Có câu nói rằng không bao giờ là quá muộn để bắt đầu thứ gì đó. Trên lý thuyết là vậy, thế nhưng với phụ nữ, 40 là đã muộn. 40 là bức tường thành ngăn họ bắt đầu đi tìm ước mơ. Cô gái trẻ 20 có quyền tung tẩy nay đây mai đó, nhưng người phụ nữ 40 lại nghĩ họ không có quyền làm vậy. Sự an toàn. Cảm giác chắc chắn. Một mái ấm vững chãi. Tất thảy những thứ đó rất cần thiết và không có chỗ cho một tình huống… bất thường nào chen vô.
Thế nhưng, có đúng là 40 là quá muộn để một người bắt đầu một trang mới cuộc đời không? Mới đây, The Independent đã chia sẻ câu chuyện của 3 người phụ nữ U40 về cách họ vẽ một trang mới cuộc đời, mặc cho người khác nói rằng tuổi này đã quá trễ rồi.
Jo Atkinson, 45 tuổi, đã bỏ lối sống “làm hết sức, chơi hết mình” sau khi mẹ cô qua đời. Hiện tại, Atkinson đang có cuộc sống chậm rãi, khỏe mạnh hơn tại một vùng nông thôn ở New Forest. “Năm năm trước, tôi là phụ nữ văn phòng mẫu mực. Cuộc sống của tôi gắn bó với thành phố. Mỗi sáng đều đạp xe đi làm, uống một ly cà phê, làm việc, gặp gỡ bạn bè sau giờ tan làm và nhón một ly rượu sau ngày dài vất vả. Bạn biết đặc điểm của một quý cô London là gì không? Căn bếp của cô ấy thường xuyên bám bụi. Tôi ra ngoài suốt cả ngày và chỉ về nhà để ngủ”, Atkinson nói.
“Khi bước sang tuổi 40, lần đầu tiên tôi bắt đầu đặt câu hỏi về mọi thứ. Tôi đã xem đời sống của mình như một dự án mà mọi sự kiện đều đã trải ra trước mắt. Công việc của tôi là cố gắng lấp đầy nó với tất cả mọi hoạt động. Nhưng sau khi tung tẩy được một quãng thời gian, tôi chợt nhìn quanh và phát hiện ra có lẽ mình thuộc nhóm phụ nữ lớn tuổi nhất xuất hiện trong quán bar”.
Năm 2019, mẹ của Jo Atkinson qua đời khiến cô ấy u uất hơn. Trước khi mọi việc tệ hơn, Atkinson quyết định rời khỏi London và bắt đầu một đời sống mới. “Tôi chuyển đến một khu nhà nghỉ ở gần nơi tôi lớn lên. Khi đã ổn định một chút với công việc mới ở đây, tôi tự hỏi bản thân rằng có muốn quay lại thủ đô không? Bây giờ tôi đã có một lối sống hoàn toàn khác. Tôi nuôi một cặp chó mèo, quay trở lại thói quen cưỡi ngựa lúc nhỏ. Mỗi ngày đều hòa mình với thiên nhiên và nấu ăn tại nhà trở thành một thói quen mới. Tôi quyết định chọn ở lại vùng nông thôn, làm việc và tiết kiệm tiền để mua một căn nhà ở đây. Tôi không hối hận gì về cuộc đời của mình ở London. Chỉ là lối sống đó không còn phù hợp với tôi phiên bản 40 nữa”.
Atkinson nói rằng cô không còn sợ hãi về việc lớn lên và già đi nữa, ngược lại còn an nhiên chào đón nó. “Ai cũng phải lớn lên thôi. Và trải nghiệm đó sẽ thoải mái, an toàn nếu bạn đã có chuẩn bị cho nó”, Atkinson nói.
