Cơ thể tựa điêu khắc – Trang phục như dòng nước
Nhắc tới lịch sử thời trang may đo cao cấp haute couture của Pháp, sẽ vô cùng thiếu sót nếu không nhắc đến cái tên Madeleine Vionnet. Bà là khởi nguồn của nhiều mẫu thiết kế kinh điển mà ở chúng, hình dáng của trang phục chỉ có thể thể hiện ra qua đường cắt may của những người thợ lành nghề nhất.
Có thể lấy câu chuyện này để nói về tầm ảnh hưởng của Vionnet: tương truyền rằng chính nhà may mang tên bà nằm ở số 222 phố Rivoli đã cởi bỏ thành công chiếc corset cứng nhắc ra khỏi cơ thể người phụ nữ. Tuy nhiên, đối với các sử gia thời trang, khó có thể xác định ai là người tiên phong cho việc này. Kẻ thì nói có lẽ là Coco Chanel, người bảo Vionnet mới chính là nhân tố tạo cách mạng, nhưng từ đầu thế kỉ 20, trong tranh của các họa sĩ người Áo như Gustav Klimt, các cô gái đã xuất hiện một cách phóng túng không corset rồi. Hay một minh chứng khác: Azzedine Alaïa – nhà thiết kế được xem là bậc thầy của thời trang đương đại từng nhận định: “Bà (Vionnet) là nguồn cội của tất cả, là mẹ của tất cả chúng ta”. Vậy Vionnet là ai? Tại sao nhà mốt huyền thoại lại vắng bóng suốt nhiều thập kỉ dù nó từng thành công đến vậy?
Kể từ khi mở cửa năm 1912, House of Vionnet (nhà mốt Vionnet) tồn tại được gần 4 thập niên thì phải đóng cửa do suy thoái kinh tế ảnh hưởng từ hai cuộc thế chiến. Vionnet là nhân chứng của lịch sử huy hoàng và chóng vánh của haute couture tại Châu Âu trong giai đoạn nửa đầu thế kỉ 20. Sau khi nghỉ hưu, Vionnet vẫn giữ gia tài quý giá gồm bộ lưu trữ 120 mẫu váy quan trọng nhất do bà thiết kế trong thập niên 1920 và 1930. Trong đó, cách mạng nhất là lối cắt vải xéo (bias cut) khiến bề mặt vải co dãn hơn, ôm ấp một cách tự nhiên cơ thể người mặc. Hãy đặt mình là một phụ nữ phương Tây thời bấy giờ, khi trang phục bình thường gồm rất nhiều lớp áo váy, cộng thêm corset, nịt bụng…, sự xuất hiện của một bộ đầm vừa sang trọng lại vô cùng thoải mái, có thể dễ dàng mặc bằng cách chui đầu quả là một cú thay đổi ngoạn mục về thẩm mỹ và sự tiện ích! “Bias cut” bị quên lãng khi nhà mốt Vionnet chìm vào quá khứ, cho tới thập niên 90, nó được John Galliano hồi sinh trên sàn diễn thời trang và trở nên phổ biến khắp thế giới.
Hiểu rằng việc sáng tạo là lao động quý giá, sự phức tạp, cầu kì của trang phục nằm ẩn trong từng mũi khâu, nút đính, Madeleine Vionnet tôn trọng và đối xử rất tốt với toàn thể nhân viên của mình. Vào thời kỳ hưng thịnh nhất, nhà mốt Vionnet thuê cả ngàn người cùng làm việc và luôn nổi tiếng với mức lương, chế độ đãi ngộ xứng đáng. Đồng thời, bà kịch liệt phản đối việc ăn cắp mẫu mã và tôn thờ tính riêng biệt. Thậm chí, bà đã nghĩ ra cách in dấu vân tay của mình lên mác nhằm tránh giả mạo. Kiên định trên con đường haute couture, kháng cự lại thị trường thay đổi khốc liệt để rồi thất vọng, đây chính là lý do góp phần vào quyết định “về hưu” sớm của Madeleine Vionnet. Hơn 50 năm sau, khi mua lại quyền tái sinh thương hiệu Vionnet, nữ tài phiệt Goga Ashkenazi trình làng dòng sản phẩm demi-couture, với mức giá chỉ bằng một phần nhỏ thời trang haute couture truyền thống. Vionnet thời hiện đại đã “dân chủ hóa” haute couture bằng cách cắt giảm số lần thử đồ (fitting) hay thậm chí không cần lấy số đo mà dựa vào việc chuẩn hóa kích cỡ như đồ may sẵn. Vậy là, demi-couture trở thành thế hệ tiếp nối “gene” haute couture – và Vionnet không đơn thuần là huyền thoại của quá khứ, mà đã trở thành một thể chế hay hệ thống để khơi nguồn và kế thừa.
