Tỷ lệ tử vong do virus MERS cao gấp 30% SARS

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Y tế Ả Rập Xê Út tính đến ngày 18/5, quốc gia này đã ghi nhận thêm 9 trường hợp nhiễm virus MERS, 5 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong vì MERS lên 168 người.

 Ảnh: Reuter

MERS hay còn gọi là Hội chứng Hô hấp Trung Đông lần đầu tiên được phát hiện tại Ả Rập Xê Út vào năm 2012. Cho đến thời điểm này, tại Ả Rập Xê Út đã có 529 ca nhiễm virus MERS.

Cùng thời điểm, giới chức y tế Hoa Kỳ cũng công bố trường hợp nhiễm virus MERS thứ ba tại nước nước này. Bệnh nhân là nam giới, đến từ bang Illinois. Người này đã hai lần tiếp xúc với bệnh nhân nhiễm virus MERS đến từ Indonesia.

Một số quốc gia khác bao gồm Ai Cập, Jordan, Lebanon, Hà Lan, U.A.E cũng có báo cáo các ca nhiễm MERS mới, hầu hết các bệnh nhân từng có mặt tại Ả Rập Xê Út. Hiện tại, virus MERS đã xuất hiện tại 18 quốc gia trên toàn thế giới.

Theo các nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới, virus MERS nhiều khả năng lây từ lạc đà sang người. Hiện chưa có bằng chứng cụ thể cho thấy MERS có khả năng lây từ người sang người nhưng rất nhiều ca lây nhiễm gần đây là lây nhiễm thứ phát, phần lớn là cán bộ y tế làm việc trong các cơ sở y tế bị lây nhiễm khi tiếp xúc và điều trị bệnh nhân MERS, trong đó có nhiều trường hợp không có triệu chứng.

Virus MERS được coi là “họ hàng” với virus gây hội chứng viêm đường hô hấp cấp SARS từng là nỗi ám ảnh của các nước Châu Á năm 2003 khiến 8.273 người nhiễm bệnh và làm khoảng 800 người tử vong. Ở thời điểm hiện tại, tỷ lệ tử vong do virus MERS đã lên đến 30%, gấp ba lần tỷ lệ tử vong do SARS.

 

Để ngăn chặn lây nhiễm virus MERS, hãy nhớ rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, che mũi và miệng khi ho hoặc hắt hơi, tránh chạm tay vào mặt, mũi, miệng khi chưa rửa sạch, tránh tiếp xúc với những người có triệu chứng cảm cúm, thường xuyên làm sạch tay nắm, cánh cửa …, đảm bảo an toàn vệ sinh cho trẻ theo các hướng dẫn trên. Ảnh: mb.com.ph

Các triệu chứng ban đầu của MERS là sốt trên 38°C, ho, khó thở, viêm phổi, đau mỏi toàn thân và đi ngoài. Các triệu chứng lâm sàng này không có nhiều khác biệt so với triệu chứng SARS. Điểm khiến MERS được đánh giá là nguy hiểm chết người do virus MERS khiến người bệnh bị suy thận cấp. Thời gian ủ bệnh của MERS từ 2 – 14 ngày. Hiện chưa có vác xin hay phác đồ điều trị đặc hiệu cho loại virus này.

Theo giới chức y tế Ả Rập Xê Út, có 3 yếu tố quyết định đến tình trạng sức khỏe của các bệnh nhân nhiễm loại virus chết người này gồm: số lượng virus trong các bệnh nhân, các điều kiện chăm sóc y tế nói chung và tuổi tác của bệnh nhân cũng như khả năng miễn dịch của từng người.

Tổ chức Y tế Thế giới cảnh báo khả năng lây nhiễm MERS tại Việt Nam. Nếu phát hiện có các biểu hiện sốt, viêm đường hô hấp cấp không rõ nguyên nhân, cần tổ chức khám, cách ly, lấy máu xét nghiệm. Đặc biệt chú ý các trường hợp đến từ Trung Đông hoặc có tiếp xúc với người đến từ khu vực này. Tổ chức Y tế Thế giới cũng khuyến cáo người dân cần thận trọng cân nhắc các chuyến du lịch tới các nước vùng bán đảo Ả Rập.

Bài: Tahi
logo

Nghe nhạc – liệu pháp bổ não, giải trừ stress an toàn, hiệu quả và miễn phí



From the same category