Tùng Dương: Tôi tàn nhẫn và không chung thủy với chính mình

20 năm, xem ra Tùng Dương có khá nhiều “tội”: tàn nhẫn với bản thân, không “chung thủy” với cộng sự…, để được làm một chú kỳ nhông chăm đổi màu nhưng quyết không chịu bay màu.

Với nghệ thuật đừng đòi hỏi sự chung thủy

– Trong tiểu sử làm nghề của Tùng Dương trên Wikipedia, có một dòng tuồng như lạc quẻ: “Anh thường hay ngủ gật trong lớp”, ấy là nhiều năm về trước. Điều gì sau đó đã khiến anh… tỉnh lại?

Nó là một loạt những giải thưởng của chặng đầu làm nghề, nhưng quan trọng hơn, là cuộc gặp ý nghĩa với nhạc sĩ Lê Minh Sơn, tròn 20 năm về trước, người sau đó sẽ giúp tôi có được những dấu ấn đậm tại Sao Mai Điểm Hẹn 2004. Chính nhờ Lê Minh Sơn với những sáng tác “ngang phè phè ở giai đoạn đầu” (nói như nhạc sĩ Dương Thụ) mà người ta biết tới Tùng Dương với màu sắc không trộn lẫn. Tôi nhớ đêm diễn hôm đó diễn ra tại Nhà hát Tuổi Trẻ, Lê Minh Sơn tới là để nghe Ngọc Khuê – “gà ruột” của Sơn lúc đó. Vậy rồi 1 tuần sau tôi bất ngờ nhận được điện thoại của Sơn, mời tới phòng thu để thu thử vài bài – chính là những bài về sau sẽ nằm trong album đầu tay của tôi – “Chạy trốn”. Nhớ là hôm ấy sau khi nghe tôi hát thử “Ôi quê tôi”, Sơn bèn vỗ tay đánh bốp lên bàn, đoạn lùa tay áo lên bảo: “Eo, sởn hết cả da gà!”, khiến tôi cũng… nổi da gà.

– Trước khi… “da gà nổi” thì da mặt anh có màu gì?

Màu… chì (cười). Là vì tôi hồi ấy xanh rớt, có lúc xám ngoét, bị giễu là “trông như dải khoai vắt vai”, đi xin hát ở tụ điểm nào cũng bị người ta chê lấy chê để. Mặt thì non choẹt, người thì suy dinh dưỡng, mà tuyền đi cover những bản hit của các diva, trong khi các bầu sô thì luôn hỏi khó: “Cậu có hát được nhạc Hoa lời Việt không, có hát nhạc dance không?”… Thậm chí, nói vỗ mặt: “Mấy bài của cậu may ra chỉ để đi thi thôi”, “Cậu hát cũng được đấy, nhưng khổ nỗi ngoại hình của cậu không được bắt mắt lắm”… Nói chung là khá thảm!

– Tình cảnh “Được một con tôm, đôi ba con tép/ Đêm nay không thấy có con cá nào” xem ra ứng với “con cò” Tùng Dương giai đoạn này? Anh đã bao giờ tính tới chuyện bỏ cuộc?

Bỏ thì không, vì thật ra nếu không làm nghề này thì tôi cũng chẳng biết làm nghề nào khác. Tôi trằn trọc mất ngủ nhiều đêm liền, băn khoăn đau khổ, người đã mỏng lại càng mỏng thêm. Có những bữa lên căng-tin Nhạc viện, tôi cứ lấy đũa gõ vào cái bát không như bị thôi miên. Có những âm thanh cứ giày vò tôi. Những câu hát cứ giày vò tôi. Sao mình đi hát đâu cũng bị chê, sao phải hát như người khác mới ăn khách? Vậy sao các diva họ lại thành công, họ lại luôn lộng lẫy thế, họ có chịu hát giống ai đâu? Nếu như không hát nhạc của các diva, với cái gu nhạc già trước tuổi của mình, thì liệu tôi có thể hát nhạc gì? Tôi sẽ đi về đâu, đâu là thứ âm nhạc vừa khuôn với mình?…

