Tung văn bản “cấm diễn” để gây tiếng xấu cho Sơn Tùng?

Ngày 7/11/2014 trên một trang báo điện tử, thông tin Sơn Tùng M-TP bị Công ty Văn Production phát lệnh “cấm diễn” trong vòng 6 tháng. Ngay lập tức, sáng 8/11 Sơn Tùng gửi văn bản tới báo chí và Công ty Văn Production (mà Sơn Tùng gọi là công ty quản lý cũ) dừng phát tán các thông tin về hoạt động nghệ thuật của mình, với lý do hiện anh không còn thuộc quản lý của công ty này.

Giữa hai luồng thông tin trái ngược nhau, Đẹp Online đã trò chuyện với luật sư Trần Anh Dũng nhằm có một góc nhìn khách quan hơn.

Sơn Tùng có quyền chấm dứt với công ty quản lý

Theo luật sư Trần Anh Dũng, do chưa được xem hợp đồng giữa hai bên nên chưa đủ cơ sở kết luận nội dung của văn bản “chấm dứt giao dịch biểu diễn với bên thứ ba” trong 6 tháng đối với Sơn Tùng, từ phía Công ty Văn Production có đủ có căn cứ pháp lý hay không.

Tuy nhiên, theo luật sư Dũng, thông thường, hợp đồng quản lý ca sĩ hiện nay thường ký dưới dạng hợp đồng hợp tác hoặc hợp đồng dịch vụ. Theo đó, ca sỹ ủy quyền cho công ty quản lý thay mặt mình trong các giao dịch với bên thứ 3, và công ty được nhận thù lao từ việc này. Trong khi đó, theo quy định điều 588 của Bộ luật Dân sự Việt Nam, người ủy quyền có quyền chấm dứt việc ủy quyền bất cứ lúc nào. Pháp luật Việt Nam không có quy định về ủy quyền không hủy ngang. Vì thế, Sơn Tùng có quyền chấm dứt ủy quyền bất cứ lúc nào và tự mình xác lập giao dịch với bên thứ ba. 

Ca sĩ Sơn Tùng M-TP.

Nếu việc chấm dứt ủy quyền của Sơn Tùng vi phạm cam kết trong hợp đồng đã ký thì đây cũng chỉ là tranh chấp dân sự và các bên tự giải quyết hoặc yêu cầu cơ quan tài phán giải quyết theo quy định pháp luật. Thỏa thuận này được ký kết giữa hai bên tham gia hợp đồng không có giá trị bắt buộc đối với người thứ ba.

Văn Production không có quyền “cấm” biểu diễn với Sơn Tùng

Bên cạnh đó, trong thông báo của Văn Production, công ty này yêu cầu Sơn Tùng “không tự ý giao dịch” chứ không phải là “Cấm”. Luật pháp Việt Nam không cho phép một công ty có quyền ra lệnh cấm một cá nhân không được quyền tham gia các giao dịch dân sự khác. Đây là một quan hệ dân sự, các bên hoàn toàn bình đẳng và tự do tham gia các giao dịch. Vì vậy, văn bản này chỉ có ý nghĩa nội bộ, hoàn toàn không có ý nghĩa như lệnh cấm, bởi nó không được ban hành bởi các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

Trường hợp Sơn Tùng không tuân thủ yêu cầu của Văn Production thì đây chỉ là một tranh chấp dân sự, giống như việc không thuận mua vừa bán mà thôi. Sơn Tùng hoặc Văn Production đều có thể kiện, yêu cầu cơ quan tài phán giải quyết tranh chấp. Việc giải quyết này hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến các giao dịch mà Sơn Tùng xác lập với bên thứ ba. 

LS Trần Anh Dũng nhấn mạnh, “Cho dù việc Sơn Tùng chấm dứt hợp đồng với Văn production đã hoàn tất hay chưa, phía công ty vẫn không được tước quyền của Sơn Tùng tham gia các giao dịch dân sự với bên thứ ba khác. Sơn Tùng vẫn được tự do hát và nhận show diễn, ngay cả khi việc Sơn Tùng giao kết với người thứ ba là vi phạm cam kết với Văn production”. Phía Công ty Văn Production có thể chấm dứt hợp đồng với Sơn Tùng nếu Sơn Tùng vi phạm và có thể kiện đòi bồi thường nếu đưa ra được bằng chứng Sơn Tùng vi phạm hợp đồng, gây thiệt hại

Chưa xác định được căn cứ việc Sơn Tùng đơn phương chấm dứt hợp đồng.

Về phía Sơn Tùng M-TP, trong văn bản gửi báo chí, ca sĩ này nêu rõ, anh đã gửi công văn đến công ty quản lý từ hơn một tháng trước (ngày 2/10/2014), xin chấm dứt hợp đồng với công ty. Nhưng phía công ty không có phản hồi nên ca sĩ tự thấy có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng sau thời gian một tháng (tức ngày 2/11/2014), kể từ ngày gửi công văn. Hành động này của Sơn Tùng, theo Luật sư Trần Anh Dũng cũng chưa đủ cơ sở sở để khẳng định có căn cứ hay không. Hơn nữa, do không được xem xét văn bản thông báo chấm dứt của Sơn Tùng để có thể xác định căn cứ chấm dứt trước hạn là phù hợp hay không. 

Sơn Tùng M-TP và nhạc sĩ Huy Tuấn, ca sĩ Văn Mai Hương

LS Trần Anh Dũng phân tích, tất cả mọi quyết định: sửa đổi, gia hạn hay chấm dứt hợp đồng trước thời hạn đều phải dựa trên các điều khoản đã ký giữa hai bên, được thể hiện trong hợp đồng. Nếu cá nhân ca sĩ Sơn Tùng tự gửi công văn đơn phương xin chấm dứt, và sau thời gian một tháng tự cho mình quyền chấm dứt hợp đồng đã ký với công ty là không có cơ sở. Trừ khi, trong hợp đồng của Sơn Tùng với Công ty Văn Production có điều khoản cho phép chấm dứt hợp đồng trước thời hạn bằng thông báo trước 30 ngày, khi đó việc chấm dứt của Sơn Tùng mới có căn cứ.

Ngoài ra, nếu trong hợp đồng có quy định các sự kiện cho phép Sơn Tùng chấm dứt hợp đồng thì khi xảy ra các sự kiện đó, Sơn Tùng cũng có quyền chấm dứt hợp đồng. Trường hợp, hợp đồng không quy định những sự kiện này, nếu Vănproduction có những vi phạm điều khoản cơ bản của hợp đồng thì pháp luật cũng cho phép Sơn Tùng chấm dứt hợp đồng.

Bên cạnh đó, LS Anh Dũng một lần nữa khẳng định, “quyết định cấm diễn” đối với Sơn Tùng thực chất chỉ là văn bản trao đổi giữa hai bên: Công ty Văn Production và nam ca sĩ. Việc báo chí giật tít cho rằng Sơn Tùng bị cấm diễn là hoàn toàn không đúng sự thật. Không ai bị cấm bởi một tổ chức không có thẩm quyền cấm. Việc phát tán “quyết định cấm diễn” đối với ca sĩ lần này chỉ là một tiểu xảo nhằm mục đích gây tiếng xấu cho Sơn Tùng nhiều hơn, không có nhiều ý nghĩa về mặt pháp lý.

Đẹp Online sẽ tiếp tục cập nhật các bài viết với nhiều góc nhìn xung quanh vấn đề này nhằm giúp bạn đọc có nhiều thông tin khách quan nhất.

Bài: Hải Khôi

Ảnh: Nhân vật cung cấp


logo


From the same category