Tuyệt chiêu dạy con ngày Tết

Tiến sĩ Vũ Thu Hương (giảng viên Khoa Giáo dục Tiểu học, Đại học Sư phạm Hà Nội) liệt kê ra vài tình huống dở khóc dở cười mà con trẻ có thể gây ra trong ngày Tết cùng những “tuyệt chiêu” xử lý để các bậc cha mẹ tham khảo:

Tình huống 1: Bé “đại náo” bàn ăn

– Điểm danh sự cố: Bạn đưa bé đến nhà người thân, bạn bè chúc Tết, thấy có bánh kẹo ngon, bé liền “chộp” lấy, có khi còn giành giật với trẻ con nhà khác và… làm ầm lên, tranh nhau chí chóe.

Bí quyết hóa giải: Nếu gặp phải tình huống này, ba mẹ nên có những hành động gây chú ý đột ngột để thu hút các bé. Chẳng hạn, bạn có thể bất ngờ đập 2 tay vào nhau, sau đó đánh lạc hướng của các bé bằng những lời nói hay hoạt động hấp dẫn khác.

Sau khi về nhà, bạn thử đề nghị bé tự đánh giá bản thân về hành động vừa rồi, hỏi bé: “Nếu con là chủ nhà thì con có cảm thấy buồn không?”. Từ đó, bé sẽ hiểu ra sự việc và ứng xử hợp lý. Trong cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày, bố mẹ cũng cần uốn nắn con những hành vi lịch thiệp, lễ độ.

 

Tình huống 2: Một mực “đòi” khách lì xì

– Điểm danh sự cố: Khách đến thăm, bé cứ nhắc mãi: “Cô, chú… lì xì cho con đi!”.

Bí quyết hóa giải: Ba mẹ nên đánh lạc hướng trẻ bằng một câu bông đùa, kiểu: “Vậy con đã “lì xì” cho bác/cô/chú… cái gì chưa nào?”. Sau đó, bạn có thể nhờ con vào trong lấy kẹo, mứt ra mời khách thay cho quà lì xì.

Để không phải rơi vào tình huống khó đỡ này, ba mẹ nên dạy trẻ ý nghĩa của việc lì xì ngày Tết và những giá trị tinh thần truyền thống khác.

Tình huống 3: “Cố thủ” tiền mừng tuổi

– Điểm danh sự cố: “Thu hoạch” từ tiền lì xì của bé khá đáng kể. Tuy nhiên, trẻ cứ khư khư không chịu đưa số tiền đó cho ba mẹ cất giữ giúp. Bạn phải làm sao?

Bí quyết hóa giải: Để tránh cho bé hiểu lầm là ba mẹ đang “tịch thu” tiền của mình, bạn nên nhẹ nhàng “bàn bạc” với con về phương thức sử dụng số tiền lì xì đó sao cho hợp lý. Ba mẹ có thể đề nghị trẻ cho tiền vào heo đất và cất đi để sau Tết thực hiện kế hoạch đã đặt ra từ trước. Với cách ứng xử như vậy, trẻ sẽ rất vui vẻ thực hiện mà không có chút bực bội nào.

Tình huống 4: Trẻ “im lìm”

– Điểm danh sự cố: Ngày Tết, bạn dẫn bé đi thăm bà con, hàng xóm… vậy mà ai hỏi gì bé cũng chẳng thèm trả lời.

Bí quyết hóa giải: Ba mẹ có thể “gỡ gạc” bằng cách nói: “Chíp Bông/Cà Rốt… của ba đang buồn gì nè, nói cho cô/bác/chú… nghe đi!”. Sau đó, ba mẹ nên lặp lại câu nói của khác, sự nhẹ nhàng, vui tươi của ba mẹ sẽ tạo động lực cho bé… lên tiếng. Cũng có thể bé đang có điều gì đó không vui hay sợ người lạ, điều quan trọng là ba mẹ tạo niềm vui, tâm trạng thoải mái cho con trước lúc đi chơi. Cần dạy con cách chào hỏi người lớn, có thể dạy thêm cho con những câu chúc Tết ngộ nghĩnh, đáng yêu để con có dịp “trổ tài” trong năm mới…

Hoài An
Theo Thế giới gia đình 

From the same category