Tưởng rằng đã quên

“Lãng quên là một giá trị cơ bản, tồn tại trong bản chất của nhân loại. Phủ nhận hay từ chối quyền được lãng quên chính là đang nuôi dưỡng một con người bằng sự hối hận, tương lai chỉ quẩn quanh trong chính quá khứ của họ, và như thế đã dựng lên một bức tường không có lối thoát cho cá nhân đó”.

P. Kayser

Quên tình

Đôi yêu đương thường thi thoảng bị thất cái tình, thi thoảng lại nức cái nở lên rằng: “Người ơi, khi cố quên là khi lòng nhớ thêm. Dòng đời là chuỗi tiếc nhớ, mơ vui là lúc ngàn đắng cay, xé tâm hồn. Tàn đêm, tôi khóc khi trời mưa buồn hắt hiu. Lòng mình thầm nhớ dĩ vãng, đau thương từ lúc vừa bước chân, vào đường yêu”.


Đấy, nghe có tan nát cõi lòng không, có đáng nức nở trong đêm canh thâu mưa vắng đèn vàng hiu hắt trên đường. Có người con gái giống như bà rùa đan áo đến ba mùa vẫn chưa xong một cái áo, bà chả cần nhớ đến thời gian, đến ngoại cảnh, đến cái người mà bà đan áo giờ ra sao, bà chỉ cần nhăm nhăm hoàn chỉnh một cái áo cho đến khi nào nó hoàn thành.

Và cái người con gái, cứ mỗi mùa đông đến đan áo cho người yêu. Chẳng biết sau này, lấy chồng, cô có bị quên cách đan áo, thôi thay thế bằng đi mua sẵn cho chàng mấy cái áo hiệu chẳng thích hơn à?

Cái đôi tình nhân trong bài “Tan vỡ” của Dư Thị Hoàn, tiêu biểu cái những đôi tình thời… xửa. Họ yêu nhau trên ghế đá (giờ cũng có, nhưng ít hơn). Cái anh đàn ông vốn là người “đểnh đoảng” hay quên. “Mở ngăn kéo rồi anh bỏ ngỏ/Bút viết xong không đậy nắp bao giờ/Ôi anh yêu, lơ đãng đến là/Con nai rừng của em…”. Nhưng thôi, trong con mắt người đang yêu, thì thôi cái sự quên vặt vãnh ấy chả chấp làm gì, thậm chí, chàng còn được nàng coi là… nai cơ mà!

Chưa hết, sự tan vỡ đã đến khi chàng mắc cái bệnh quên, lần này, cái quên rõ đau đớn, rõ… trọng đại: “Tất cả rồi dễ qua đi, qua đi/Chúng mình rồi sẽ thành vợ thành chồng/Nếu không có một lần/Một lần như đêm nay/Sau phút giây/Êm đềm trên ghế đá/Anh không cài lại khuy áo ngực cho em…”

Cái quên này chính là cái quên biểu hiện mức độ tình cảm. Ai bảo vô tâm vô tính, qua cái giây phút êm đềm với nhau trên ghế đá, chàng để mặc nàng loay hoay một mình với tay ra đằng sau, tự móc lại áo ngực cho mình. Có chút gì đó hơi bẽ bàng, hơi ngượng ngùng, và hơi buồn.

Có những điều cần nhớ, nhưng cũng có điều phải quên. “Tưởng rằng đã quên” nhưng mà… cứ hãy đợi đấy, vì… “tim đau yếu mềm”.

Có thể lúc đó chàng đang ngả người ra đằng sau thành ghế khi đã thỏa mãn rồi. Còn để ý gì nữa đâu. Đó là sự khởi đầu, cũng là sự kết thúc. Mà sau này mỗi lần nhớ lại, cái sự tan vỡ ngọt ngào ấy lại không khỏi thêm chút vị ngậm ngùi.

Cái tình là cái chi chi, “ngỡ đâu tình đã quên mình” mà sao đến giờ vẫn khó quên thế, vẫn thi thoảng gây hấn bằng trí nhớ, bằng lời nói gió thoảng đưa xa với nhau, “tưởng rằng đã quên, nhưng tim yếu mềm”. Ôi các nghệ sỹ đã nói như vậy, khó có thể… sai. Tự nhiên lúc khó quên, lại thấy thương những kẻ có trí nhớ… phi thường. Mà thôi, có lẽ, họ đã sử dụng cái trí nhớ đó cho những việc hữu ích khác. Chẳng còn tâm trí nào mà… đau với… thương.

Quên mình

Hôm nay nhiều việc quá, quên cả đi “ấy” (lậy giời, may chữ tiếng Việt ta có từ ấy quá tuyệt – mỗi lần khó nói điều gì, cứ vác từ “ấy”)… Đấy, bận rộn thời nay phải thế. Mải làm, mải ăn, mải chơi, mải đủ thứ. Quen – và quên, nhanh hơn xưa nhiều. Quen cũng nhanh, mà quên, cũng buộc phải nhanh. Một phút giây có hàng tỷ thứ mới mẻ, không quên sao có thể… up date nhanh được.

Nếu bạn không biết từ up date là gì, bạn thử tra từ điển xem sao. Đảm bảo bạn sẽ nhớ nghĩa và chẳng bao giờ quên được trong khi trước đó bạn có thể bực tức mắng thầm cái người viết bài sao cứ chêm tiếng Anh vào.

Từ quen cho đến quên, và quên cho đến quen, chỉ là một bước sát sàn sạt. Mải làm quên ăn, mải chơi quên học, quên làm việc, mải mê hưởng thụ quên lao động, mải lao động mà quên hưởng thụ… Mải kiếm tiền, quên và bước qua nhiều thứ. Tình cảm giờ là thứ yếu. Tìm một người mới, để thay và để quên người cũ, sao cho quên là được.

