, muỗi là trung gian chính truyền bệnh. Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên phòng bệnh vẫn là biện pháp hàng đầu.

– Giữ nhà cửa, nơi làm việc, học tập luôn sạch sẽ, thông thoáng.

– Thực hiện các biện pháp diệt muỗi, nằm màn tránh muỗi, bôi thuốc chống muỗi…

– Tiêm phòng cho trẻ 12 đến 36 tháng tuổi.

TS.BS. Nguyễn Thị Kim Liên
Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông và GDSK Trung ương

Muỗi cũng có thể là… sát thủ

Các bệnh thường gặp như sốt xuất huyết, cúm A/H5N1, tay chân miệng… cũng có thể lấy đi mạng sống của con người như chơi nếu như ta mất cảnh giác. Tuy nhiên, chỉ cần tuân thủ một số biện pháp phòng bệnh đơn giản là bạn có thể an tâm rằng cả gia đình mình luôn khỏe mạnh, bình an.

Phòng sốt xuất huyết:

– Giữ cho nhà cửa, môi trường sống xung quanh luôn thoáng đãng, sạch sẽ.

– Đậy kín các dụng cụ chứa nước (bằng nắp đậy hoặc vải màn) để muỗi không thể đẻ trứng vào. Những dụng cụ chứa nước không đậy (như cốc nước đặt ở bàn thờ, lọ cắm hoa…) thì cần thay nước thường xuyên. Nhiều bà nội trợ vô tình đặt lọ đường vào bát nước để ngừa kiến mà không biết rằng mình đang tạo ra “chiếc nôi” để nuôi lũ lăng quăng – những “sát thủ” tương lai. Bạn hoàn toàn có thể khắc phục chuyện này bằng cách cho thêm vài thìa muối vào bát nước đó.

– Buông màn khi ngủ (kể cả ngủ ban ngày) để không bị muỗi đốt.

– Bôi thuốc xua muỗi ở những vùng da hở (nên thận trọng khi sử dụng cho trẻ nhỏ và người già).

– Tránh để trẻ chơi ở những nơi tối tăm, ẩm thấp, cho trẻ mặc áo quần dài.

– Nếu diệt muỗi bằng cách đốt hương, bạn hãy đốt vào buổi sáng trước khi mặt trời lên hoặc buổi chiều sau khi mặt trời lặn vì đây là thời điểm muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết hoạt động nhiều nhất.

Phòng cúm A/H5N1:

– Rửa tay sạch bằng xà phòng trước khi ăn, trước và sau khi chế biến thức ăn, trước và sau khi tiếp xúc với gia cầm, sau khi đi vệ sinh.

– Giữ vệ sinh cá nhân hàng ngày, che mũi miệng khi ho, hắt hơi.

– Chỉ ăn loại gia cầm, thủy cầm khỏe mạnh, có nguồn gốc rõ ràng, được kiểm dịch. Nấu chín kỹ thức ăn (thịt không còn màu hồng, trứng không còn lòng đào…), không ăn tiết canh.

– Hạn chế tiếp xúc với người, gia cầm, thủy cầm bị bệnh.

– Tăng cường sức khỏe bằng cách ăn uống đầy đủ, nghỉ ngơi hợp lý. Khi có biểu hiện nghi ngờ cúm A/H5N1 (sốt, ho, thở nhanh hoặc khó thở), cần đi khám ngay để điều trị kịp thời.

– Cách ly người nghi bị bệnh, người bệnh đề phòng lây sang những người xung quanh.

Phòng bệnh tay chân miệng:

– Ăn uống sạch: Ăn chín, uống sôi, ăn ngay sau khi nấu xong, không để ruồi, gián, chuột chạm vào thức ăn; dùng riêng chén, ly, muỗng…

– Ở sạch: Rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn, làm thức ăn, cho trẻ ăn, sau khi đi vệ sinh, làm vệ sinh cho trẻ. Hướng dẫn cho trẻ rửa tay với xà phòng nhiều lần trong ngày, mỗi trẻ có một khăn riêng. Dọn dẹp nhà cửa thông thoáng, lau nhà cửa hàng ngày bằng dung dịch sát khuẩn. Đồ dùng hàng ngày của trẻ phải được lau rửa sạch sẽ thường xuyên.

– Nếu thấy bàn tay, bàn chân trẻ có những chấm đỏ, bóng nước, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế khám ngay và thực hiện đúng theo hướng dẫn của thầy thuốc.


From the same category