– Và rồi Lê Minh Sơn hiện ra như một phép màu! “Giận anh, em ném trả vầng trăng lên trời…/ Trăng khuyết/ Trăng khuyết rồi em à, tình yêu quá mong manh…” – Tôi vẫn còn nhớ như in một Tùng Dương xiêu vẹo của Sao Mai Điểm Hẹn 2004, lại có thể hát một bài hát về tình yêu chắc chắn đến thế, dịu dàng đến thế và vị tha đến thế ở tuổi 21. Chính xác là Lê Minh Sơn… đã làm gì anh?

Sơn chỉ đạo: “Chú phải hát nhạc của anh. Phải là chú!”. Nhưng Sơn lúc đó là của Ngọc Khuê. Khuê thậm chí đã kịp ra một album đầu tay với chỉ toàn những sáng tác của Lê Minh Sơn: “Chuồn chuồn ớt”, “Cặp ba lá”, “Bên bờ ao nhà mình”... May sao Sơn vẫn còn một vệt khác, mảng khác, “thép” hơn, tự sự hơn, không phải dành cho “Thị Màu”. Album đầu tay “Chạy trốn” phát hành ngay sau Sao Mai Điểm Hẹn nhưng thật ra là được thu trong suốt quá trình tôi thi “Giọng hát hay Hà Nội”, thu xong Sơn bảo: “Thế là chú đã đủ vốn liếng để đi chinh chiến rồi đấy!”. Nguyên một series Lê Minh Sơn đổ bộ suốt mấy tuần đầu của Sao Mai Điểm Hẹn, khiến u Huyền Thanh (BTV Huyền Thanh – PV) sốt ruột hỏi: “Tuần này con có thể thôi hát Lê Minh Sơn được không?” vì lo tôi một màu. Lại phải năn nỉ: “Thôi u cho con nốt tuần này”. Cứ lần lữa mãi như thế, tận tới tuần thứ 7 mới chịu “nhả” Lê Minh Sơn ra bằng “Quê nhà” của chú Trần Tiến… Chỉ duy nhất tuần ấy là tôi chịu rời Sơn, trong tổng số 10 tuần của Sao Mai Điểm Hẹn.

– Yêu nhau chí chết thế mà vẫn có lúc rời bỏ được nhỉ! “Mối tình đầu” thì thường “chết yểu” chăng?

Tôi thật ra không hề định rời bỏ Lê Minh Sơn. Mà thật ra lúc đấy quả có hơi dỗi một tí, hơi chạnh lòng một tí, khi thấy Sơn trút hết mình cho Thanh Lam, dồn hết cho Thanh Lam. Thử nghĩ xem, tôi lúc đó vừa mới hai mấy tuổi đầu, vừa mới chân ướt chân ráo bước ra khỏi một cuộc thi, sao tránh khỏi mặc cảm trước một diva sừng sững là Thanh Lam lúc đó. Tôi rời đi vì tự ti cũng có, mà có thể cũng còn vì… tự tin. Tôi tự hỏi bầu trời âm nhạc chắc phải rộng mở hơn nhiều chứ, cơ hội gặp gỡ gắn kết hẳn phải rộng mở hơn nhiều chứ, thay vì cứ mãi ngồi ôm khư khư một chiếc ghế đang có tới hai người ngồi…

– Và sau đó, đã gần như trở thành một phản xạ kiểu Tùng Dương: “Không ai tắm hai lần trên một dòng sông”, mỗi cộng sự chỉ làm cùng lắm 1-2 dự án là “say goodbye”? Nhất thiết phải “bạc” với nhau thế không, khi đâu dễ tìm kiếm một mối duyên thực sự trong nghệ thuật?


