Kỳ 14 Tác giả Phương Mai đang trên một chuyến hành trình để viết sách mang tên “Con đường Hồi giáo”. Chuyến đi bắt đầu ở Saudi, nơi Hồi giáo khởi phát, sau đó theo chân các chiến binh Hồi giáo tỏa sang châu Phi đến Ma Rốc, và châu Á đến Ấn Độ. Các chiến binh Hồi giáo chiếm được thành phố nào thì tác giả sẽ đến đúng thành phố ấy. Đây là dải đất hùng vĩ của nền văn minh Hồi giáo thời kỳ cực thịnh. Mời các bạn theo dõi nhật ký chuyến đi trên Đẹp hàng tháng, phần 1 “Khởi đầu gian nan” bắt đầu đăng từ số tháng 2/2012.
|
Thủ phủ Tunis
Bình yên những vòng quay xe đạp ở Kairouan
Maya tiêu biểu cho rất nhiều phụ nữ Hồi giáo ngoan đạo ở Tunisia – những người coi mùa xuân Ả Rập là một tiếng thở phào nhẹ nhõm để họ có thể tự do thực hiện một thứ quyền dân chủ mà từ lâu luôn bị các nhà độc tài vùi dập: đó là quyền được tự do tôn giáo, hay đơn giản chỉ là quyền được đội khăn trùm đầu. “Dù là đất nước Hồi giáo nhưng trước đây mỗi lần tôi trùm khăn ra đường là thể nào cũng có cảnh sát đến hỏi han quấy nhiễu. Khăn trùm đầu bị coi như một thứ phục trang ngoại lai, bị cấm tiệt ở các công sở. Có lần một gã cảnh sát còn hỏi thẳng tôi: Cô là tay chân của khủng bố Al-Qaeda hay sao mà che chắn kín như bưng thế này?”. Maya cười khinh khích, cô vui sướng cho tôi xem tủ quần áo mới đã được ních đầy những chiếc áo dài đen và khăn trùm đính kim sa lấp lánh. Maya là người mạnh mẽ và ưa phiêu lưu. Sau khi ly dị ông chồng lười chảy thây, cô một mình tự vượt biên giới sang Libya tìm cơ hội làm ăn mới với ba cái vali lèn căng toàn quần áo.
Một tháp gọi cầu kinh của thánh đường Hồi giáo ở Tunis
Aysha ngồi cạnh bố, 17 tuổi, đen từ đầu đến chân, cả bàn tay của cô cũng đeo găng đen. Cô bẽn lẽn, e thẹn, phải để bố thuyết phục mãi mới dám ngồi trước máy quay. Hơn nửa năm trước, Aysha còn mặc bikini tắm nắng ở biển. Mùa xuân Ả Rập mang tự do đến cho cô gái mới dậy thì. Mặc cho cả nhà trố mắt ngạc nhiên, cô tuyên bố từ nay sẽ trở thành một tín đồ Hồi giáo theo đúng nghĩa chứ không kiểu nửa mùa như ngày xưa. Chưa hết, cô còn muốn che kín cả mặt mũi, ông bố khốn khổ phải van vỉ khuyên can mãi mới thôi.
Ngồi cạnh Aysha là Hassan. Cậu chàng cũng mới tròn 18 tuổi, râu ria lưa thưa nhưng dài ngoằng. Rõ ràng là cậu đang cố gắng để mình giống như Salafi – những tín đồ Hồi giáo khá cực đoan, cổ động cho cách sống giống hệt như Hồi giáo từ thời mới khởi phát. Khi mới gặp tôi, cậu bắt tay một cách miễn cưỡng, sau này thổ lộ rằng nguyên tắc tôn giáo cổ điển không cho phép chạm vào người khác giới, dù chỉ là cái bắt tay. Khi tôi hỏi cậu: “Mẹ của chị theo đạo Phật, ăn chay, bố thí, thế có phải là người tốt không?” – Cậu bé 18 tuổi nghiêm khắc nhìn tôi trả lời: “Nếu mẹ chị mà theo đạo Hồi nữa thì cụ sẽ thành người hoàn hảo và được lên thiên đường!”
Bãi biển Tunis với thập cẩm cả bikini hai mảnh, áo tắm một mảnh, lẫn nguyên xi bộ đồ trùm đầu.
Người cuối cùng là Hosni, 30 tuổi, hiện đang học lên tiến sĩ. Anh cố ý ngồi xa xa, vẻ như không muốn gần cái đám mà anh coi là cuồng đạo. Dù cũng là người Hồi, nhưng Hosni từng im lặng nghe tôi chỉ trích tôn giáo của chính mình và nhà tiên tri Muhammed suốt hàng tiếng đồng hồ mà không hề nổi cáu.
