Tươi mát ngoài luồng

Một đám dân văn phòng ngồi với nhau, bàn hươu tán vượn đến đâu, thì cũng lại đến đoạn nháy nhó ám thị chuyện ấy. Đám đàn ông ngồi riêng cũng thở dài khi thấy cặp chân dài đi qua hàng nước chè. Đám đàn bà ăn bún ốc cũng rầm rì chuyện cô Samantha lẳng lơ hôm qua cặp bồ mới trong phim “Sex and the City”. Trộn hai đám lại, thế nào cũng đưa đẩy như chuyền bóng. Chuyện ấy… nói ra nói vào như mắc chứng khẩu dâm. Cái gì không có được thì người ta hay nói. Vậy dân văn phòng, phải chăng thiếu thốn tình dục, hay đầu óc chất chứa những ấm ức ngày ngày?

Thật ra hạnh phúc giản dị nhiều khi là trêu đùa nhau, cho nhau thấy chút hão huyền của việc giả vờ làm như chúng ta đều hấp dẫn về mặt tính dục.

Đôi khi trong cuộc sống nhiều thất bại bẽ bàng của đời công sở, đây là thú vui căn bản nhất, chưa dám nói là lành mạnh nhất nhưng cũng chưa chết ai, trái lại, anh chị dân văn phòng nào nói đến cũng dỏng tai nghe, cười khinh khích như chạm dây mát.

Đúng không nào, đó không là niềm vui, là sự giải tỏa theo cách của Carl Jung, đồ đệ của Freud, những nhà tâm lý thấu thị đời sống vô thức con người hiện đại đấy sao?

Tôi đã dẫn ra những cái tên đó để đảm bảo tính khoa học nghiêm túc của điều tôi nói hôm nay, nhưng cũng chỉ dám đến thế. Bởi vì ở xã hội ta, có vẻ như là “tươi mát” thì bao giờ cũng “ngoài luồng”.

Tại sao không là “trong luồng”? Liệu khi ấy có còn tươi mát không? Tại sao nói thầm nói thì, cười sau lưng lại thú hơn là tham dự một buổi tọa đàm mang những cái tên như “bảo vệ sức khỏe sinh sản… góp phần củng cố hạnh phúc gia đình…” mới chỉ bước vào đã cụt cả hứng. Bởi vì cái thú ăn vụng, cái thú âm thầm trong chuyện ấy nó có hương vị của trái táo cấm năm xưa ông tổ Adam ăn phải.

Nhưng với dân văn phòng, cảm hứng không chỉ dừng lại đó. Khi họ nói nhiều, thực ra là họ đã nghĩ đến điểm dừng.

Bản thân là những sinh vật không hoạt động thể chất nhiều, chủ yếu ngồi một chỗ, di chuyển phụ thuộc nhiều các phương tiện cơ giới, nên ngôn ngữ có phần phát triển trội hơn là dễ hiểu.

Cứ để dân văn phòng nói cho tốn hơi, chứ mấy ai trong họ đã dám nhiệt tình yêu đương như những phim ảnh tô vẽ, như nữ nhân vật Samantha trong loạt phim ta nhắc đến ở đầu, tập nào cũng tha lôi về một anh chàng mới quen cực hấp dẫn.

Tình cảm kiểu cô nàng U40 này là thời trang, không mặc Versace thì khoác D&G, miễn là thỏa niềm vui thích.

Có thể phim ảnh lấy hiện thực đời sống mà tô vẽ, nhưng thú thực, chúng ta cực kỳ băn khoăn: ngoài đời, trong đám đông trần ai chúng ta, ai mà có một đời sống năng nổ trong quan hệ tình cảm như thế nhỉ?

Trong chuyện này, trí tưởng tượng ngàn lần phong phú hơn cái thực tại xám ngoét, chàng nàng nhìn nhau trong bộ cánh văn phòng phẳng lì không chút xúc động.

