Tùng John: Sau ánh đèn sân khấu

Ít người biết rằng, người đứng sau thành công của những đêm nhạc này là một nhân vật đặc biệt, gắn liền với thời thịnh của các ban nhạc sinh viên, các đêm tưởng niệm Beatles cách đây 20 năm: Trần Thanh Tùng – Tùng “John”.

 

Những cơn đói thời sinh viên

Thời sinh viên, chắc anh cũng biết là mình được rất nhiều người hâm mộ?

– Khi nhớ về thời sinh viên, tôi cho rằng đó là khoảng thời gian đẹp nhất của cuộc đời. Tôi rất vui khi nhớ về những kỷ niệm cũ. Có khi nghĩ lại cứ ngồi cười một mình.

Vậy anh nhớ nhất điều gì?

– Chính là những cơn đói. Đói vì nghèo quá, không có gì mà ăn, hoàn toàn theo đúng nghĩa đen! Cái sự đói của tôi nó kéo dài suốt cả thời sinh viên. Mãi sau này vẫn còn ám ảnh. Có lẽ chính vì nỗi ám ảnh sợ đói đó mà bây giờ tôi phát tướng đến thế này! (cười)

Và thành công thế này?

– Tôi nghĩ, nỗi sợ đói ấy khiến cho tôi vững vàng hơn. Tôi đã từng trải qua quãng thời gian có nhiều khó khăn, nên bây giờ luôn sẵn sàng đương đầu với khó khăn, thử thách.

Nhớ có lần, tôi đã quá bất ngờ khi gặp anh làm nhân viên đưa nước ngọt ở quán cà phê trên phố Hai Bà Trưng. Không dám hỏi anh tại sao nhưng khó ai có thể nhận ra một Tùng “John” thư sinh trên sân khấu nhạc sinh viên trong một công việc nặng nhọc.

– Tôi nghĩ cũng vất vả thật, nhưng ai khi mới đi làm mà chẳng phải trải qua giai đoạn khó khăn. Khi tôi mới yêu vợ tôi, bố mẹ vợ lo lắng vì sợ tôi… nghệ sỹ và… bất thường! Để thuyết phục “nhạc phụ nhạc mẫu”, tôi đã cố gắng chứng minh bằng cách tìm cho mình một công việc khác “an toàn” hơn. Năm 1998, tôi đã nghỉ chơi nhạc để trở thành một nhân viên bán hàng của công ty Coca-Cola. Khi mới đi làm ở vị trí nhân viên bán hàng, hàng ngày tôi phải đi khoảng hơn 100km và vận chuyển, bê lên bê xuống, đảo vỏ và giao khoảng 100 két nước ngọt cho các cửa hàng, mỗi két nặng 20kg.

Khoảng thời gian khó khăn ấy kéo dài bao lâu?

– Sau Coca-Cola, tôi còn làm cho một số công ty khác, trong đó, lâu nhất là La Vie, trước khi tôi quyết định mở công ty riêng vào năm 2006.

Nói thật là cứ gặp anh và các bạn bè cùng thời, tôi lại nhớ đến các đêm nhạc sinh viên, các hội quán…

– Tôi cũng nhớ những đêm lửa trại, dạ hội sinh viên thời những năm 1990. Mọi người cùng hồn nhiên chia sẻ những sở thích và niềm đam mê âm nhạc. Hình như ai sống qua hồi nhạc sinh viên ấy đều còn giữ những kỉ niệm. Tôi còn nhớ khi gặp một người bạn tên là Long tại Tam Đảo trong một chuyến đi thực tập, chúng tôi không hề quen biết nhau từ trước. Nhưng chỉ bằng một cây đàn ghi ta bên đống lửa rừng, chúng tôi đã ngồi hát với nhau đến sáng. Chỉ thế thôi mà cảm thấy như đã thân với nhau từ rất lâu rồi. Sau này, anh ấy vẫn tiếp tục chơi nhạc trong ban nhạc Gạt Tàn Đầy. Hôm vừa rồi, tình cờ xem một chương trình biểu diễn của ban nhạc Quái Vật Tí Hon, tôi lại nhìn thấy người bạn ấy. Và tôi thấy xúc động vì anh ấy vẫn đam mê y như ngày xưa.

