Tuyệt cảnh Hàng Châu hiện lên sống động trong thước phim giới thiệu BST CHANEL Métiers d’art 2024/25

Thiên nhiên tuyệt mỹ của Hàng Châu (Trung Quốc) hiện lên tựa áng thơ trong trẻo, mặt nước lấp lánh hòa quyện cùng sắc hương đất trời. Có lẽ vì thế mà CHANEL đã chọn nơi này để viết tiếp nên câu chuyện thời trang của mình. Bộ sưu tập (BST) CHANEL Métiers d’art 2024/25 không đơn thuần là một chương mới trong hành trình kiến tạo di sản của nhà mốt lừng danh nước Pháp, mà còn là bản hòa ca giữa nghệ thuật thủ công và tinh hoa sáng tạo vượt thời gian.

chanel metier dart 2024-25 - 2
Buổi trình diễn BST CHANEL Métiers d’art 2024/25 sẽ diễn ra vào ngày 3/12.

Hồ Tây tại Hàng Châu, Trung Quốc, sẽ chứng kiến buổi trình diễn CHANEL Métiers d’art 2024/25. Vượt khỏi khái niệm của một sự kiện thời trang, Hàng Châu – nổi tiếng với truyền thống lụa lâu đời – trở thành bức tranh nền sống động, nơi những lý tưởng và sáng tạo của thương hiệu thời trang cao cấp đến từ Pháp được thêu dệt, đồng thời bày tỏ lòng tri ân đối với nghệ thuật thủ công và tinh hoa sáng tạo. Trong từng thước phim của Wim Wenders, vẻ đẹp của cảnh sắc nơi đây hiện lên đầy dịu dàng, tựa bức tranh sơn thủy sống động khiến người ta khó có thể rời mắt. Bộ phim còn có sự tham gia của các đại sứ CHANEL: Tilda Swinton, Xin Zhilei, và Leah Dou.

Hồ Tây từ lâu đã là biểu tượng của sự lãng mạn và thi vị, như chiếc nôi linh thiêng nuôi dưỡng nguồn cảm hứng bất tận cho các thi nhân và nghệ sĩ. Nét đẹp diễm lệ của những làn nước gợn sóng, cây cầu duyên dáng bắc ngang dòng sông mơ màng, cùng các ngôi chùa cổ kính e ấp giữa thiên nhiên tĩnh lặng, tất cả tựa bản tình cả nhẹ nhàng đưa người ta vào cõi mộng. Chính vẻ đẹp ấy, nay trở thành chất liệu để nhà sáng lập Gabrielle Chanel giải phóng niềm cảm hứng sáng tạo của mình. Dù chưa từng đặt chân đến Trung Quốc, Gabrielle đã cảm nhận vẻ đẹp của nơi đây qua chiếc bình phong sơn mài Coromandel quý giá, một bảo vật bà yêu đến nỗi từng gọi đó là “niềm hạnh phúc ngây ngất”.

chanel metier dart 2024-25 - 1

Gabrielle từng chia sẻ: “Tôi như ngất ngây trong hạnh phúc mỗi khi bước vào cửa hàng đồ cổ Trung Quốc và thấy một chiếc Coromandel” khi nói về chiếc bình phong sơn mài Coromandel – một trong khoảng 20 tác phẩm quý giá từ thế kỷ 17 đến 19 mà bà dành cả đời để sưu tầm. Giữa không gian làm việc của nhà sáng lập CHANEL tại Rue Cambon, chiếc bình phong nổi bật với sắc nước hương trời nơi Hồ Tây, với từng chi tiết được thể hiện một cách tinh tế và đầy sống động. Đối với bà, những hình ảnh trên bình phong không chỉ khơi dậy những giấc mơ sáng tạo mà còn là cầu nối đưa bà đến gần hơn với một nền văn hóa xa xôi. Bộ phim là hành trình kết nối cảm xúc giữa Hồ Tây và Gabrielle Chanel. Câu chuyện bắt đầu tại ngôi nhà giữa lòng Paris, nơi mà mỗi ngày bà đều chiêm ngưỡng vẻ đẹp của Hồ Tây qua chiếc bình phong sơn mài Trung Quốc ấy.

Chiếc bình phong chính là khởi nguồn của sự sáng tạo. Bộ phim dẫn dắt Gabrielle và cả người xem bước vào một thế giới sống động, nơi cuộc sống diễn ra trên mặt hồ lấp lánh, men theo từng làn gió thổi qua hàng cây, các con kênh, cầu và chùa chiền. Một điều thú vị là những hình ảnh này không chỉ là nguồn cảm hứng sáng tạo của Gabrielle, mà còn được bà đưa vào các thiết kế từ thập niên 1950 và 1960. Cho đến nay, Hồ Tây vẫn tiếp tục là nguồn cảm hứng cho những mộng mơ và những câu chuyện bất hủ.

chanel metier dart 2024-25 - 3

Từng góc máy của Wim Wenders theo gót chân Gabrielle, nơi cảm hứng sáng tạo của bà được chiếc bình phong dẫn lối. Chiếc bình phong của Gabrielle Chanel không đơn thuần là một hiện vật cổ, mà được tái hiện như một cửa sổ kỳ diệu mở ra một thế giới mới. Qua lăng kính của công nghệ hiện đại như màn hình laptop và máy quay, vẻ đẹp Hồ Tây như khoác thêm cho mình một tấm áo, cùng CHANEL kể lại một câu chuyện mới. Giấc mơ xưa hòa quyện với nhịp sống hiện đại, như chính Hàng Châu – thành phố đương đại mang trong mình sự giao thoa giữa truyền thống và đổi mới. Bộ phim khéo léo mở ra cuộc đối thoại xuyên không gian và thời gian, nơi quá khứ và hiện tại, mộng tưởng và thực tế gặp gỡ, cùng khơi dậy niềm cảm hứng, sự tò mò và mở ra những chân trời đầy hứa hẹn.

Bộ phim của Wim Wenders không chỉ là lời tôn vinh nghệ thuật thủ công, mà còn mở ra không gian nơi những câu chuyện từ quá khứ “thì thầm” cùng nhịp sống hiện đại. Qua hình ảnh, cảm xúc và sự kết nối văn hóa, BST CHANEL Métiers d’art 2024/25 tựa như một lời gợi mở: trong thời trang cũng như trong cuộc sống, chính sự kết nối và trí tưởng tượng sẽ dẫn dắt con người vượt qua mọi giới hạn, và chạm đến vẻ đẹp đích thực của thế giới.


From the same category