Chúng ta là những nhà đạo đức? Chúng ta tỏ ra chính chuyên nếu cần, và cũng có thể nghiêm khắc lên án những hành vi băng hoại nền nếp gia phong khi quyền lợi của mình bị đụng chạm.

Còn ngoài ra chúng ta đều mắt chữ A, mồm chữ O khi bắt được tín hiệu về chuyện ấy phát ra trong bầu âm thanh văn phòng, bởi vì đó là chuyện người ta, chả ảnh hưởng gì đến mình, chỉ ảnh hưởng đến hai bên đối tác. Mà dân văn phòng thì rõ như ban ngày, buôn chuyện làm quà là số một.

Năng lượng và thời gian thực hiện thì không bao nhiêu, song chúng ta lại có cả một kho kỹ năng trong tâm tưởng. Những anh chị dân văn phòng cứ gọt giũa mài vót mãi để cho sắc bén như một vũ khí khi cần mang ra giao đấu trên đầu lưỡi mà đấu trường là nhiệm sở.

Đồng nghiệp mâu thuẫn với nhau về vô vàn điều, về cách làm việc, về tiền bạc, về vị trí; song thoáng thấy một hình ảnh “đồi trụy” xẹt qua vô tình, gần như tất cả đều thống nhất một mối cảm xúc được tuôn trào.

Tuy nhiên, khác với những người thực chất (thấy là làm, thích là chiến), chúng ta lại chỉ chăn thả những cảm xúc ấy nổi lềnh bềnh như váng bọt trên mặt bể tình ái chứ không khi nào trào lên thành ngọn sóng lớn ngoài đại dương.

Như thế, chúng ta bất đắc dĩ phải làm những nhà đạo đức. Chúng ta chỉ trêu ghẹo nháy nhó với cô gái xinh tươi kia vì ta cũng biết chẳng có điều kiện mà đeo đuổi nàng.

Cái thời ngọn cỏ thì non, cái thời giọng hát trong ngần trao tay qua lâu rồi. Đứng dưới hiên nhà em đêm mưa, dạo một khúc guitar tình tứ hay ném viên sỏi vào cửa kính gác hai nhà nàng (sao nàng nào cũng ở gác hai vậy?) là những “cảnh quay” đã sáo mòn.

Có bao giờ bạn thử nghĩ trong một ngày, trung bình bạn dành ra bao nhiêu phút để nghĩ đến chuyện đời sống tình dục của mình? So với bao nhiêu phút bạn nghĩ về cái chết của mình? Nghĩ về cách chúng ta sống với cuộc đời, trong đó việc nếm trải những niềm vui, nỗi hạnh phúc là điều an ủi ta trước hết.

Tình dục về một khía cạnh nào đó, cũng là món quà của tình yêu, tình cảm. Khổ một nỗi, cái chỗ đứng của nó trong dân văn phòng chúng ta có thực, nhưng cái danh của nó cứ lem nhem thế nào. Nhìn vào việc nói đến sướng mồm chuyện đó, có cảm tưởng chúng ta là những người cổ súy cho giải phóng tình dục?

Dân văn phòng là những người có điều kiện tiếp cận văn hóa phương Tây kha khá, mà văn hóa phổ thông Âu Mỹ bây giờ là cơ bắp và đường cong, là săn chắc và mềm mịn, là căng cứng và ướt rượt. Chúng ta cũng là con người, mà con người thì ai cũng…

Vì thế nói chúng ta tân tiến cũng phải, chúng ta đã không còn phải làm dấu thánh khi thấy ảnh khỏa thân nghệ thuật, cũng như chúng ta mạnh dạn tải xuống hàng chục gigabyte phim ảnh “tươi mát” về mở rạp chiếu phim trong phòng ngủ. Chúng ta có vẻ như là đã có một đời sống cởi mở.