Bản thân là bậc thầy về xử lý vải vóc qua các tác động vật lý căn bản nhưng cần chuyên môn cao như cắt, dập, xếp nếp tinh vi, Madeleine Vionnet đánh giá thấp những người như Gabrielle “Coco” Chanel, cho rằng Chanel chỉ có kiến thức về… mũ thôi! Nhưng chính Coco mới là kẻ trụ lại lâu bền trên chiến trường thời trang hơn cả. Điểm mạnh gì đã khiến nhà mốt haute couture Chanel trường tồn?
Người tạo xu hướng trước thời đại
Sinh ra trong hoàn cảnh khốn cùng, bị cha đẻ ruồng bỏ, lớn lên ở trại trẻ mồ côi hà khắc, nhưng cô gái trẻ Gabrielle Chanel không chấp nhận đầu hàng số phận. Lấy biệt danh Coco khi làm việc ở quán bar, có lẽ Gabrielle không ngờ rằng cái tên vừa ngọt ngào dễ nhớ lại vừa thách thức này sẽ mở đầu trang sử mới cho một huyền thoại. Bằng sự trợ giúp tài chính của nhiều tình nhân, từ sâu đậm như ngài Boy Capel – nhân vật được khắc họa qua vô số bộ phim tiểu sử về nhà thiết kế Pháp, tới những quý ông giàu có và cả sĩ quan cấp cao của quân đội Đức khi chiếm đóng nước Pháp, bà dần xây dựng thương hiệu Chanel thành một đế chế, với hơn 2000 nhân công tham gia chế tác trang phục, nước hoa và nữ trang.
Nghĩ tới nhà mốt Chanel, giới nữ bị cuốn hút bởi chính cô nàng sành điệu Coco Chanel. Phụ nữ Paris đều muốn sang trọng mà thật “chic”, đầy chất chơi như Coco. Họ muốn có vóc dáng thanh mảnh kiểu khỏe khoắn, làn da ửng nắng do du lịch và nhiều hoạt động ngoài trời. Có thể nói, Chanel là một trong những hãng thời trang đầu tiên sử dụng phong cách sống, thái độ sống làm tiền đề quảng bá thương hiệu. Điều này khác hẳn với Madeleine Vionnet – một phụ nữ kín tiếng và rất ít ra mặt trước công chúng, kể cả gặp gỡ khách hàng. Haute couture của Chanel không được biết đến bởi đường cắt hay kĩ thuật đột phá, mà người ta bỏ tiền mua các thiết kế của Chanel vì họ muốn đuổi kịp xu hướng, họ muốn trở thành Coco.
Coco Chanel là mẫu hình phụ nữ mạnh mẽ, luôn muốn phá vỡ khuôn mẫu và lập ra tiêu chuẩn mới. Thế nên, những xu hướng tạo ra bởi Coco, thứ mà ngày nay đã trở thành kinh điển, luôn gây chấn động phương Tây vào gần 100 năm trước. Phong cách haute couture mang tính thể thao “sportif chic” với chất liệu vải thun jersey, thái độ bất cần khi phụ nữ cũng mặc quần như nam giới, chiếc váy đen ngắn “little black dress”, bộ suit bằng vải tweed hay nước hoa No.5 là một vài dẫn chứng tiêu biểu. Xuyên suốt nhiều thập niên, Coco Chanel đã tạo dấu ấn với đặc tính “poverty de luxe” – khái niệm thời trang cao cấp mà Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan ở New York dùng để chỉ các mẫu thiết kế đơn giản, sử dụng chất liệu khiêm tốn, thậm chí có gốc gác bình dân.
