Underground Việt: Xứ sở diệu kỳ từ tận cùng tăm tối - Tạp chí Đẹp

Underground Việt: Xứ sở diệu kỳ từ tận cùng tăm tối

Giải Trí

Âm nhạc phi thương mại – “Mình thích thì mình làm thôi”

Nhạc underground ra đời từ giữa những năm 70 tại Mỹ với thể loại âm nhạc chủ yếu là punk rock, sau này có thêm rap, hip hop. Mang nhiều tư tưởng cực đoan, các nghệ sĩ dòng underground đi ngược lại hoàn toàn thị trường nhạc chính thống (overground hay mainstream), họ không chịu bất kì sự tác động nào của nhà sản xuất, người nghe hay xu thế âm nhạc thịnh hành. Không bị ràng buộc bởi bất cứ khuôn phép nào, họ sáng tác và chơi nhạc tự do theo đúng tinh thần “Mình thích thì mình làm thôi!”. Chính những điều này tạo nên sự khác biệt. Trong thế giới underground, các nghệ sĩ hoạt động khá “kín tiếng”, không rầm rộ ra album, tránh xa báo giới, thậm chí hạn chế tiếp xúc với đám đông khán giả hay giới chuyên môn, họ sẵn sàng nói không với tiền bạc và sự nổi tiếng.

Dòng underground du nhập vào Việt Nam cùng với sự phát triển của internet và ngành công nghiệp thu âm. Dòng chảy chính của nhạc underground Việt lúc đó là rap – hip hop. Bị ảnh hưởng bởi phong cách xù xì, gai góc của những nghệ sĩ da màu Mỹ, trong khoảng 10 năm đầu (2000-2010), âm nhạc underground xa lạ và khó chấp nhận với khán giả, nên bị người nghe phản đối.

suboi

Những năm gần đây, nhờ có sự phát triển của mạng xã hội và các trang web nghe nhạc trực tuyến như MySpace, Soundclouds,… các nghệ sĩ underground đã thay đổi để đến gần hơn với khán giả, với sự phong phú về thể loại âm nhạc (rock, ballad, pop). Ban đầu lượng người nghe tiếp cận các sản phẩm online của dòng underground rất khiêm tốn (chỉ ở mức vài nghìn, thậm chí vài trăm người), nhưng dần dần cộng đồng của thế giới ngầm (các nghệ sĩ, nhóm nhạc và cả người nghe) lớn mạnh nhanh chóng, cứ thế họ trở thành động lực của nhau, cùng nuôi dưỡng thứ âm nhạc hoàn toàn đứng ngoài những giá trị như bảng xếp hạng hay giải thưởng. Các ca khúc tưởng chừng khó có cơ hội được biết đến theo cách thông thường của thị trường nhạc Việt lại trở thành những bản hit theo cách rất “organic”, đó là trường hợp của “Một nhà”, “Bài ca tuổi trẻ” (nhóm Dalab), “Đưa nhau đi trốn” (Đen và Linh Cáo), “100 ngày hạ” (Cam), “Ai cũng mơ” (Hải Bột)… và rất nhiều ca khúc khác nữa.

Người trong nghề đã có những cuộc tranh cãi về dòng nhạc underground. Dù thích thú với thứ âm nhạc thuần khiết, nhưng giới chuyên môn cũng e ngại tinh thần “gây hấn”, sự hỗn tạp của các tay chơi “dưới lòng đất”. Ở nơi nhiều bóng tối ấy có không ít cuộc tranh luận kiểu “chợ búa”, những bản dirty-rap (nhạc rác) và xa hơn là cách làm nhạc rất tự phát.

Vậy các tay chơi ấy, họ là ai?

Những chiến binh đến từ… lòng đất

Họ là những nghệ sĩ “indie” (independent – độc lập), những người sở hữu nhiều yếu tố không thua kém gì các nghệ sĩ trong giới showbiz. Hãy nhìn vào những cái tên như Suboi, Karik, JustaTee hay BigDaddy, Soobin Hoàng Sơn, Ngọt, Thái Vũ, Hải Bột… cái tôi của họ đều rất mạnh mẽ, rõ ràng. Không ai giống ai, nhưng tất cả đều có điểm chung là “unique” – độc bản.

Từ thế giới ngầm dưới… lòng đất đã có những người bước ra ánh sáng và tạo được dấu ấn trên thị trường mainstream, như Suboi, Soobin Hoàng Sơn… nhưng chắc chắn không ai trong số họ thành công như trường hợp của Sơn Tùng M-TP.

Sau 2 ca khúc “Cơn mưa ngang qua” và “Em của ngày hôm qua”, Tùng vụt trở thành hiện tượng. Tùng phá vỡ mọi kỷ lục của làng nhạc Việt, ca khúc nào của chàng ca sĩ này cũng trở thành hit. Nhưng ngược lại, Sơn Tùng M-TP cũng là cái tên gây tranh cãi nhất từ trước tới giờ. Các bài hát của Tùng thường bị mổ xẻ và hay dính vào những lùm xùm về đạo nhái.