Tuy nhiên, vì cái danh của “tươi mát” còn lem nhem, chúng ta đâu dám nghĩ đến một việc nào khác ngoài việc cứ hồi hộp với những món cấm kỵ trong bóng tối. Có lẽ cơ chế phản ứng của chính ta, ăn đàng hoàng no nê, dễ và sẵn lại chẳng thú bằng cái phải chông gai mới đoạt được.

Cứ xem gương món phở trứ danh của chúng ta thì biết. Có ai ăn mãi thay cơm được đâu. Cho nên khi phở đã trở thành cơm thì phở không còn lý do nào để được ngưỡng mộ.

Ám ảnh của thời đại có lẽ là những liều thuốc kháng sinh. Kháng sinh cho những căn bệnh thể chất, kháng sinh cho tinh thần. Súp gà cho tâm hồn còn phải quảng cáo mạnh mới thu hút người đọc, chứ kháng sinh cho tâm hồn, bán bao nhiêu cũng đắt.

Thật dễ để xếp ám ảnh tình dục vào một căn bệnh tâm lý, song trong một cuộc sống bơ phờ, cạn năng lượng kiệt cảm xúc, dân văn phòng phải đi tìm những liều thuốc bấu víu.

Nói nhiều về chuyện ấy, cũng có tác dụng như một liều ampiciline đặc trị. Nhưng thuốc kháng sinh dùng mãi hóa nhờn, chưa nói đến để lại dư lượng có hại. Chúng ta mỗi lúc lại cần liều cao hơn, cần thuốc mạnh hơn.

Chuyện tươi mát ấy, bao nhiêu công thức cho vừa, chừng nào ta thấy không khỏe mạnh về tâm lý, hoặc bất an về nhu cầu của mình, ta lại phải uống liên tu bất tận những liều thuốc.

Thế nào là bất an về nhu cầu? Chúng ta sẽ day dứt vì một ngày xấu trời, nhu cầu của ta giảm sút, ta không còn mê đắm như thuở hai mươi máu chảy rần rật trong các bộ phận cơ thể.

Nhưng chúng ta cũng lại hoảng hốt nếu đột nhiên cảm thấy mình lúc nào cũng đói chuyện ấy và thèm “ăn” vô tội vạ. Với tâm thế của một mẫu người sống chừng mực, bản thân môi trường làm việc đã chừng mực, những chỉ số dưới ngưỡng hoặc quá ngưỡng là những điềm báo về việc bạn trượt khỏi phạm vi an toàn chung.

Những nhà tâm lý sẽ nói, thành thật là phương thuốc trị tận gốc. Nhưng xung quanh mấy ai nhìn bạn như một người bình thường nếu như bạn bộc lộ mình có vấn đề về tình dục.

Và trong đời văn phòng của bạn, bạn thuộc nằm lòng rằng không phải cái gì cũng có thể nói thẳng ruột ngựa. Cho nên chúng ta mới có một vùng an toàn để cùng lâu lâu nhấm nháp sự tự cấm đoán ấy.

Chúng ta có nói với nhau nhiều bao nhiêu, có đanh đá ngoa ngoắt hay tục tĩu phóng túng đến đâu cũng là nói với tư cách người của số đông. Bởi vì chúng ta có một tính từ chụp lên rất đắc dụng: đùa.

Quả là nói đùa về chuyện nào cũng dễ được châm chước, mà lại còn mua được sự vui vẻ. Khi chuyển mạch sang nghiêm túc, chuyện về tình dục cũng đã thành những bài huấn thị tâm sinh lý ngột ngạt.

Khi chúng ta nâng lên đặt xuống chuyện này nhiều, các nhà văn bảo đấy là biểu hiện của sự cô đơn rất con người. Quả là nghe rất nhân văn. Nhưng chuyện “tươi mát” chỉ tươi mát khi nó là ngoài luồng, khi nó là của một người với một thực tại ảo.