Điều này nghĩa là gì? Hãy thử điểm lại những phong cách đặc trưng của nhà Chanel: vải jersey trước đây để may quần lót cho nam giới nay dệt bằng sợi len dùng may áo khoác, váy đầm, quần tây; “little black dress” đơn giản chỉ là bộ đầm vải jersey sợi lụa và len màu đen quá gối một chút, tay dài với chi tiết thắt lưng lấy cảm hứng từ quân phục và đồ cưỡi ngựa của nam; hay bộ âu phục áo khoác kèm đầm bằng vải tweed lấy cảm hứng từ loại vải may trang phục thể thao ngoài trời của các công tước Anh nhưng được cách tân bằng cách pha thêm sợi lụa và vải bông. Và dù thiết kế có khởi điểm tầm thường, Coco luôn biết cách nâng tầm chúng lên cho đạt chuẩn thời trang may đo cao cấp, bằng việc cải tiến chất liệu hay chăm chút từng đường kim mũi chỉ, xếp ly váy,… đúng chuẩn haute couture.
Tên tuổi Coco Chanel mãi trụ vững như tượng đài. Thương hiệu bà gây dựng nay là một trong những nhà mốt hùng mạnh và hoạt động độc lập, không thuộc sở hữu của bất cứ tập đoàn đầu tư nào, như rất nhiều thương hiệu lâu đời khác. Điều này làm ta nhớ tới bản chất tự chủ, luôn đấu tranh của người phụ nữ này. Khi còn trẻ, bà hết mình nỗ lực tạo dựng Chanel. Năm 1953, sau một thập niên ở ẩn, ở tuổi 70, bà quay lại Pháp để tham gia cuộc đua tranh gay gắt với các đồng nghiệp nam như Christian Dior hay Cristóbal Balenciaga. Mã gene bền bỉ ấy có lẽ đã lan truyền tới hậu duệ của nhà mốt Chanel. Giám đốc sáng tạo Karl Lagerfeld giờ đây dù đã bước qua tuổi 80 vẫn luôn ngùn ngụt năng lượng sáng tạo.
COUTURE LADIES
Tại Ả Rập, trước khi mùa cưới bắt đầu vào tầm tháng 10, các quý cô sẽ nô nức kéo về Paris, sắm sửa cho mình hàng chục bộ đầm dạ hội sang trọng bậc nhất để tỏa sáng trong các bữa tiệc kín của giới thượng lưu và hoàng gia. Những bộ đầm tinh xảo được làm hoàn toàn bằng tay bởi nhà tạo mẫu và đội ngũ thợ thủ công lành nghề, từ khâu nhỏ nhất như viền ve áo tới đính hạt pha lê, lông vũ hay thêu cầu kì. Nhưng quan trọng hơn cả, cái danh tính đảm bảo cho thẩm mỹ và chất lượng kiệt xuất ấy đủ khiến người ta chi trả từ ba nghìn tới cả trăm nghìn, thậm chí triệu đô cho một bộ trang phục. Nó chính là “dấu mộc” chứng nhận cấp độ “haute couture” của nhà mốt.
Liệu haute couture có thực chỉ là một sự xa xỉ đến vô lý? Hay đằng sau nó ẩn chứa một niềm đam mê đến hoàn hảo “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh” của thời trang? Mặt khác, haute couture hướng đến đối tượng khách hàng nữ giới, nhưng nếu người đứng sau những trang phục kiêu sa đó – nhà tạo mẫu – cũng là phụ nữ, thì liệu họ có trụ vững nổi trong dòng sản phẩm khắt khe này?
Chuyên mục “Fashion Stories” kỳ này sẽ đi tìm câu trả lời cho thắc mắc ấy, thông qua những câu chuyện về một số nhà tạo mẫu nữ hàng đầu thế giới, trải dài từ nửa đầu thế kỉ 20 khi dòng thời trang haute couture vẫn còn thịnh vượng tới thời điểm hiện tại.