Điểm đến cho các bộ hình ngoại cảnh của Đẹp hầu hết là những vùng đất nổi tiếng của Tổ quốc. Cảnh vật thiên nhiên, con người, những nét đẹp văn hoá bản địa là nguồn cảm hứng bất tận mà chúng tôi muốn mang đến cho độc giả qua câu chuyện thời trang của mình.
Những con vật đáng yêu nhất
Và những đạo cụ đặc biệt nhất
Chiếc chân trái bằng gốm độc bản được cố nghệ nhân Vũ Đức Thắng làm riêng cho buổi chụp hình vận động viên khuyết tật Nguyễn Thị Thủy, phục vụ chuyên đề “Chỗ đứng, đôi chân và những vết xước” trên số Đẹp thứ 200. Nghị lực của nữ vận động viên 51 tuổi được mệnh danh là “nhà sưu tập” huy chương Para Games khiến cố nghệ nhân Vũ Đức Thắng liên tưởng đến hình ảnh cá chép vượt vũ môn, bởi: “Khi rồng hút nước lên, không phải loài cá nào cũng theo lên được, chỉ có cá chép làm được điều đó”. Ông đã chọn kỹ thuật khắc chìm với hoa văn long quấn thủy đặc trưng để khắc lên tác phẩm.
Để biến các nghệ sĩ thành những chiến binh đầu trọc trong chiến dịch “Chúng tôi là chiến binh” – chiến dịch góp tiếng nói đồng cảm, ủng hộ các bệnh nhân ung thư, chuyên gia trang điểm Tùng Châu mất trung bình 2 tiếng rưỡi hóa trang cho mỗi người. Riêng “chiến binh” Kelbin Lei với khuôn mặt thổ dân maori cần đến 4 tiếng đồng hồ liên tục. Bộ hình được đăng trên số Đẹp 191 (tháng 12/2014).
Thực hiện bộ hình “Planet of the ape” (Đẹp 204), đạo cụ khó kiếm nhất chính là chiếc dù. Ekip Đẹp đã liên hệ với một câu lạc bộ nhảy dù ở Sài Gòn, nhưng để mang được chiếc dù đến studio, chúng tôi phải “tốt nghiệp” khóa học gấp dù và bung dù đúng quy chuẩn, đảm bảo không ảnh hưởng đến dây dù hay mặt vải, bởi với người nhảy dù, chiếc dù chính là sinh mạng.
Mất hàng tháng trời để ekip Đẹp thu thập được một kho đồ xưa cũ như phích nước Rạng Đông, ghế cắt tóc, xe Honda PC, búp bê Matrioska, đài Orionton, Akai băng cối… và dựng lại khung cảnh đời sống bao cấp trong bộ hình “Một thời không xa vắng” (Đẹp 180, tháng 1/2014). Trong đó, chiếc cân là đạo cụ quan trọng nhất, phải mượn từ quán ăn Mậu Dịch ở Hà Nội, chuyển vào Sài Gòn.