Thật thế, trong “Under the Skin” của đạo diễn người Anh Jonathan Glazer (Birth, Sexy Beast), có rất nhiều chi tiết bị bỏ ngỏ không lời giải thích, nhiều hành vi không rõ động cơ, nhiều sự kiện không rõ kết cục. Với “Under the Skin”, mỗi khán giả có thể trải qua một hoặc nhiều cảm xúc đối nghịch cùng lúc: tò mò, thích thú, mê mẩn, hoang mang, tức tối, thậm chí ghê tởm nhưng chắc chắn không thể thờ ơ. Trải nghiệm đa dạng không thể giải mã ngay lập tức ấy chính là sức thu hút của bộ phim đang được coi là hiện tượng của điện ảnh độc lập năm nay.
Nối tiếp đoạn mở đầu kỳ lạ, một tay lái motor xuất hiện vác một cô gái đang bất tỉnh tống vào xe van. Cắt cảnh sang khoảng trắng trải dài đến vô tận, một phụ nữ trần truồng (cũng là nhân vật chính không tên do Scarlett Johansson đảm nhiệm) lột bỏ quần áo của cô gái nọ vận vào mình, nhanh chóng bước ra ngoài khởi động xe. Tóc đen, mắt đen, bờ môi mọng, ánh nhìn lạnh tanh, khoác áo choàng lông thú, người đàn bà trong chiếc xe van có vẻ mạnh mẽ khác thường nhưng không vì thế mà kém phần hấp dẫn. Xe chạy vòng vèo quanh những con phố hoặc trên những cung đường ngoại ô xám xịt trong khi nữ tài xế lúc dừng lại hỏi đường, lúc đề nghị cho người đi nhờ xe. Hành khách và lái xe trao đổi vài câu hội thoại ngắn ngủi, không quá dửng dưng cũng không quá thân thiện. Một chút mời gọi, một chút do dự tạo cảm giác bất an phảng phất đủ để gợi máu phiêu lưu. Toàn bộ tính xếp đặt của tình huống: vẻ ngoài quyến rũ ma mị của Scarlett Johansson, màu sắc tối tăm của những shot hình trong cabin, soundtrack độc đáo với motiv ba hợp âm bị bóp méo lẫn với tiếng ậm ừ như là hơi thở ngắt quãng đều cho thấy câu chuyện khó có thể diễn biến theo chiều hướng tốt đẹp.
Dù rằng chuyện phải đến sẽ đến với những người đàn ông đi nhờ xe kia không phải điều gì quá mới mẻ, cách Jonathan Glazer mô tả tiến trình đó mới là điều đặc biệt. Khả năng kiểm soát ánh sáng, màu sắc, âm thanh từ đầu phim cho thấy anh rất giỏi tạo dựng không khí nhưng trong các trường đoạn gài bẫy, tập hợp những yếu tố đó được đẩy xa hơn gây cảm giác sợ hãi đến sởn gai ốc. Sắc xám của cảnh trí nay chuyển hẳn thành một màu đen thẳm và đặc quánh với ánh sáng chỉ tập trung chiếu rọi những chi tiết tối quan trọng: gương mặt háo hức của những người đàn ông, ánh nhìn như thôi miên của Scarlett Johansson, những đường cong quyến rũ khi cô dần cởi bỏ áo ngoài, những mảnh quần áo bị lột bỏ vương vãi trên sàn. Bằng những bước đi uyển chuyển đầy khêu gợi trên nền âm thanh ma quái, Scarlett Johansson từ từ dẫn dắt những nạn nhân của mình chìm dần vào vũng lầy của dục vọng. Điều xảy ra với những người đàn ông dưới hố đen thăm thẳm ấy là minh chứng cho óc thị giác dị biệt của Jonathan Glazer, chắc chắn sẽ lưu lại như một trong số những hình ảnh ghê rợn ám ảnh nhất phim.
Là bản chuyển thể phóng túng tiểu thuyết cùng tên của Michel Faber, “Under the Skin” có thể được coi là một phim kinh dị viễn tưởng nhắm vào việc chuyển tải không khí trên sườn ý tưởng hơn là theo sát cốt truyện. Dưới ống kính Jonathan Glazer, phong cảnh cô liêu với những triền đồi thoai thoải và những vạt rừng đen thẫm của Scotland phủ thêm vào bầu không khí vốn đã u hoài một màn sương hoang mang rờn rợn. Hầu hết các vai trong phim được đảm nhiệm bởi diễn viên không chuyên với phần lớn đối thoại là ngẫu hứng không qua dàn dựng. Điều này khiến những trường đoạn tương tác trở nên gượng gạo một cách thành thật, đặc biệt phù hợp với chủ đề. Đạo diễn cũng cắt bỏ hành động cuối cùng trong nhiều cảnh phim hoặc chỉ đưa ra hình ảnh ở mức khơi gợi mà không để lại manh mối, buộc khán giả phải tự ráp nối các chi tiết và đưa ra những lý giải của riêng mình. Tính mở của tình huống và hình ảnh kích thích trí tưởng tượng khiến mức độ ly kỳ rùng rợn của câu chuyện càng tăng cao.