Tracy Thomas, 50 tuổi, đã rất ngạc nhiên khi cuộc hôn nhân tưởng chừng viên mãn của mình lại vừa kết thúc vào đầu năm nay. Cô ấy đang tìm kiếm một mục đích sống mới, đi du lịch cùng cô con gái tuổi teen và tận hưởng cảm giác một mình.
“Tôi và chồng cũ hẹn hò với nhau trong suốt 20 năm. Đại dịch vừa qua khiến chúng tôi lo sợ mất nhau nên đã đi tới quyết định kết hôn. Thú thật thì, tôi chẳng thấy có vấn đề gì xảy ra cả. Không một dấu hiệu đỏ (red flag) nào. Chúng tôi là một gia đình hoàn hảo”, Tracy Thomas nói.
“Nhưng rồi một ngày nọ, chồng của tôi đột nhiên không muốn quan tâm tới gia đình nữa. Anh ấy chỉ muốn sống cuộc đời của riêng mình. Không lâu sau đó tôi phát hiện anh ngoại tình, mặc dù đã cố cứu vãn mọi thứ, nhưng chồng tôi chỉ bảo rằng anh ấy “đã phát chán và không muốn tiếp tục nữa”. Rồi anh ấy dọn đồ đạc chuyển về nhà mẹ, tôi trở thành người cố giải thích với con gái tuổi dậy thì của mình về những gì đã xảy ra”, Tracy Thomas kể.
Tracy Thomas bộc bạch rằng đó là giai đoạn đen tối nhất trong đời cô, thậm chí cô còn mắc phải chứng u uất tinh thần. “Mọi việc chỉ tự nhiên xảy ra như thế. Tôi cứ tự quy tất cả mọi lỗi lầm cho mình, rằng mình không đủ tốt, không đủ thu hút, không đủ tử tế nên anh ấy mới bỏ đi như thế”.
Sau khi đã trải qua đủ các cung bậc chối bỏ, tức giận, thù hận, Tracy Thomas cuối cùng cũng chấp nhận và chịu đi tìm giải pháp. “Tôi dọn sạch tất cả mọi kí ức liên quan đến chồng cũ, từ quần áo, ảnh, thư từ. Thậm chí tôi còn rời khỏi căn nhà đó. Hiện giờ tôi đang ở Gran Canaria trong một tháng cùng con gái. Chúng ta chơi dù lượn, đi tàu ngầm, làm những điều mà trước đây tôi chưa từng làm. Tôi thực sự đang tận hưởng cuộc sống của mình một lần nữa”.
Shelly Shulman, 44 tuổi, đã là thợ làm bánh trong suốt nhiều năm tuổi trẻ. Nhưng hai năm trước, cô đã ngừng nhận đơn hàng mới và quyết định thử sức làm chuyên gia tư vấn cho doanh nghiệp.
“Trước đại dịch tôi là thợ làm bánh. Tiệm bánh của tôi khai trương năm 2006 với tình hình kinh doanh thuận lợi. Tôi từng làm bánh cho cả Nữ hoàng cơ. Nếu có việc gì đó mà tôi vừa giỏi vừa thực sự yêu thích, thì đó chính là làm bánh”. Khi đại dịch xảy ra, Shelly “thất nghiệp” vì chẳng có nhiều đơn hàng bánh ngọt. Nhưng kì lạ thay lại có rất nhiều gọi cho cô để xin lời khuyên về việc vận hành kinh doanh. “Họ hỏi tôi cách đối phó với chuyện khách ‘bùng’ hàng, cách duy trì tiệm bánh hoạt động tốt trên online”.
Shelly nhận ra đây là một công việc có thể kiếm ra tiền và còn cho phép cô được kiểm soát thời gian theo cách cô muốn. “Tôi quyết định không làm bánh nữa, chuyển sang làm huấn luyện viên kinh doanh toàn thời gian. Tôi đã từng là ‘chủ doanh nghiệp’ nên tôi hiểu vấn đề và có thể đề xuất giải pháp cho họ”, Shelly nói.