Tương lai nào cho công nghệ 3D? - Tạp chí Đẹp

Tương lai nào cho công nghệ 3D?

Sống
Từ thực tế và những phiền toái

Không chỉ ở Việt Nam mà ở nhiều nơi trên thế giới, ti vi 3D bị người tiêu dùng thờ ơ. Bằng chứng là cuối năm 2010 vừa qua, các chiêu kích cầu giảm giá “khủng” được nhiều nước áp dụng nhưng lượng tiêu thụ ti vi 3D vẫn lẹt đẹt. Những chiếc màn hình 2D kích thước lớn, trang bị công nghệ mới vẫn là tiêu điểm của nhiều người.

Bên cạnh việc giá cả sản phẩm khá cao, công nghệ truyền hình chưa đồng bộ, hay những khuyến cáo chính thức về sức khỏe, thì một trong những yếu tố ảnh hưởng đến việc sử dụng ti vi 3D trong gia đình là cặp kính công nghệ màn trập chủ động đi kèm.

Đây chính là trở ngại lớn, bởi chiếc kính đắt, lại phải sử dụng pin nên thường xuyên phải thay pin hay sạc lại.

Cho đến nay, vẫn chưa có công nghệ nào có thể thay thế được công nghệ màn trập cho ti vi 3D, nhưng các hãng đi đầu trong lĩnh vực này đang khai phá một giải pháp. Đó là đưa công nghệ màn trập vào bên trong ti vi, cho phép người sử dụng dùng chiếc kính thụ động rẻ hơn, giống như chiếc kính ở trong rạp hát. LG ghi tên với thế hệ ti vi 3D vừa ra mắt dùng kính thụ động.

Tuy nhiên, “các gã khổng lồ” trong làng điện tử tiêu dùng vẫn đang đánh cược lớn hơn vào công nghệ 3D với mong muốn thay đổi cục diện trên thị trường ti vi 3D hiện nay. Một chiến lược hấp dẫn mang tính lâu dài nhằm loại bỏ hoàn toàn cặp kính đã thu hút sự quan tâm của rất nhiều nhà cung cấp phần cứng.

Tại Triển lãm Điện tử tiêu dùng (CES) vừa diễn ra tại Las Vegas, nhiều người đã được trải nghiệm cảm giác với công nghệ 3D không dùng kính do Toshiba giới thiệu. Tuy nhiên, công nghệ này có vẻ hiệu quả trên các loại màn hình cỡ nhỏ, nhưng lại là thách thức đối với các màn hình cỡ lớn.


3D không cần kính là gì?

Chìa khóa để tạo ra hình ảnh 3D là hiển thị một phiên bản hơi khác của hình ảnh hiện hữu, từ đó người xem sẽ kết hợp chúng và cảm nhận được chiều sâu. Cặp kính màn trập chủ động làm được điều này là nhờ kỹ thuật hiển thị khung hình tuần tự cho mỗi mắt – tức là ngăn chặn khả năng nhìn của một mắt tại một thời điểm và nhanh chóng luân phiên sang mắt bên kia để mỗi mắt chỉ thấy một nửa khung hình. Do đó, bạn cần một chiếc ti vi với tốc độ quét cao (ít nhất là 120hz) và đồng bộ hóa được hình ảnh trên màn hình với cơ chế ngăn chặn của chiếc kính.

Ti vi 3D không cần kính sử dụng các thấu kính lenticular lense để đạt hiệu ứng 3D. nhiều hình ảnh sẽ đồng thời hiển thị trên màn hình thành các dải xen kẽ. Một lớp thấu kính lồi sắp xếp dạng cột được đặt trên màn hình sao cho các dải hình ảnh hiển thị tới mắt người xem sẽ khác nhau tùy thuộc vào góc nhìn. Đặc tính này giúp người xem trải nghiệm hiệu ứng 3D ở các góc độ khác nhau. Vấn đề với cách tiếp cận này là nó làm giảm đáng kể độ phân giải của hình ảnh, vì rất nhiều điểm ảnh theo chiều ngang được huy động cho việc thể hiện hai phối cảnh ở các góc độ khác nhau.

Tính khả thi của công nghệ màn hình 3D không cần kính rõ ràng là dựa vào khả năng của các nhà sản xuất ti vi trong việc nâng cao độ phân giải cho những chiếc màn hình của họ.Toshiba đã tiết lộ rằng ti vi 3D không cần kính của họ có thể xử lý hình ảnh “siêu nét” với độ phân giải 7.680 x 4.320 – gấp 4 lần so với ti vi HD tiêu chuẩn.

Hạn chế và những tiềm năng

Những hạn chế của các loại ti vi 3D kích thước lớn không cần kính đang được thử nghiệm hiện nay là hiệu ứng 3D bị giảm khi nhìn ở các góc độ khác nhau. Thực tế cho thấy hình ảnh cũng như hiệu ứng không gian ba chiều chỉ chuẩn nhất khi người xem ngồi trực diện với màn hình. Chỉ cần đứng lệch thì hình ảnh bị hơi mờ, thậm chí là không có hiệu ứng. Hơn nữa, dù đứng ở vị trí nào thì độ phản xạ cũng khiến người xem mất tập trung, đặc biệt khi có một nguồn sáng bên ngoài chiếu trực tiếp vào màn hình. Độ sâu của hình ảnh ba chiều cũng không được phong phú như ti vi 3D có dùng kính.

Với những hạn chế đó, các chuyên gia phân tích trong lĩnh vực này nhận định ti vi 3D có sử dụng kính màn trập chủ động dẫu có bất tiện nhưng vẫn mang lại trải nghiệm tốt hơn. nói như vậy không có nghĩa là chấp nhận hiện thực và dừng lại. Phải thừa nhận rằng các mẫu ti vi 3D không cần kính đang được thử nghiệm đã mở ra một chặng đường mới đầy ấn tượng. Với tốc độ cải tiến không ngừng và độ phân giải ngày càng được nâng cao, ti vi công nghệ lenticular lense hứa hẹn sẽ có một tương lai tươi sáng hơn.

Toshiba cho biết hãng có ý định sẽ vẫn tiếp tục bán các loại ti vi công nghệ màn trập kể cả khi cho ra đời thế hệ ti vi không cần kính. Lý do được đưa ra là người tiêu dùng có thể lựa chọn theo sở thích của mình. Toshiba cho biết hãng đang kỳ vọng sẽ cho ra đời sản phẩm ti vi không cần kính đầu tiên vào cuối năm nay. Sony thì chưa muốn tiết lộ kế hoạch và dường như muốn chọn giải pháp hoàn thiện công nghệ trước khi tung ra thị trường.

Một điều rõ ràng là công nghệ 3D sẽ đóng vai trò quan trọng trong sự tiến hóa của kỹ thuật trình chiếu video. Công nghệ 3D không cần kính chuyên dụng có thể giúp cho những chiếc ti vi thế hệ mới được nhiều người tiêu dùng chấp nhận hơn bằng cách cung cấp các tính năng hấp dẫn và thân thiện hơn. Việc triển khai hiện nay vẫn còn nhiều điều cần phải hoàn thiện, nhưng thực tế chứng minh rằng các đại gia trong ngành điện tử tiêu dùng đang đi đúng hướng.
 

Bài: Bảo Ngọc

Thực hiện: depweb

06/05/2011, 17:21