Tỷ giá: Sóng nhỏ gây bão lớn

Cuối tuần qua, chỉ một lượng nhỏ ngoại tệ được các ngân hàng bán ra cùng những điều chỉnh trị giá nhỏ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về tỷ giá đã khiến cơn sốt tỷ giá nhanh chóng tan biến. Những xáo trốn khiến USD vượt qua mốc 21 ngàn và tăng kịch trần cũng chỉ là cơn sóng nhẹ sớm tan trên thị trường.

Trong khi đó, thực tế diễn biến trên thị trường từ các ngân hàng cũng cho thấy, trong những ngày tỷ giá biến động tăng cao thì khách hàng đổ xô đến mua USD nhưng ngay khi tỷ giá hạ thì khách hàng lại thưa vắng hẳn. Điều đó càng cho thấy, tỷ giá đang sốt ruột hơn là sốt vì nhu cầu thực chất.

Diễn biến này cũng hoàn toàn giống đợt sóng tỷ giá diễn ra ngay sau tết âm lịch khi có những đồn đoán về tăng tỷ giá, giá USD lên cao cả trong ngân hàng và thị trường tự do. Những chỉ sau khi Ngân hàng Nhà nước có những động thái sẵn sàng can thiệp thì giá đã giảm và việc mua bán trên thị trường cũng vì thế mà chùng xuống.

Giải thích việc này, giám đốc một ngân hàng lấy ví dụ, thị trường mới có dấu hiệu nóng lên do các tin đồn gây tác động tâm lý nhưng khi NHNN bán ra can thiệp thị trường khiến những tâm lý căng thẳng và kỳ vọng tăng tỷ giá được giải tỏa và thị trường lại êm. Nhưng chỉ chừng đó thôi cũng đã khiến DN chuốc lấy những khoản thiệt hại, còn thị trường lại thêm một phen dậy sóng vì những lý do không đâu.

Chính vì thế, chuyên gia lâu năm trong điều hành và kinh doanh tỷ giá Trương Văn Phước cho rằng vấn đề tỷ giá luôn nhạy cảm, thời gian qua do có những thông tin về tỷ được đề cập liên tục với nhiều ý kiến đề xuất tăng tỷ giá khiến thị trường băn khoăn. Tuy nhiên, theo ông Phước, nên bình tĩnh vì hiện nay lạm phát Việt Nam đã thấp xuống, giúp VND mạnh lên. Những yếu tố gây căng thẳng trước đây như nhập siêu, tác động từ thị trường vàng nay đã giảm. Chỉ còn yếu tố niềm tin của thị trường.

Và những diễn biến đảo chiều rất nhanh ngay sau khi có can thiệp của NHNN và những con số về dữ trữ ngoại hối ở mức cao kỷ lục được công bố cho thấy, yếu tố tâm lý đang là nhân tố chính gây bất ổn cho thị trường.

Rõ ràng, tỷ giá đang được giữ bình ổn trên một cơ sở chính sách nhất quán và các điều kiện về vĩ mô và kinh tế thuận lợi. Vấn đề còn lại được chính các chuyên gia và nhà quản lý nhắc đến chính là sự nhạy cảm và niềm tin trên thị trường này. Và những thông tin, đồn đoán vừa qua đã đánh đúng vào yếu tố này, gây nên những kỳ vọng không đáng có khiến thị trường nổi sóng. Vì thế, nhiều chuyên gia và lãnh đạo các ngân hàng cho rằng, đây đúng là kiểu tự làm rối mình rồi chuốc lấy những phiền toái và thiệt hại.

Ngay cả Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cũng nhấn mạnh : vấn đề trước mắt là cần tập trung kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Chưa cần thiết và chưa nên đặt vấn đề điều chỉnh tỷ giá khi xuất khẩu vẫn tăng khá và lạm phát vẫn còn không ít thách thức.

Trong hơn 1 năm qua, tỷ giá đã được NHNN điều chỉnh một cách chủ động và ổn định. Thống đốc NHNN đã hai lần cam kết ổn định tỷ giá và thậm chí công khai mức độ điều chỉnh tối đa trong năm qua để toàn thị trường biết và chủ động trong các kế hoạch của mình. Những cam kết đó đã được thực hiện bước đây gây dựng lên niềm tin của thị trường vào chính sách điều hành tiền tệ.

Lãnh đạo NNHNN thừa nhận, thách thức lớn nhất đối với chính sách tiền tệ đó chính là sự kỳ vọng quá lớn của thị trường. Tuy nhiên, những biến động tỷ giá do tâm lý rồi đổ xô đi mua do lo ngại về điều chỉnh tỷ giá trên những thông tin không chính thống mà bỏ qua những cam kết và cảnh báo của cơ quan quả là thứ kỳ vọng không đáng đó. Điều đó chỉ làm rối mình mà rối thêm thị trường.

Trong tình huống hiện nay, NHNN một lần nữa cho biết, Thống đốc NHNN đã đưa ra thông điệp về điều hành tỷ giá trong năm 2013 là ổn định, nhưng không cố định, nếu có dao động cũng chỉ khoảng 2 – 3%.

Theo đó, điều hành tỷ giá luôn là bài toán khó, đặc biệt là trong một nền kinh tế có độ mở lớn và hội nhập sâu như Việt Nam. Khi định đưa ra bất cứ chính sách nào về tỷ giá luôn phải phải cân nhắc nhiều yếu tố, trong đó có 5 yếu tố chủ chốt: định hướng điều hành của Chính phủ; định hướng điều hành chính sách tiền tệ; các yếu tố vĩ mô như diễn biến lạm phát, xuất nhập khẩu, nợ nước ngoài, đầu tư nước ngoài, cán cân thanh toán quốc tế…; diễn biến thị trường quốc tế, thị trường tiền tệ, ngoại hối trong nước, đặc biệt là diễn biến cung cầu ngoại tệ; Và kỳ vọng, đặc biệt kỳ vọng lạm phát.

Và một khi mọi thứ vẫn ổn, định hướng điều hành vĩ mô chưa thay đổi thì xem ra chưa có gì phải rối. Vì điều đó bất lợi trước hết cho chính các ngân hàng, DN và khách hàng. Nói như một DN xuất nhập khẩu, bây giờ chỉ mong mọi thứ ổn để chú tâm làm ăn vượt khó, chỉ cần một thông tin nhỏ sai lệch cũng khốn đốn đủ đường.

Theo Vietnamnet

From the same category