Có ai đó bảo rằng một trong những sự thay đổi to lớn của việc áp dụng nền kinh tế thị trường là sự thay đổi tư duy về chỗ làm việc. Một chỗ làm tại cơ quan nhà nước giờ đây không phải là mong muốn duy nhất của những sinh viên vừa rời cổng trường đại học cũng như cha mẹ họ.
Tuy nhiên, trong khi nhiều người bỏ nhà nước để bước sang khu vực tư nhân thì không ít người sau những năm lăn lộn thương trường lại tìm cách quay về với “ông nhà nước”. Có tiền nhưng vất vả thì không bằng ổn định mà… nhàn hạ. Đó là kết luận của họ.
Chẳng ai dám bạo mồm nói rằng làm nhà nước như… đi chơi, nhưng một tỷ lệ khá đông cho rằng “còn thong dong” chán.
Cái cảnh mỗi buổi sáng vài chị thủng thẳng xách lạng thịt mớ rau bước vào cơ quan còn ở quán cóc ngoài cổng mấy anh công chức xoạc chân ngồi nhâm nhi nước chè tưởng chỉ xuất hiện thời bao cấp hóa ra vẫn còn trong thời buổi được gọi là “kỷ nguyên tri thức mới” hiện nay. Bảy giờ rưỡi sáng là hầu như cơ quan nào cũng tấp nập người ra vào, nhưng nhiều người trong số họ đến sớm không phải để làm việc.
Thế hệ 8x chắc chắn là không thể tưởng tượng nổi cha mẹ, chú bác họ từng đạp xe lọc cọc đến cơ quan, toòng teng trên ghi-đông hoặc buộc chặt sau poóc-ba-ga là một chiếc cặp lồng. Nhan nhản khắp nơi tình trạng sáng cắp ô đi tối cắp ô về với cách lý giải cù nhầy về “tám giờ vàng ngọc” – tức là đảm bảo 8 tiếng có mặt ở cơ quan nhưng thời gian làm việc “kim cương” chỉ khoảng 1-2 tiếng.
Nhiều người khi kể lại thuở “hàn vi” thường đổ tại cho cơ chế với tiếng thở dài: “Cái thời bao cấp thì mới thế!” Nhưng rõ ràng là trong thời đại công nghệ cao, kỹ thuật số, kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế và đủ những tên gọi mà thoáng nghe đã thấy gắn liền với tốc độ và cạnh tranh, những cái gọi là “thói quen thời bao cấp” về giờ giấc làm việc vẫn diễn ra hằng ngày, tuy có giảm nhiều. Nhưng điều đáng nói là những thói quen đó không chỉ ở người từng sống và làm việc suốt ba bốn chục năm qua. Ngay cả những người có năm sinh là đầu 6, đầu 7 (những năm 1960-1970) cũng thế.
Mức lương ổn định và khả năng mất việc thấp là những ưu tiên của những người chọn lựa con đường nhà nước, đó là thực tế hiển nhiên tại bất kỳ quốc gia nào. Yếu tố quan trọng hơn mà không ai nêu ra nhưng đều biết cả là làm nhà nước thì không phải chịu nhiều sức ép và thời gian… là của mình. |
Cái sự tranh thủ những gì thuộc của công, nhất là thời gian, cho việc riêng hình như là “đặc quyền” của giới công chức. Nói như vậy không có nghĩa là tư chức – tạm gọi như vậy về tất cả những người không làm việc cho cơ quan nhà nước – thì tự giác hơn.
Chẳng qua là các công ty tư nhân thì thường kiểm soát nhân viên tương đối ngặt nghèo. Đồng tiền liền khúc ruột, chẳng ai dại gì mà cứ để lỏng hầu bao cho tiền của mình tự nhiên bay ra. Công tác phí, hoa hồng, tiền tiếp khách, cái gì cũng có ba-rem rõ ràng đã đành, giờ làm việc cũng được kiểm soát gắt gao, đi muộn về sớm là bị “quy ra thóc” hết. Bị phạt vài lần thì nhân viên cũng ngại.
Nhưng ở các cơ quan nhà nước thì lối làm việc hình thức vẫn là “chuyện thường ngày”. Tất cả những nội quy, quy định của giới lãnh đạo, xét cho cùng, chỉ là thứ để treo cho đủ lệ bộ. Những cuộc họp kiểm điểm gắt gao, mà tại đó có khi sếp đỏ mặt gay gắt, có khi gần như năn nỉ nhân viên tuân thủ về giờ giấc, dường như không hề có tác dụng.
Nhân viên “chây bửa” thì thiếu gì cách để qua mặt lãnh đạo. Cứ trước giờ làm khoảng 10-15 phút là loạn xạ nhắn tin với điện thoại: “Con em đau bụng, em đến muộn tí nhé” hay “Bà già tôi bị ốm, tôi phải đưa đi bệnh viện”. Ai mà chẳng biết rằng mấy ông trẻ sức trai ăn no ngủ kỹ, mấy chị con nhỏ thì sáng ra biết bao là việc nhà, nhưng chẳng lẽ những người đến sớm là những người xao nhãng gia đình?
