Tưởng vậy mà khác

Trên chuyến tàu của mình, nữ đạo diễn Việt Linh hẳn đã dừng chân ở nhiều ga xép như vậy. Và, đôi khi, chị muốn chia sẻ cùng chúng ta…




Chiều nay, bạn tới nhà chơi. Bạn hỏi mượn dép để thay đôi giày nặng mùa đông cho thoải mái. Chị mang dép ra, đột nhiên bật cười. Bạn hỏi tại sao cười. Chị nói nhìn bạn lui cui tự dưng nhớ chuyện xưa – chuyện làm phim ở một vùng quê lầy lội: Bốn ngày liền, cứ tinh mơ mấy chục con người lại rời phố ra quân, để hai tiếng sau tới đích. Xe nhàn nhã tập kết ven lộ, người hì hục cuốc bộ vô điểm quay, đến khi trời tắt nắng thì lội ra, hồi phố. Lần nào trông thấy chị, anh tài xế xe hợp đồng cũng nhiệt thành đưa chị xô nước rửa chân. Cảm động quá sức, ái ngại quá thể. Lần thứ ba, chị khoát tay cảm ơn: “Ôi, không cần đâu anh, cực anh quá”. Anh tài xế tốt bụng nghe vậy bèn… mếu: “Chị kính yêu ơi, để xe dính đất tui còn… cực hơn”. Haha, thì ra là việt vị, thì ra người tốt bụng sợ xe dính đất! Xúc cảm bộp chộp của đạo diễn thành giai thoại vui cho cả đoàn.

Lại nhớ hồi đi học điện ảnh ở Nga, trong lớp chị có một bạn nam người Mông Cổ vui tính, nhưng cũng hơi… dễ tính. Một lần, như mọi sinh viên ngoại quốc khác, anh về nước làm phim bài khóa, và mang sang trình chiếu bộ phim 10 phút tuyệt vời. Phim kể về ông già đau tim sống cô độc trong chung cư. Một lần lên cơn mệt, ông lê ra cửa kêu cứu. Gặp cậu bé láng giềng đi học ngang qua, ông nhờ bé gọi giúp ai đó. Cậu bé sốt sắng chạy lên nhà, nhưng khi cha mẹ cậu sốt sắng tới nơi thì ông già đã qua cơn mệt, tỉnh queo, khiến đứa bé bị cha mẹ nghi hoặc. Lần khác, ông mệt nhiều hơn, gọi điện thoại kêu cấp cứu. Khi xe tới nơi ông già không đi nổi ra mở cửa, tay cầm khóa, chân lê lết, nhưng vẫn cố làm ra giọng khỏe: “Xin chịu khó chờ một chút, tôi đang kiếm chìa khóa”. Cứ vậy, ông vừa nói, vừa… bò. Phim hết. Cả lớp vỗ tay tán thưởng. Thầy khen phim sâu sắc, nói lên được ý tưởng che giấu thực trạng. Trò khen phim tinh tế, sửng sốt trước thâm tài của bạn. Bạn còn sửng sốt hơn, rằng tại sao mọi người lại suy nghĩ phức tạp, lâm ly như thế? Rằng tôi làm phim này đơn giản vì ông già bệnh tim ở ngay sát nhà tôi, quay quá tiện, ít tốn kém. Cả lớp xẹp hứng, cười ngả nghiêng.

Nhưng có những lầm lẫn không cười được.

Đó là chuyện con trai xuống tóc khi chia tay với người yêu. Mẹ xót con đau khổ, cầu mong vết thương con mau lành. Nhưng vết thương con ở nơi khác: Người yêu con phản bội mà không muốn cho ai biết. Con mã thượng nam nhi hứa không nói ra, nhưng người yêu con vẫn lo. Con thề độc nhưng người yêu con vẫn sợ. Để trấn an người yêu, con vừa thề, vừa hứa bằng cách… cạo đầu.

Đó là chuyện một nữ sinh 15 tuổi người Anh chết oan vì bác sĩ nhầm bệnh lao phổi với “bệnh tương tư”. Tin kể rằng cô bé Alina Sarag đã tới gặp năm bác sĩ ở bốn bệnh viện khác nhau, nhưng không ai phát hiện ra căn bệnh y học hoàn toàn có thể cứu chữa. Cha mẹ Alina đã từng gọi hơn 50 cuộc điện thoại tới bác sĩ của cô bé, trình bày tình trạng khó thở của con gái suốt 5 tháng trước khi bé qua đời. Trước tòa, bác sĩ riêng của Alina, tiến sĩ Sharad Shripadrao Pandit còn lên án ba mẹ cô bé quá chiều chuộng con, đoan quyết mọi triệu chứng ở Alina là do cô “nhớ nhung một chàng trai”. Cha Alina kể bác sĩ luôn hỏi con ông có gặp ai trong kỳ nghỉ không, có nhớ nhung không. Cứ thế bác sĩ xoay quanh ý nghĩ Alina đang tương tư một chàng trai, rằng sự mệt mỏi xuất phát từ trong đầu, khuyên cha mẹ cô bé đưa con tới gặp bác sĩ tâm lý. Theo hồ sơ, Alina nhiễm lao lần đầu tiên năm 2009 từ một nữ sinh cùng trường. Được chữa trị hồi phục nhưng tới tháng 7/2010, sau chuyến đi nghỉ cùng gia đình ở Pakistan, cô bé lại tiếp tục xuất hiện các triệu chứng bệnh. Cô bé đáng thương lần lượt được đưa tới bốn bệnh viện nhưng không nơi nào xác định bệnh lao đã có tiền sử, thay vào đó, các bác sĩ cho rằng cô mắc bệnh tương tư. Ngày 6/1/2011, sau bao đau khổ, căng thẳng, Alina Sarag qua đời khi nhập viện khẩn cấp do một cơn khó thở nặng. Chị nhớ mình cũng khó thở khi nhìn gương mặt có nụ cười tươi của cô bé tuổi tròn trăng. Vậy mà trăng mãi mãi đã thôi không tròn nữa…

Viết tới đây, thốt dưng chị nhớ tới bài thơ (tưởng) ngắn, và (tưởng) vui của nhà thơ trẻ Trương Quế Chi. Bài thơ có tên (tưởng như) rất nhẹ nhàng “Giấc mơ chim sẻ”.

Qua bầu trời



Chỉ thấy cánh những con chim sẻ



Bay như những người rối trí



Chết



Vì tưởng nhầm tường kính là đám mây



Chết



Vì tưởng nhầm cột điện bê tông là cành khô mùa đông



Chết



Vì tưởng nhầm con người là rừng cây



an toàn



Những con chim sẻ



Thoát nạn



Nâng cánh cao cùng gió



Là những con chim sẻ bị mù bẩm sinh.

Bài: Việt Linh



From the same category