Với khán giả của màn ảnh rộng, đặc biệt là nam giới, cái tên Scarlett Johansson đồng nghĩa với sức quyến rũ không thể cưỡng nổi của nữ tính. Thế nhưng khác với loạt vai những cô gái hấp dẫn vì nhan sắc, vì sự ngây thơ hay nũng nịu, người đàn bà của Scarlett Johansson trong “Under the Skin” là một nhân vật đặc biệt – một tiếp nối thú vị sau vai Samantha trong “Her” (đạo diễn Spike Jonze) năm ngoái. Nếu Samantha – trí tuệ nhân tạo điều hành trình duyệt trò chuyện không có dung mạo con người mà hoàn toàn tồn tại nhờ giọng nói và tài đối đáp cuốn hút thì nhân vật trong “Under the Skin” tuy sở hữu một cơ thể hấp dẫn toàn vẹn dường như lại không thực sự “tồn tại”. Sự thật chính xác là như vậy: cô là một sinh thể đặc biệt dưới nhân dạng con người, hiện diện ở đây với một nhiệm vụ đen tối. Scarlett Johansson diễn xuất sắc, chọn đúng biểu cảm cho mọi tình huống: lúc ma mị như một phù thủy, lúc ngơ ngác như một đứa trẻ, lúc vô hồn như một cỗ máy. Trong một trường đoạn kỳ lạ liên quan đến một gia đình có con nhỏ, cô hành xử quả thực như một bộ máy mà trong thế giới này chỉ vận hành theo những mệnh lệnh nhất định. Những quy tắc ứng xử, những phản xạ thông thường mang tính người rơi ngoài vùng xử lý của cô khiến tính bi kịch của tình huống tăng lên gấp bội bởi sự vô vọng và vô nghĩa của nó.
Bước chuyển tâm lý xuất hiện sau một phân cảnh lạ thường bắt đầu với việc Scarlett cho một người đàn ông có khuôn mặt biến dạng đi nhờ xe. Với nạn nhân trong tầm ngắm mang bộ dạng xấu xí này, lần đầu tiên Scarlett có những trao đổi và động chạm cơ thể để rồi trong những giây phút cuối cùng của cuộc giăng bẫy, cô đi đến một quyết định bất ngờ. Soundtrack của Mica Levi đóng vai trò người dẫn đường trong ma trận tâm lý nhân vật xuyên suốt phim lúc này cũng chuyển từ kiểu cách tối giản thành những giai điệu trầm bổng mềm mại có nhạc tính hơn. Dù vì hiếu kỳ hay cảm thông thì đây cũng là khoảnh khắc “bộ máy” ấy đột ngột cảm nhận được những xung đột tâm lý tạm gọi là cảm xúc. Có điều gì như sự tò mò thúc đẩy cô hành động khác đi, dưới lớp da mượn như có một luồng năng lượng mới sinh sôi, kích hoạt cuộc phiêu lưu vào thế giới xa lạ.
Mượn câu chuyện về hành trình khám phá của một người ngoài hành tinh, “Under the Skin” chính là cái nhìn dõi vào thế giới của chúng ta – một thế giới kỳ thú khơi gợi trí tò mò nhưng cũng căng thẳng và bức bối bởi những sáng tối ẩn chứa trong mọi ngóc ngách của nó. Nhân vật của Scarlett Johansson, dù mang dung mạo giống hệt con người, vẫn là một sinh thể không thuộc về thế giới này. “Nó” có thể đi xa đến đâu trong cuộc phiêu lưu khám phá tính người trước khi chạm đến giới hạn của nhân dạng mô phỏng ấy? Được thiết kế như một bộ máy chỉ vận hành theo mệnh lệnh, sinh thể ấy những tưởng được che chắn an toàn khi bị tấn công về tâm lý. Nhưng một khi đã trút bỏ lớp vỏ bảo vệ để đón nhận đầy đủ những thăng trầm của cảm xúc và hành vi con người – có sự cảm thông và lòng vị tha, rung động tình yêu đi cùng ham muốn xác thịt, có nghĩa cử dịu dàng nhưng có cả bạo lực – “nó” có thể chống trả mạnh mẽ đến mức nào? Trường đoạn cuối là câu trả lời cho những câu hỏi trên để rồi cùng với chuỗi hình ảnh lạ thường và ám ảnh kết phim, dư âm buồn bã về trải nghiệm làm người vẫn còn đọng lại rất lâu sau khi màn đã khép.
Bài: Hoài Anh