Tuy nhiên có một điểm không thể phủ nhận, thành công của Sơn Tùng và cả những phản ứng tiêu cực đi kèm với nó đều bắt nguồn từ chính địa hạt underground, nơi đã nuôi dưỡng anh. Tùng được hâm mộ bởi chất ngông ngông, gu thời trang có phần dị – những giá trị khác biệt hoàn toàn với Vpop đương thời. Không thể phủ nhận đó chính là tinh thần của underground. Nhưng cũng vì cái ngông đó nên Tùng có lượng anti-fan đông đảo không kém skys (fan hâm mộ của Sơn Tùng), bởi anh vẫn giữ cách làm nhạc kiểu tự phát. Lấy ở đây một mẫu beat, mua chỗ kia một file loop, bởi vậy nhạc của Sơn Tùng không tránh khỏi sự na ná.

son-tung-m-tp
Ngoài Sơn Tùng M-TP, còn có những cái tên khác bước ra vùng ánh sáng overground, nhưng vẫn giữ nguyên tinh thần underground: không thương mại. Thời gian vừa qua, truyền thông cũng như cộng đồng mạng nói nhiều đến những đêm nhạc của các nghệ sĩ underground. Không rầm rộ quảng cáo, nhưng đêm diễn nào của họ cũng cháy vé chỉ sau vài tiếng. Điển hình là show diễn “Xin phép được cô đơn” của Vũ – một chàng trai 9X có phần nhút nhát. Những bản ballad của Vũ có mặt trong playlist nghe nhạc của hầu hết học sinh, sinh viên hiện nay. Khán giả trẻ xếp hàng dài trên phố chỉ mong sở hữu được tấm vé có mặt trong đêm nhạc của Vũ. Khi nhận được giải thưởng Nghệ sĩ underground được yêu thích nhất của Wechoice 2016, Vũ đã tuyên bố: “Lần đầu tiên và cũng có lẽ sẽ là lần cuối tôi nhận được một giải thưởng gì đấy từ truyền thông. Tôi nghĩ mình không hợp với bất kì ánh hào quang nào cả, lặng lẽ làm âm nhạc vẫn cảm xúc hơn”.

Một chiến binh khác của dòng underground gần đây cũng khiến giới nghe nhạc phát cuồng khi trở lại sau 2 năm vắng bóng, đó là Hải Bột. Liveshow “Ai cũng mơ” của Hải Bột chỉ có khoảng 1000 khán giả, nhưng họ bùng nổ, họ cười, họ gọi tên anh, hòa giọng cùng những bản rock mang đầy tính tự sự, ngẫm đời của anh.

Những nghệ sĩ underground như Hải Bột, Vũ, Trang, Ngọt, Mai Marzuz…không mưu cầu gây ảnh hưởng, nhưng thực tế những gì họ làm đang tác động mạnh mẽ tới giới trẻ ở hai đô thị lớn của đất nước. Và công chúng lại có quyền hi vọng vào tinh thần nghệ thuật trong sáng mà họ mang tới, đó là nghệ thuật của sự độc lập. Tới đây, dường như ở tận cùng tăm tối, xứ sở diệu kỳ đã thành hình.

UNDERGROUND – THẾ GIỚI NGẦM DẬY SÓNG

Khái niệm “Underground” được nhắc đến nhiều trong thời gian gần đây khi công chúng đổ xô tìm đến những kênh nghe nhạc trực tuyến như Soundclouds, Youtube.

Không rình rang, màu mè, underground là thế giới của những người muốn được chơi, được nghe một thứ âm nhạc thuần khiết, phi thương mại.

Nhưng trong thời đại mà mạng xã hội có thể chạm tới mọi ngóc ngách, thì hiển nhiên các ông bầu và nhà sản xuất không thể ngó lơ trước con số hàng ngàn hay thậm chí hàng trăm ngàn tín đồ của những cái tên lạ lẫm – những kẻ có tài, có cá tính cũng như có khả năng bắt kịp xu hướng âm nhạc thế giới.
Nói cách khác, internet đã tạo ra cộng đồng underground thì cũng chính nó đẩy những chiến binh hùng mạnh nhất bước ra vùng sáng của âm nhạc thị trường. Kẻ ở người đi, kẻ ẩn danh người nổi tiếng, tạo nên những dòng chuyển động ngược chiều trong underground, nhưng tất cả đều gặp nhau ở tinh thần độc lập (Independent).

Thế giới ngầm bắt đầu dậy sóng từ đó.

Tổ chức: Việt Tú

Đọc thêm:
– Underground vs. Overground
– Hải Bột – Một ca lạ
– Ngọt “dạo này” – Ở nơi lưng chừng trời
– Vũ – Gã trai đơn giản hát nhạc tình
– Underground & những kẻ đi – người ở

 

Thực hiện: depweb

31/10/2017, 09:35