Có người kêu lên: cả bài dài thoòng mà không hề nhắc đến tình yêu? Tình yêu mới là cứu cánh chứ không phải tình dục cơ mà. Ừ, thế nó ở đâu rồi, khi anh chị dân văn phòng ba bốn mươi xuân nhìn nhau không còn giật mình, điện không còn phóng giữa hai cặp mắt nhìn. Tươi mát phải đúng như tuổi hai mươi ấy. Chứ như đám nhừ nhão thế này, mồ côi tình yêu, ắt phải tiêm thuốc tươi mát, dẫu chỉ là kháng sinh ngôn từ.

Nhiều ý kiến trái ngược nhau về vấn đề tươi mát hay không tươi mát trong công sở, nhưng nhìn chung đây không phải là chuyện tiêu cực, hay ít nhất không phải là việc xấu với đa số những người được hỏi, thậm chí có người còn mạnh dạn thừa nhận mình là người rất yêu sự mát mẻ…

Mạnh Hùng
Công ty Cửu Long

Tôi thấy phim ảnh là nghệ thuật, những cảnh tươi mát là để phục vụ cho nghệ thuật, còn những phim ảnh tươi mát thì âu đó cũng là hệ quả của những tệ nạn chưa được bài trừ triệt để. Ở đâu cũng có. Trong giới văn phòng cũng có nhưng dưới dạng kín đáo hơn. Chuyền đĩa hoặc gửi đường link qua website chẳng hạn. Mà úp úp mở mở đôi khi còn kích thích hơn cả bình thường nữa.

Chính vì thế, những cánh đàn ông có vợ lại hay rơi vào tình trạng “khẩu dâm” thường xuyên vì họ bị ức chế, không nói chuyện thoải mái với vợ về những chuyện ấy. Đâm ra nếu có điều kiện là trút xả láng với bạn bè. Mà những người gần gũi thường lại là bạn cơ quan, vậy nên, trong những giờ nghỉ hiếm hoi các ông lại càng xúm vào để bàn tán.

Đối với tôi nói chuyện ấy với bạn bè là bình thường, không có gì nghiêm trọng cả. Dĩ nhiên là chỉ với bạn bè thân. Tôi không bao giờ bị kích thích bởi những câu chuyện phiếm với bạn bè. Bản thân tôi, nếu xã hội dễ dãi vừa hay dễ dãi hơn thì cũng vậy thôi.

Tôi không thích tươi mát ngoài luồng, vì trong luồng cũng có thể tươi mát được mà, mình có bị ức chế gì đâu. Quan trọng là bản thân mình muốn cái gì thôi.

Tôi cũng thường xuyên mổ xẻ chuyện này với bạn bè, người thân nhưng không phải ai cũng cởi mở đâu. Có nhiều người mới đầu còn tỏ vẻ bực bội vì thấy mình nói chuyện bạo quá. Nhưng lâu rồi sẽ biết, mình trao đổi chuyện đó thoải mái thì thấy cuộc sống vui hơn chứ sao. Cái gì cũng giấu trong lòng dễ gây hiểu lầm lắm.

Ở nước ngoài người ta nói về chuyện đó rất tự nhiên, thậm chí thành một môn học sinh phải học. Ngay cả chuyện hôn nhau nơi công cộng cũng khác rồi, bạn bè người ta gặp nhau cũng ôm hôn nhau thắm thiết. Ở Việt Nam mình, nam nữ thọ thọ là mệt rồi.

Quỳnh Hương
Phòng giao tế, công ty Max

Chuyện tươi mát tôi chỉ hay “bình luận” với một số bạn gái thân thôi. Trong công sở, tôi chưa bao giờ nghĩ đến những chuyện gì liên quan đến sự tươi mát hết.

Còn phim ảnh tươi mát thú thật là tôi chưa bao giờ xem vì cũng không có thời gian và không có điều kiện. Tôi không có máu phiêu lưu nên chắc chắn không nghĩ đến chuyện ngoài luồng hay trong luồng.

