Mưa bất ngờ trong ngày cưới là điều mà không chú rể cô dâu nào mong muốn. Để tránh trường hợp này, bạn nên lên kế hoạch tổ chức đám cưới vào dịp thời tiết thuận lợi, nhất là những tiệc cưới được dự định tổ chức ngoài trời. Cách tốt nhất là nên tổ chức tiệc cưới trong một hội trường ấm cúng; còn nếu bạn thích tiệc cưới ở ngoài trời, bạn nên chuẩn bị sẵn lều và căng sẵn trước khi cử hành hôn lễ. Nếu trời mưa nhỏ, bạn có thể sử dụng lều trong suốt để khách mời được ngắm nhìn không gian xung quanh.
Trang phục của cô dâu cũng là một vấn đề đáng quan ngại nếu như tiệc cưới của bạn diễn ra vào mùa mưa. Cô dâu nên chuẩn bị sẵn một chiếc váy cưới ngắn hoặc chỉ vừa chạm gót để việc di chuyển trở nên nhẹ nhàng, tránh làm vấy bẩn trang phục.
Bị trôi lớp trang điểm
Dù bạn đã trang điểm thật xinh đẹp trước đó và có hẳn một chuyên gia chăm sóc nhan sắc theo cùng trong lễ cưới nhưng chuẩn bị một hộp trang điểm dự phòng bao giờ cũng là điều cần thiết. Mascara có thể bị nhòe khi bạn cười tít mắt hạnh phúc, phấn phủ có thể bị phai theo những cái ôm chúc mừng. Nếu muốn là cô dâu xinh đẹp trong suốt lễ cưới, bạn cũng đừng quên thủ sẵn chiếc gương nhỏ để ngắm nghía lại nhan sắc của mình giúp kịp thời “chỉnh đốn”.
Trang phục gặp sự cố
Hãy tưởng tượng khi cô dâu đang hân hoan trong niềm hạnh phúc thì một bên dây vô cớ bị tuột. Hoặc một tình huống khác, do chiếc váy dài quá cộng với đôi giày cao gót, cô dâu trượt chân và khiến chiếc áo bị sứt chỉ… Những tình huống kiểu như thế này có thể làm cô dâu ngượng nghịu và mất tự tin trước đám đông. Những dụng cụ khâu vá, băng keo hai mặt sẽ là vật rất cần thiết trong trường hợp này. Hãy chuẩn bị sẵn và cho vào một túi xách nhỏ mang bên mình nhé.
Đau mỏi chân
Đứng đón khách lâu, gót chân bạn mỏi nhừ và đau nhói trong từng bước đi mà thủ phạm gây ra là giày cao gót. Nếu lỡ trong tình trạng này, bạn nên chuẩn bị thêm một đôi giày bệt mềm mại để cứu đôi chân. Bạn nên chọn những loại giày cao gót ôm chân thoải mái ngay từ đầu để có những bước đi uyển chuyển nhưng cũng đầy vững chắc.
Người dẫn chương trình đọc nhầm tên
Để tránh những sự cố về sai lệch thông tin do MC, bạn nên trao đổi trước kịch bản chương trình tiệc cưới với MC, ghi chú cho MC những thông tin quan trọng; trao đổi cách xử lý các tình huống bất ngờ cùng MC nếu MC đọc sai thông tin, kịch bản, các tình huống quan khách có những tiết mục quá đà ở sân khấu…
Thiếu/ thừa thức ăn
Để giảm thiểu những ảnh hưởng của việc này, bạn có thể trao đổi cùng nhà hàng phương án hỗ trợ bàn tiệc dự phòng, kiểm tra với nhà hàng lượng thức ăn của các món dự kiến đặt có nhiều quá hay ít quá không để cân đối số lượng món ăn sẽ chiêu đãi. Thông thường, nhà hàng sẽ cho bạn đặt từ 1-3 bàn dự phòng, nếu không dùng đến sẽ không phải thanh toán. Nếu số lượng bàn này vẫn không đủ, bạn nên chữa cháy bằng cách đặt thêm những món chế biến nhanh khác có sẵn trong nhà hàng (chất lượng tương đương) để phục vụ cho khách.
Những tiết mục văn nghệ “khó đỡ”
Kinh nghiệm từ những cặp đôi đã trải qua sự cố này là nên chuẩn bị những mẩu giấy nhỏ có danh sách các bài hát mà ban nhạc sẽ chơi trong buổi tiệc kèm theo mục những bài hát yêu cầu khác và gửi đến tất cả khách mời được chọn lọc (tùy theo mức độ thân thiết với gia đình và cô dâu chú rể, sở thích của khách mời…). MC khi đó có thể giới thiệu lần lượt khách mời từ số giấy thu về. Như vậy cả khách mời và người tổ chức tiệc đều chủ động.