>> Văn hóa tẩy chay kiểu Việt: Giơ cao đánh khẽ
Đấy có thể là “những hành động của một số người tiêu dùng có tổ chức”, hoặc tẩy chay “có lí do chính trị”. Trên khuôn khổ của luật, tẩy chay là hợp pháp, “khi nó là tự nguyện và bất bạo động”.
Nếu xét trên những khía cạnh ấy, cái sự tẩy chay ở nước người xem ra kinh khủng lắm, và so với họ, chúng ta chưa đạt đến tầm của những cuộc tẩy chay theo đúng nghĩa. Một khi nhận thức chung còn thấp và thường đi theo hướng bản năng, sẽ không có cuộc tẩy chay nào đạt được hiệu quả cần thiết. Sự phát triển của các trang mạng xã hội xem ra chưa tạo được một sự “đoàn kết tập thể”, bởi thiếu một định hướng nhất định và phương hướng “đấu tranh” cụ thể, thiếu tổ chức và không ít những cuộc có thể gọi là tẩy chay như thế thường đi theo hướng a dua hội đồng, để rồi không đạt được mục đích cuối cùng: tạo ra một phong trào mang tính xã hội của những người tiêu dùng nhằm gây tác động lên người cung cấp sản phẩm, sau khi nhà cung cấp đưa ra một sản phẩm “lỗi”.
Trên thực tế, ở nước ngoài, những chiến dịch lớn mang tính tẩy chay ngày càng phát triển khi chủ nghĩa tiêu dùng đang thắng thế và hầu hết đều đi theo hai hướng, tác động xã hội hoặc tác động chính trị, với những cung bậc và quy mô khác nhau. Trong nhiều trường hợp, các phong trào xã hội ấy không thành công, nhưng không ít lần họ đạt được toàn bộ hoặc một phần những mục tiêu đề ra. Chịu tác động lớn từ phía dư luận, đối tượng bị tẩy chay phải xin lỗi công chúng, hướng đến những thay đổi cần thiết nhằm đáp ứng đòi hỏi của công chúng. Nhiều cuộc tẩy chay kéo dài hàng năm, thậm chí hàng thập kỉ. Những phong trào ấy diễn ra mạnh mẽ trong các lĩnh vực từ tiêu dùng sản phẩm cho đến các lĩnh vực âm nhạc, thể thao và ở mức cao nhất, là chính trị. Sự lan rộng của internet và các trang mạng xã hội có hàng triệu đến hàng trăm triệu người sử dụng càng làm cho các chiến dịch dễ dàng đạt đến mục tiêu hơn, thông qua các Hiệp hội tẩy chay được thành lập trên Facebook, trên các trang mạng lập ra với mục đích “thỉnh cầu” (petition) nhằm thu hút càng nhiều chữ kí và ý kiến ủng hộ càng tốt, cũng như các “group” và “mailing list” tập hợp những người cùng quan điểm về một vấn đề cần tẩy chay.
Những ví dụ không ít: Tổ chức bảo vệ động vật PETA thực hiện những chiến dịch truyền thông lớn để kêu gọi người tiêu dùng không mua bán các áo làm bằng lông thú. Cộng đồng Thiên chúa giáo ở nhiều nước trên thế giới phản đối các show diễn của Madonna vì những hành động bị coi là báng bổ của cô với Giáo hoàng John Paul II, cây thánh giá cũng như các hành vi gợi dục trên sân khấu. Điều tương tự cũng đã diễn ra với ca sĩ Sinead O’Connor vì những hành động báng bổ khác trong clip “Nothing compare 2U” gây chấn động dư luận vào năm 1991. Tại Mỹ, nơi chủ nghĩa tiêu dùng phát triển đến mức tối đa, thậm chí đã xuất hiện một phong trào mang tên “Ngày quốc tế không mua gì cả” để chống lại nó.
PETA đã tiến hành các chiến dịch kêu gọi tẩy chay hãng đồ ăn nhanh KFC vì tội “ngược đãi” gà.
Ở Ý, các chiến dịch tẩy chay bóng đá diễn ra một cách công khai và nửa công khai để phản đối chính sách của đội bóng hoặc cơ quan điều hành giải bóng đá, dẫn đến nhiều trận khán đài vắng tanh, và chỉ một hoặc hai đại diện của nhóm người hâm mộ mang những băng rôn với thông điệp bất bình treo trên sân. Có một thời, những Hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng và các Hiệp hội chủ tiệm ăn theo kiểu truyền thống Italia đã tiến hành những chiến dịch phản đối mạnh mẽ và sau đó biến chúng thành các phong trào tập hợp được số đông công chúng nhằm chống lại đồ ăn nhanh kiểu Mỹ đang lăm le thâm nhập. Chiến dịch đương nhiên là thành công lớn, khi số lượng các nhà hàng McDonald’s hay KFC ở Italia rất ít và hầu hết người Ý lựa chọn một cách không điều kiện đồ ăn kiểu Ý. Trong trường hợp này, tẩy chay đã trở thành công cụ của những người vận động nhằm bảo hộ thị trường. Họ tiến hành những phong trào này song song với việc vận động các nhà hoạch định chính sách đánh thuế cao vào sản phẩm đang đe dọa thị trường của họ.
Đi xa hơn tất cả những cuộc tẩy chay về sản phẩm này là những cuộc tẩy chay chính trị. Thế giới chưa quên những cuộc vận động chống chủ nghĩa Apartheid kéo dài nhiều thập kỉ và được coi là một trong những nguyên nhân làm chế độ bị cô lập về nhiều mặt ấy ở Nam Phi sụp đổ. Thế giới cũng chưa quên những cuộc tẩy chay về chính trị thông qua thể thao khi một loạt các quốc gia tẩy chay Thế vận hội Berlin 1936 nhằm chống chính sách của nước Đức Hitler với người Do thái, Mỹ và nhiều nước khác tẩy chay Thế vận hội 1980 ở Moskva để phản đối Liên Xô đưa quân vào Afghanistan, các quốc gia thuộc khối XHCN tẩy chay Thế vận hội 1984 ở Los Angeles để trả đũa. Mới nhất là cuộc tẩy chay trên nhiều phương diện, chủ yếu là qua truyền thông, của các nước EU với Ukraina trong thời gian diễn ra giải EURO 2012 để gây sức ép về vụ cựu thủ tướng Tymoschenko…
Nhiều người dân EU đã tẩy chay EURO 2012 ở Ukraina để gây sức ép lên chính phủ nước này.
Bài: Anh Ngọc