Lâu rồi, Net làm người ta quen cái thói chia sẻ, nhưng thực lại không là chia sẻ. Sự trải lòng bắt đầu làm cho người viết có thói quen đang đối thoại với nhiều người, nhưng có những đôi chút bí mật không thể tỏ tường. Chính vì thế cái trang nhật ký bỏ ngỏ ấy có đôi chút phải thuộc về sáng tác. Và như thế, dần dần thành sống với thế giới ảo, con người quên bẵng sự thật mình thế nào, và trở thành con người ảo.

Con người bớt tiếp xúc bên ngoài, đóng kín với thế giới của mình, bởi họ có cơ hội trang trải lòng trên các trang forum, blog, face book, chat… không nhất thiết phải có bạn bè để đối thoại, để tâm sự face to face (mặt đối mặt) như trước kia nữa. Mọi chuyện, có thể có internet, có điện thoại lo cho rồi.

Sự khép kín, ít hòa nhập cuộc sống thực cũng là một tình trạng của bệnh quên và giảm thiểu tình cảm giữa các mối quan hệ. Nếu cô đơn quá, có thể nuôi một con pet cưng trên face book để có cảm giác đang được chăm chút và tiêu phá đi một chút thời gian giải trí ảo.

Có thể tiếp xúc được với toàn thế giới mà chỉ cần ngồi một chỗ, thậm chí làm cả được những việc mà trước đây không thể và không tưởng đến. Miễn là chấp nhận và sẵn sàng tham gia thế giới ảo mà thực, thực mà… ảo.

Hoặc đôi khi, để trôi theo dòng nước, cuộc sống buộc phải thỏa hiệp, thích nghi để sống. Người ta chôn vùi, tự làm cho quên lãng đi những gì nung nấu trong ý chí, trong lòng, để đôi khi ký ức trỗi dậy, lại thấy dằn vặt và nuối tiếc. Cái quên ấy khó quên. Thường nó ẩn nấp trong tim, và bùng trỗi dậy hoặc chết tắt một cách tuyệt vọng.

Qúa khứ

Có một em bé, mải chạy nhảy bị ngã. Một cô gái chạy ra đỡ em bé, phủi những vết bẩn trên người em, cô định thơm em bé. Mẹ cô bé chạy tới chậm hơn so với cô gái kia một chút. Khi nhận ra người đỡ em bé đứng dậy là ai, mặt người mẹ sầm lại. Cô kịp thời giằng em bé ra khỏi vòng tay của cô gái kia, nhưng cũng ném lại câu cảm ơn cho đỡ bị coi là bất lịch sự.

Cô gái kia, dường như cũng hiểu. Vì cô là ai, và quá khứ cô, là ai. Cô chỉ là một người có quá khứ lầm lỗi, và không nên, không được quyền đỡ em bé khi ngã. Tự nhiên, cô nhìn lại bàn tay mình. Nó đang sạch.

Có một chuyện xảy ra giữa đôi bạn thân. Cô gái hay trêu bạn mình, nói về những kỷ niệm của cô ấy, cho dù chô đã yêu cầu rằng thôi đừng kể nữa. Nhưng người bạn thân của cô vẫn vô tư đùa cợt, và trong một cơn giận dữ, cô bạn đã không thể kìm chế được, cô cầm một chiếc đũa phi vào người cô kia rồi òa khóc nức nở. Cô nói rằng không muốn nghe những chuyện đó nữa, tại sao cứ lôi ra chốn đông người mà giễu cợt.

Có ai hiểu đó là chuyện gì đâu, sao cứ biến nó làm trò mua vui mà không nghĩ tới bạn mình không thích cho dù không ác ý, nhưng nó đã động chạm đến sự khó chịu và mềm yếu của bạn. Cuộc vui không thấy đâu, chỉ thấy nỗi buồn của sự trêu chọc thái quá vào những gì thuộc miền quên của kẻ khác. Trường hợp này nhẹ, nên câu “Để tôi yên” có lẽ là thích hợp.

Một vài ví dụ cực đơn giản và dễ hiểu kia, chỉ để nhằm kính xin chút quên lãng trong nhau. Lúc này là lúc nên tạm quên đi cho người khác sống với. Người ta có thể thành công trong việc triệt hạ cuộc sống người khác bằng cách nhắc lại những gì sai lầm, hoặc những việc muốn quên, moi móc quá khứ thích hành hạ nhau.

Sự kỳ thị hoặc ám ảnh tâm lý về những sai lầm trong quá khứ làm tăng sự mặc cảm khó hòa nhập và tìm kiếm được công việc. Nhiều người đã không thể vượt qua được chính bản thân và định kiến xã hội nên con đường cũ lại tái hiện.

Quyền được quên lãng, cũng đang được chú ý tới. Theo các nhà tâm lý học, khả năng quên của con người, và “biết quên” là cách có thể giúp bạn sống hạnh phúc hơn. Nói vậy, không phải để tặc lưỡi, để tự bào chữa cho những bệnh quên đãng trí làm ảnh hưởng tới công việc và cuộc sống.

Việc đó, lại là việc khác. May một lớp áo khoác cho tâm hồn để biết quên đi mà sống, điều này có thể hợp lý nhưng khi không cẩn thận, bạn sẽ lại sa chân vào chính lớp áo khoác dầy đó, vì vậy, chân thực sống sẽ đỡ làm suy nghĩ nhiều, và dễ được… tha thứ bỏ qua. Kẻ nào biết quên một cách hợp lý đúng đắn, sẽ thăng tiến nhanh trên con đường hạnh phúc và thành đạt.

Tuệ Thư


From the same category