Với nghệ thuật, tôi nghĩ đừng bao giờ đòi hỏi sự chung thủy. Chính xác là thế đấy, tôi luôn “tàn nhẫn” và “không chung thủy”, hoặc với cộng sự, hoặc với bản thân, một khi tự thấy điều đó là cần thiết. Bởi nếu tôi chung thủy chỉ vì cả nể, vì lười động não, thì có nghĩa sẽ lặp lại chính mình và tự giết mình. Nghệ thuật vốn dĩ rất khốc liệt và không có chỗ cho sự ba phải, tặc lưỡi, dùng dằng…

Dù để rời đi, trong nghệ thuật cũng như trong cuộc sống, chưa bao giờ là dễ dàng cả, với những mối duyên mình biết rõ là khó tìm, khó gặp, thậm chí không bao giờ có lại. Khi tôi quyết định dừng lại với Lê Minh Sơn, ấy là lúc sức sáng tạo của Sơn đang rất dồi dào, sung mãn; Sơn thực sự đang bùng nổ và hoàn toàn có thể truyền năng lượng đó sang cho cộng sự. Có chăng là nguồn năng lượng đó không còn hướng về tôi. Mặc dù vậy, tôi vẫn cố giữ cho mình một tâm thế chủ động, cả khi tưởng chừng như bị động. Một tâm thế dường như đã được lập trình sẵn trong tôi trên những bước đường nghề: có thể nhạt đi, có thể cạn duyên, vì nhẽ này hay nhẽ khác, nhưng nhất thiết không để mình bị động. Dừng lại không phải do bị động. Thay đổi không có nghĩa là dao động. Mà chính xác là sự kiên định. Kiên định kiểu Tùng Dương, nghĩa là không chung thủy với ai quá lâu (cười).

– Là không phải “anh ơi anh ở lại”, mà là “ai chung tình được mãi”?

Là “dan dan díu díu mập mờ” (cười), hay nói như Lưu Quang Vũ: “Có sao đâu, áo đẹp đã xong rồi!”. Vậy đi tìm một tấm áo mới thì sao? Sao đâu! Miễn sao vừa vặn hơn với cơ thể của mình lúc đó. Cũng như sẽ vẫn có những cơ thể khác phù hợp hơn với chiếc áo mình vừa mang.

Với tôi, kiên định không phải là đi theo ai mãi, mà là lắng nghe chính mình, luôn dõi theo tiếng nói của mình, để biết mình thực sự muốn gì, cần gì, có thể làm gì, với ai là tốt nhất.

– Về sự đa sắc mà nói, anh thích được so sánh với gì hơn: kỳ nhông hay hoa phù dung?

Đương nhiên là kỳ nhông chứ! Phải gai góc mới là Tùng Dương chứ! Có đổi màu cách mấy thì cũng phải là trên cái nền gai góc đó. Tôi thích con kỳ nhông ở cái vẻ lì lợm của nó, nhưng một mặt, nó cũng là một con vật di chuyển rất thận trọng. Mạo hiểm nhưng vẫn phải thận trọng. Thận trọng mới có thể mạo hiểm.

– Đổi màu không cẩn thận cũng có thể bay màu như chơi! Đã bao giờ anh lo thế?

Không, tôi chả bao giờ sợ bay màu cả, mà có bay cũng chả hết được! Chả bao giờ có cái chuyện đó. Màu của tôi chỉ thêm chứ không bao giờ bớt.

– Nhưng biết đâu chỉ vì cái tật “thêm chứ không bớt” ấy mà đã có lúc mang tiếng “tham”: những liveshow lên tới hơn 30 bài, tận quá nửa đêm mới chịu “tha” cho khán giả? Anh không nhớ câu “no quá mất ngon” sao?

Thì tôi sinh ra là để dành cho những người thích ăn mặn mà! Không “tham” đâu phải Tùng Dương! “Cắt thịt ra mà xức” thật chẳng dễ dàng gì (cười).

Muốn không tàn, cần biết nhẫn, và “tàn nhẫn!”

– 20 năm, thành công là thứ ai cũng có thể nhìn thấy, vậy còn những thất bại, đôi khi chỉ do mình tự cảm thấy, thì sao?