Chưa hết, một nửa trong số những người này giỏi tiếng Pháp hơn tiếng Ả Rập. Tôi vẫn băn khoăn tự hỏi tại sao Pháp đô hộ Tunisia có hơn 70 năm mà văn hóa Pháp ngấm sâu và lâu đến thế, chẳng bù cho người Việt mình gốc văn hóa mạnh hơn hẳn, chẳng mấy ai còn dùng tiếng Pháp.
Những cuộc phỏng vấn ở Tunisia khiến tôi hiểu mùa xuân Ả Rập từ một góc nhìn khác hẳn. Nhưng để cho chắc, tôi vẫn bắt xe về một thị trấn nhỏ xíu tên là Sidi Bouzid.
Một quán cà phê trong góc chợ Tunis
Những người đàn ông Tunisia cài hoa bên tai như một biểu tượng của vẻ đẹp nam tính
Ngày 17 tháng 12 năm 2010, một người bán hoa quả rong ở Sidi Bouzid tên là Bouzizi bị tịch thu đồ nghề và bị một nữ cảnh sát tát vào mặt. Anh phẫn uất tìm đến kêu gào đòi được thị trưởng giải thích, nếu không anh sẽ châm lửa tự thiêu. Bị từ chối, ngọn lửa sống bốc lên ngay trước cổng tòa thị chính Sidi Bouzid. Hàng chục cuộc biểu tình nổi dậy khắp Tunisia. Chỉ hơn hai tuần sau, nhà độc tài Ben Ali phải cuốn gói rút chạy sau 23 năm cầm quyền. Chỉ vài tháng sau, cả Trung Đông dậy sóng, chính quyền của tất cả các nhà độc tài lung lay, kẻ vội vàng hứa cải cách (Ma Rốc, Jordan), kẻ nhanh chóng xì ra cả một đống tiền để dân im miệng (Saudi, Oman), kẻ chết thảm như đại tá Gaddafi (Libya), kẻ sống mà như chết Mubarak (Ai Cập), và kẻ vẫn đang cố kiết trì hoãn bản án tử hình trong trò chơi nội chiến đẫm máu cướp đi sinh mạng của hơn 60.000 người Assad (Syria).
Hơn một năm sau ngày Bouzizi biến mình thành đuốc sống vì miếng cơm manh áo bị chà đạp, cả Tunisia không có gì đổi khác, cái sự đổi khác về cơm áo gạo tiền mà Bouzizi đã đổi mạng sống của mình để cất tiếng kêu oan. Kinh tế Tunisia vẫn đi xuống, tầng lớp trí thức như Hosni phải dừng học tiến sĩ để đi làm cho công ty điện thoại, Maya bỏ quê hương mà đi, Ali quần quật 10 tiếng/ngày, 6 ngày/tuần trong lò bánh mỳ.
Tôi ghét thuật ngữ “Mùa xuân Ả Rập” từ ngày đặt chân đến Tunisia. Tôi gọi đó là cơn lũ cuốn Ả Rập khiến cả Trung Đông dậy sóng, thức tỉnh cả thiên thần lẫn quỷ dữ. Nó bắt đầu bằng một tiếng kêu thống thiết từ khô cằn cát sỏi ở Sidi Bouzid, nó hóa thành một dòng sông tràn qua sa mạc rãy nóng Trung Đông. Con tạo xoay vần, dòng sông đáng lẽ mang nặng phù sa bị biến thành một cơn lũ cuồng nộ, cuốn phăng đi cả mùa màng đang chờ ngày gặt hái. Bouzizi chết để phản đối cuộc sống đói nghèo. Đài báo loan tin anh chết để khai sinh cho cuộc cách mạng tự do dân chủ. Rốt cục, kẻ lên nắm chính quyền lại là những thầy tu tôn giáo. Thế mới biết, dù kẻ nào thắng hay thua, cuộc chiến lý tưởng cao thấp nào cũng bắt đầu và kết thúc bằng máu xương của dân nghèo.
Kỳ sau: Morocco – Cửa ngõ châu Âu
– Liên hệ với tác giả qua địa chỉ EMAIL: dr.nguyenphuongmai@gmail.com
– Bạn có thể cập nhật các bài viết và theo dõi chuyến du hành hiện nay của Phương Mai ở Trung Đông tại BLOG www.culturemove.com FACEBOOK www.facebook.com/ dr.nguyenphuongmai TWITTER www.twitter.com/thequest2quest
Bài & ảnh: Phương Mai