Mà thực ra nếu có đến đúng giờ thì họ có làm việc ngay cho đâu. Trừ một số vừa đến cơ quan là hùng hục lao vào sổ sách, giấy tờ (tất nhiên chưa nói đến chuyện hiệu quả), không ít người có mặt sớm chỉ để điểm danh. Cứ quẳng cái túi, cái cặp trên bàn cho sếp nhìn thấy, để đảm bảo chắc chắn thì “lượn qua lượn lại” vài vòng trước mặt ông trưởng phòng xong thì cứ vô tư mà ra xơi bát phở, đĩa bánh cuốn lót dạ. Ăn xong có khi làm vài chén trà, xỉa răng chán chê mới lững thững về cơ quan.
Tôi có anh bạn làm ở một Bộ quan trọng, nhiệm vụ của anh khi ngày mới bắt đầu là thả cậu con trai qua trường, đưa bà xã đến cơ quan rồi phi như tên bắn, luồn lách giữa đường đông để đến cơ quan cho kịp tiếng bính boong chuông đồng hồ báo bảy giờ rưỡi. Công việc tiếp theo là… ra quán cà phê gần đó để ăn sáng, nếu có thêm vài chiến hữu thì cứ đủng đỉnh trà lá, một tiếng rưỡi sau quay lại bàn làm việc.
Một anh bạn khác cơ quan mới chuyển ra xa trung tâm đến 10km mà chiến hữu thì đều ngồi giữa Thủ đô. Có chiếc xe hơi nên chẳng ngại mưa gió, sáng nào anh cũng tạt qua cơ quan rồi chạy về tận Bờ Hồ nhâm nhi li đen nóng ở quán quen thuộc. Chuyện ra chuyện vào, sớm thì cũng phải 10 giờ mới quay lại cơ quan, hôm nào hứng chí thì anh gọi điện về báo… họp, và đi luôn đến chiều.
Chị em thì lại có kiểu “tiêu pha giờ nhà nước” khác hẳn. Sau khi ăn sáng, các chị không thích mất thời giờ ngoài quán mà thường trở về phòng ngay, nhưng trong vòng 1-2 tiếng tiếp theo, các chị cũng khó mà tập trung được vào việc gì bởi còn bận “giao ban”. Nào là chuyện chồng hôm qua về muộn, nói là họp lớp nhưng xem ra rất đáng ngờ vì tự dưng đến tối lại có tin nhắn, xem xong là mặt mũi ngơ ngơ; chuyện cô tre trẻ trong phòng có vẻ đang buồn về chuyện tình cảm; chuyện ôsin tự dưng quay quắt đòi về quê…
Vì ít người có khả năng cùng một lúc “miệng nói, tay làm, tai lắng nghe” nên chỉ đến khi dứt chuyện các chị mới vào việc được. Lúc đó cũng đã gần 9 giờ. Ấy thế mà ngoảnh đi ngoảnh lại, chưa đến 11 rưỡi đã thấy từng tốp 4-5 người lần lượt trở về cơ quan, trên miệng đã có… tăm. Không biết họ đi ăn từ lúc nào!
Bốn tiếng buổi sáng trôi vèo, niềm phấn khích và hăng say cho công việc chưa được đẩy lên tới đỉnh cao đã lại bị kéo xuống cho bữa trưa, trước khi xuống thấp hơn nữa cho giấc ngủ trưa kéo dài đến tận 2 giờ.
Sự khởi động đầu giờ chiều có vẻ ngắn hơn: nếu không có chương trình “ăn nhẹ” nào bằng hoa quả, bánh trái, sữa chua thì guồng quay có thể vận hành ngay. Nhưng thời gian buổi chiều lại trôi nhanh quá. Đồng hồ chỉ gần 4 giờ là những trách nhiệm gia đình, những cuộc hẹn riêng đã bắt đầu ngọ nguậy.
Vài người về sớm đón con và chợ búa, mấy chị có người giúp việc thì chỉ đạo từ xa: “Tối nay ăn thịt rim nhé, sáng cô mua sẵn rồi đấy”. Một, hai anh trong phòng nhấc điện thoại hẹn bạn ở sân tennis, mấy anh khác vừa quần là áo lượt chỉ loáng một cái đã trong “y phục may-ô” tung tẩy xách vợt bóng bàn ra tỉ thí. Trừ vài phòng còn sáng đèn vì có người còn làm việc cố, đa phần đảm bảo… tối thui lúc 5 giờ.
Ngày hôm nay đã qua và ngày mai cũng như tất cả những ngày sau lại theo vòng quay như thế. Ung dung, thảnh thơi, há lại chẳng sướng sao?