Thành công sau sân khấu lớn

Cảm giác đứng trên những sân khấu nhỏ, khi anh say sưa hát những giai điệu của Beatles, và đứng sau một sân khấu lớn như “In The Spot Light”, cái nào khiến anh hạnh phúc hơn?

– Dù đứng trên sân khấu nhỏ hay đứng sau sân khấu lớn thì tôi đều thấy vui cả, vì đó là khi tôi được làm những gì mình thích. Khi đứng hát Beatles trên sân khấu, tôi chỉ biết nhắm mắt và say sưa hát, không để ý gì đến xung quanh. Còn khi ở vị trí trưởng ban tổ chức chương trình “In The Spot Light”, nếu tôi mà nhắm tịt mắt lại như thế thì… không hiểu chuyện gì sẽ xảy ra nữa (cười).

Đúng là cũng vui. Nhưng cảm giác trên sân khấu và choáng ngợp trước khán giả khác với sự hồi hộp theo dõi chương trình trong cánh gà chứ. Ngay như khán giả của những đêm nhạc sinh viên ngày xưa với những đêm nhạc “In The Spot Light” bây giờ cũng khác nhau.

– Tất nhiên ngày xưa, khán giả đi xem nhạc sinh viên thì chỉ có “vé đứng” thôi, và thoải mái hò hét hay hát theo ca sỹ suốt cả buổi, thường thì cũng không thấy ai buồn cả. Còn khán giả “In The Spot Light” thì ngồi trong không gian nhà hát rộng rãi, lịch sự. Nhưng điểm đặc biệt là ban nhạc chơi càng hay, ca sỹ hát càng hay, lại càng có nhiều người… khóc! Có những chương trình rất lạ, khán giả khóc, nghệ sỹ khóc, nhà báo khóc, cả những người tổ chức chương trình cũng… khóc. Và chúng tôi cho rằng đó là thành công, đó là hạnh phúc!

Nhờ làm chương trình “In The Spot Light”, tôi được gặp lại nhiều bạn bè cũ, trong đó có nhiều người đã từng đi xem tôi hát Beatles ngày xưa. Họ đều có điểm chung là yêu âm nhạc và hình như cũng có chung sở thích về một số dòng nhạc, một số ca sỹ.

Điều gì khiến anh làm “In The Spot Light”?

– Cách đây hai năm, tôi gặp và chơi với Hồng Kiên. Thời điểm đó, các chương trình giải trí đa phần tập trung vào phần hình ảnh, còn ca sỹ thì hát với nhạc đĩa. Nhạc công không có nhiều việc để làm. Nhiều người cũng nản chí, muốn bỏ nghề. Sau nhiều lần chia sẻ với nhau về những suy nghĩ, trăn trở, chúng tôi đã quyết định làm “In The Spot Light” với tiêu chí đơn giản là tạo ra một chuỗi chương trình mà ca sỹ hát “live”, cùng với dàn nhạc chơi “live”. Mỗi chương trình “In The Spot Light” là một câu chuyện được viết bằng âm nhạc, khắc họa con đường hoạt động nghệ thuật của một người nghệ sỹ tâm điểm đã thành danh và có những cống hiến đáng kể cho nền âm nhạc Việt Nam. Hồng Kiên và tôi tự tin làm chương trình “In The Spot Light” vì chúng tôi tin rằng khán giả vẫn luôn đón chờ những chương trình ca nhạc thật sự chất lượng.

Theo anh, có sự khác biệt lớn giữa thị hiếu âm nhạc hai miền như người ta vẫn nói?

– Chúng tôi không nhận thấy nhiều sự khác biệt về thị hiếu âm nhạc giữa hai miền. Chúng tôi cũng tin rằng khán giả yêu nhạc ở bất kỳ nơi nào cũng đều ủng hộ cho những chương trình nghệ thuật đích thực. Chỉ có sự khác biệt giữa thói quen tiêu dùng của khán giả hai miền. Chẳng hạn như: người Hà Nội thường hay mua vé từ rất sớm, còn người Tp. Hồ Chí Minh thì mua vé sát ngày diễn hơn.

Anh có nghĩ “In The Spot Light” là một “món ăn” xa xỉ trong thời kì khó khăn về kinh tế như hiện nay?

