Như một ly nước ép dưa hấu tươi mát, “Twinkling Watermelon” đưa bạn trở lại thời thanh xuân đầy nhiệt huyết và hoài bão, song cũng đong đầy ý vị của tình bạn, tình yêu và tình cảm gia đình.
Đây là bộ phim giả tưởng xoay quanh nhân vật chính là một nam sinh, vì một sự kiện bí ẩn, đã có hành trình trở ngược về năm 1995 và gặp bố mẹ của mình. Đánh dấu sự tái xuất của biên kịch Jin Soo Wan sau 6 năm kể từ “Chicago Typewriter”, ngay từ khi lên sóng đài tvN, “Twinkling Watermelon” (Dưa hấu lấp lánh) đã nhận được nhiều sự chú ý. Vậy “Twinkling Watermelon” đã thu hút khán giả bằng cách nào khi khai thác chủ đề thanh xuân có yếu tố du hành thời gian đã không còn quá mới lạ trên màn ảnh Hàn?
Nhân vật chính của “Twinkling Watermelon” – Ha Eun Gyeol (Ryeoun) là một CODA (child of deaf adults – thuật ngữ chỉ những đứa trẻ bình thường trong gia đình có bố mẹ khiếm thính) được sinh ra với năng khiếu âm nhạc trời phú. Dù không phải bộ phim đầu tiên kể về người khuyết tật, “Twinkling Watermelon” lại là tác phẩm đầu tiên tập trung vào CODA, từ đó cho thấy điểm nhìn của họ khi luôn được coi là “người phiên dịch” giữa hai thế giới của người bình thường và người khiếm thính. Ha Eun Gyeol từ bé đã luôn được kỳ vọng là người mang trách nhiệm kết nối gia đình mình với cuộc sống bình thường, thực chất lại mang nhiều nỗi niềm khó giãi bày khi cậu cũng muốn theo đuổi ước mơ ca hát trong khi vẫn bị ràng buộc với trọng trách “phiên dịch viên” kia.
Từ cái nhìn đa chiều ấy, bộ phim đã khắc hoạ một lát cắt cuộc sống mà trong đó ai cũng có những nỗi lòng riêng. Thêm vào đó, phim còn xóa mờ đi những ranh giới và định kiến về người khiếm thính khi miêu tả cuộc sống của họ một cách sinh động, những khó khăn, mâu thuẫn và cả tủi thân khi phải cố gắng hoà nhập với xã hội. Điều này được miêu tả một cách khéo léo, giúp người xem thêm hiểu và cảm thông cho từng nhân vật. Để có được những cảnh quay chân thật nhất, các diễn viên đã phải học ngôn ngữ ký hiệu, đồng thời dùng hình thể, ánh mắt và giọng nói để hoàn thành vai diễn một cách trọn vẹn.
Các tình tiết của phim bắt nguồn từ mâu thuẫn của nhân vật chính Ha Eun Gyeol và gia đình khi cậu muốn theo đuổi đam mê âm nhạc của mình nhưng bị phản đối. Cao trào được đẩy lên qua phân cảnh Eun Gyeol và bố cãi nhau căng thẳng đến mức cậu đã nói một câu khiến bố tổn thương: “Làm sao con có thể thuyết phục bố khi mà bố không thể nghe được con chơi nhạc.” Những dằn vặt và hối hận của cả hai bố con dường như không có cách nào giải quyết vì giữa họ vẫn luôn có một bức tường ngăn cách.
Sau khi du hành thời gian về năm 1995 và gặp bố mẹ bằng tuổi cậu hiện tại, bắt đầu từ đây, Eun Gyeol mới biết được quá khứ mà bố mẹ chưa từng kể, rằng bố cậu không phải người khiếm thính bẩm sinh, còn mẹ cậu cũng đã từng có một gia đình chứ không giống như bà từng nói: “Mẹ gần như là trẻ mồ côi”. Trong khi giúp đỡ bố mẹ đến với nhau, đồng thời tìm hiểu bí mật đằng sau những bước ngoặt lớn trong cuộc đời họ, cậu thiếu niên kiêu hãnh đến từ tương lai đã nhận ra nhiều bài học cho mình để thấu hiểu những hy sinh của bố mẹ. Vừa là tình bạn, vừa là tình cảm gia đình, mối quan hệ giữa các nhân vật từ hai tuyến thời gian được xây dựng qua từng tập phim đầy xúc động mà cũng không kém phần dí dỏm.
Là phần không thể thiếu trong các bộ phim thanh xuân, tình bạn và tình yêu tuổi học trò chính là một màu sắc tươi sáng chính trong “Twinkling Watermelon”. Vừa có yếu tố hài hước xen lẫn ngọt ngào của tuổi mới lớn, mối quan hệ giữa Ha Lee Chan (Choi Hyun Wook) và Yoon Cheong Ah (Shin Eun Soo) (bố mẹ của Eun Gyeol thời trẻ) khiến người xem không khỏi cảm thán bởi tình yêu quá đỗi dễ thương của họ. Lee Chan được ưu ái gọi là “green flag” (cờ xanh) chính hiệu nhờ vào cách thể hiện tình cảm trong từng hành động và lời nói, chẳng hạn như quan tâm Cheong Ah từng chút một, cố gắng học ngôn ngữ ký hiệu để giao tiếp với cô,…
Mối quan hệ giữa Ha Eun Gyeol và Choi Se Gyeong (Seol In Ah) cũng là tuyến tình cảm được yêu thích bởi hai nhân vật có sự tinh nghịch dễ thương khi cùng là hai người xuyên không về quá khứ. Trong khi Eun Gyeol nỗ lực đưa bố mẹ đến với nhau để mình được sinh ra thì Se Gyeong lại đang tìm cách theo đuổi Lee Chan thời trẻ để bản thân không còn được sinh ra trên đời. Những tình huống dở khóc dở cười khi cả hai cùng muốn thay đổi quá khứ không những không khiến họ ghét bỏ nhau mà ngược lại, chính là chất xúc tác cho tình yêu nảy nở.
Phim không quy tụ những cái tên đình đám, song dàn diễn viên trẻ thực lực đã chứng minh được sức hút của mình nhờ khả năng truyền tải cảm xúc đa dạng và sự nhập vai hoàn hảo với từng nhân vật. Yoon Cheong Ah là một vai diễn khó, hầu hết thời lượng phim diễn viên Shin Eun Soo phải dùng ngôn ngữ ký hiệu và biểu cảm gương mặt, thay vì lời thoại thông thường. Nhưng cô đã để lại ấn tượng tốt khi khắc họa một Cheong Ah tràn đầy sức sống tuổi trẻ bên cạnh những phân đoạn đầy xót xa khi bị bạo hành gia đình.
Sau khi bộ phim phát sóng, dàn diễn viên chính đã nhận được nhiều lời khen ngợi từ khán giả và được kỳ vọng sẽ là thế hệ diễn viên trẻ đầy tiềm năng của màn ảnh Hàn Quốc.
“Twinkling Watermelon” chính là một món ăn tinh thần chữa lành có đầy đủ các yếu tố từ hài hước, lãng mạn đến cảm động. Khai thác hiệu quả những chất liệu cũ, biên kịch đã kể một câu chuyện giả tưởng nhưng rất chân thật khiến người xem đều có thể đồng cảm. Thông điệp đầy tính nhân văn về tuổi trẻ, gia đình và tình cảm giữa người với người được thể hiện một cách hài hoà, góp phần giúp “Twinkling Watermelon” trở thành một bản nhạc êm đềm tươi sáng giữa vô vàn kịch tính của phim ảnh Hàn trong năm nay.