Là phụ nữ, tôi chỉ quan trọng nhất là chu toàn cuộc sống gia đình thật tốt, vậy thôi. Dĩ nhiên, ở xã hội hiện đại mình cũng phải hiện đại để người yêu, người thân luôn cảm thấy tự hào về mình. Nhưng điều đó không có nghĩa là thoải mái nói chuyện phòng the trước mặt mọi người.

Chuyện thảo luận nghiêm túc vấn đêç tình dục còn tùy vào văn hóa của mỗi quốc gia, mỗi vùng sống. Tôi nghĩ cũng rất khó nói chuyện này ở những nơi mà trình độ phổ cập chưa cao, có thể gây hiệu ứng ngược.

Với lại, nhìn chung, người Châu Á ít có thói quen biểu lộ cảm xúc ra ngoài như người phương Tây, nhất là lại là những vấn đề nhạy cảm liên quan đến giới tính. Cá nhân tôi cũng đoán có thể do vậy mà nhiều người đâm ra bị ức chế gây ra tình trạng phát tiết ra bằng mồm. Nhưng dù sao đó cũng sẽ là những trường hợp cá biệt, không đáng kể, phần lớn người ta đều tự biết cách làm cho cuộc sống mình trở nên dễ chịu nhất có thể.

Một chút tươi mát nơi công sở vào những giờ nghỉ ngơi bằng cách tán gẫu thì cũng không sao. Miễn là đừng làm ảnh hưởng đến công việc là được. Tôi là một người trẻ nên cũng không hiểu các anh chị đứng tuổi nghĩ gì và nói gì khi họ với nhau hoặc khi gặp một cô gái trẻ đi ngang qua họ sẽ nhận xét như thế nào. 10 năm nữa chắc chắn tôi sẽ biết những cảm xúc như vậy nhưng bây giờ thì chưa.

Hoàng Khoa
Công ty PSH

Theo tôi ở công sở hay ở đâu thì chuyện tươi mát lúc nào cũng tồn tại. Tôi hay đùa nhưng với tùy đối tượng chứ không phải gặp ai mình cũng nói những câu chuyện có tính chất “kích thích”, dễ gây hiểu lầm, nhất là trong công sở.

 Còn chuyện thừa nhận mình có hay đi mát mẻ không thì có thể ai cũng có, nhưng ít ai dám gật đầu. Nếu gật đầu, đảm bảo gia đình đang hạnh phúc của mình sẽ bị lung lay. Còn lắc đầu quầy quậy thì cũng không đúng với bản chất của mình. Ngay cả vợ tôi cũng thừa biết, tôi hay có những phút xao lòng trước sự mát mẻ mời gọi quá mức. Nhưng sau đó đâu cũng sẽ lại vào đấy cả.

Ở trường học hoặc các lớp tập huấn sau này cũng có khuynh hướng đưa các chủ đề nhạy cảm này ra để bàn luận. Tôi thấy có thể tốt mà cũng có thể không tốt. Trước hết, việc giáo dục này phải từ gia đình cái đã. Vì cha mẹ dễ biết cách trò chuyện với con cái hơn. Còn đến khi đi làm, thì thầm với nhau thì chắc chắn trí tưởng tượng của ai cũng rất phong phú. Không thể không bay bổng được.

Tôi biết khối chị em trong cơ quan, lúc nào cũng có vẻ không quan tâm và cương quyết không thừa nhận nào phim ảnh, nào những câu chuyện dung tục, nhưng rồi chính họ lại bị những câu chuyện ấy gây tò mò, và tự tìm hiểu. Có thể còn nguy hại hơn nữa.

Thêm nữa, phim ảnh, mạng internet tràn lan những đoạn tươi mát, nào có ai kiểm soát được. Chính vì vậy, không phải là mình nghĩ gì hay không nghĩ gì về phim ảnh tươi mát mà là mình sẽ nhìn nhận nó như thế nào cho tích cực nhất, khách quan nhất.

 


From the same category