– Tôi cho rằng những “món ăn” có giá trị về mặt nghệ thuật không bao giờ là “xa xỉ”.

Làm show “nghiêm túc” không phải bài toán đơn giản. Ngay một chương trình được báo giới ưu ái, và có tài trợ như “Không gian âm nhạc” cũng phải dừng bước. Vậy mà anh vẫn đủ tự tin để xây dựng thêm các series-nghiêm-túc khác? Xét một cách lý tính – “In The Spot Light” tồn tại được do đâu?

– Chúng tôi vẫn luôn hi vọng giai đoạn khó khăn về kinh tế sẽ qua đi, và sẽ có những nhà tài trợ đồng hành cùng chúng tôi trong bước đường dài hơn.

Nhưng ngay cả trong trường hợp không có nhà tài trợ, chúng tôi cũng sẽ vẫn tiếp tục làm hết sức mình, cống hiến hết mình. Và tôi tin tưởng rằng khán giả sẽ nhìn nhận những nỗ lực của chúng tôi. Chúng tôi hi vọng rằng bất cứ một chương trình nghệ thuật nghiêm túc nào cũng có thể “tự sống” được nhờ sự yêu mến của khán giả.

Trên con đường làm nghệ thuật nghiêm túc, theo anh “một mình một ngựa” hay “buôn có bạn, bán có phường” sẽ thuận lợi hơn? Các nhà sản xuất chương trình âm nhạc của Việt Nam đã bao giờ nghĩ tới chuyện bắt tay nhau?

– Từ xưa các cụ đã đúc kết “Buôn có bạn, bán có phường” rồi, nên chúng tôi cũng không nằm ngoài quy luật kinh doanh đó.

Chúng tôi cũng luôn luôn đánh giá cao sự cạnh tranh lành mạnh giữa các đơn vị. Chỉ có sự cạnh tranh mới có thể thúc đẩy các đơn vị, trong đó có chúng tôi, liên tục đổi mới, phát triển, làm tốt hơn.

Còn việc hợp tác giữa các nhà sản xuất, chúng tôi vẫn luôn luôn mong mỏi những người cùng chí hướng sẽ cùng bắt tay nhau để xây dựng một nền âm nhạc Việt Nam chuyên nghiệp hơn, phát triển mạnh mẽ hơn. Nhưng dù sao, chúng tôi cũng vẫn là “những người mới” đối với thị trường. Chúng tôi cần nhiều thời gian để học hỏi, nghiên cứu thị trường và tìm ra hướng đi đúng đắn nhất. Bây giờ thì còn quá sớm để có thể nói trước được điều gì…

Nếu cần nói một điều gì đó với công chúng yêu nhạc của Việt Nam, anh sẽ nói gì?

– Chúng tôi mong rằng khán giả tin tưởng vào âm nhạc Việt Nam, vào những nghệ sỹ tài năng của nền âm nhạc nước nhà, vào những nhà sản xuất tâm huyết, vào những giá trị nghệ thuật đích thực… Vượt ra ngoài tất cả những hiện tượng tiêu cực, những chiêu trò lùm xùm, những bề ngoài hào nhoáng của showbiz Việt, vẫn luôn luôn còn đó những ca sỹ, nhạc sỹ đang làm việc miệt mài ngày đêm, lặng thầm cống hiến cho xã hội những sản phẩm có giá trị.

Bài: Lê Tiến Đạt (Gạt Tàn Đầy)

Nhiếp ảnh: Hellos


Chuyên đề Đẹp Giá trị vàng

Live show

Điện ảnh

Âm nhạc

Nghệ sĩ của công chúng

Những người lặng lẽ

Thời trang Việt

Bài đã đăng:

>> Tùng Dương: “Đi bên em bắt… live show” 

>> Tùng John: Sau ánh đèn sân khấu 

Các bạn đón đọc những bài viết tiếp theo trong chuyên đề:

>> Yxine: Marcus Mạnh Cường Vũ

>> Nguyễn Hữu Tuấn & lát cắt của tháng Sáu 

>> Nghe có ý thức

>> Nghệ sĩ của công chúng: Bình Minh, Mỹ Tâm, Thành Lộc

>> Những người lặng lẽ

>> Thời trang Việt: Một thế hệ Vàng


From the same category