Thất bại khó nuốt nhất ấy là khi tôi thực hiện liveshow “Trời và đất” (2017), dù đúng, đó gần như là thất bại chỉ riêng mình tôi biết, và thấm. Nếu như liveshow “Thập kỷ hoan ca” vào 2 năm trước đó tôi tự chấm cho mình được 9 + 1 điểm (thăng hoa) vì cùng thời điểm đón đứa con đầu lòng chào đời, thì tới “Trời và đất”, tôi chắc mình chỉ có thể được 7 điểm. Đó là hậu quả của việc trong suốt 2 năm đó, tôi “thừa thắng xông lên” chạy sô như điên, tôi quá xài xể, coi thường sức khỏe của mình, lại thêm những đêm dài ăn ngủ thất thường vì “sự nghiệp làm bố”. Nên rốt cuộc là 2 tháng trước khi diễn ra liveshow “Trời và đất”, tôi bàng hoàng phát hiện mình chớm bị bệnh xơ dây thanh quản – nỗi ám ảnh với bất kỳ nghệ sĩ nào, nhất là ở thời điểm cận kề làm liveshow cá nhân. Suốt 2 tháng đó, tôi gần như mất ngủ triền miên. Cơn ác mộng cứ trở đi trở lại là tôi bỗng chốc mất giọng khi đang đứng trên sân khấu, giữa rất nhiều luồng sáng quay cuồng, siết lấy. Cùng lúc đó thì tôi đọc được tin Celine Dion cũng do gặp vấn đề về thanh quản mà phải hủy cả loạt show, lại càng hoang mang tợn. Chưa kể trước đó lại còn dính phải vụ “vạ mồm” bởi một phát ngôn thẳng thừng về bolero, giờ mà hủy show nữa thì rõ là đẹp mặt! (cười)

Đó là lần đầu tiên trong đời đi hát của mình mà tôi phải đi gặp bác sĩ. Lần đầu tiên tôi bước lên sân khấu mà lo nơm nớp. Cũng là lần đầu tiên liveshow của tôi trắng tay tại giải thưởng Cống Hiến – nơi tôi giữ kỷ lục với bộ sưu tập 12 giải thưởng.

– Điểm 7 ấy là để “phạt” tội gì?

Là cái giọng của mình hôm ấy nó cứ bị đục mà không được sáng. Lại còn tương toàn bài khó. Lại còn đọ giọng với cùng lúc 4 chị diva, đã bảo “thương nhau, nương nhau tí” rồi, thế mà khi lên sân khấu lại chả ai chịu nhường ai cả! (cười)

Hát xong bài cuối cùng “Trời và đất” cùng 4 diva, tôi mới ôm mẹ khóc nức nở. Ai cũng nghĩ đấy là giọt nước mắt xúc động và hạnh phúc. Nhưng với riêng tôi, đấy là giọt nước mắt đắng đót. Là tiếng thở phào, nhưng cũng là tiếng thở dài mà tôi phải nuốt rất sâu và phải rất lâu sau mới tan nổi. Với một người chỉn chu và cầu toàn hết nhẽ như tôi, với một giọng hát đang trên đà chín như tôi, thì đấy thực sự là một thất bại đau đớn. Một cái tát, tự mình vả vào mình.

– Và cuối cùng “trời không chịu đất thì đất phải chịu trời”, anh không cãi bác sĩ nữa chứ?

Phải, ngay sau đó là một nỗ lực không ngừng để cải thiện tình hình. Tôi giảm hẳn việc nhận show, ăn ngủ tập luyện điều độ hơn, và quan trọng là cố gắng giữ cho tâm mình được an hơn. Và không cần quá lâu sau, nhờ “kỷ luật sắt” đó, tôi đã gần như nhanh chóng trở lại với một thể trạng hoàn toàn khác: tự tin hơn, tươi mới hơn, tràn đầy sinh lực hơn. Cái tâm thế của một người thiết tha làm lại, thiết tha khẳng định nội lực của mình, chỗ đứng của mình. Hai liveshow tiếp theo của tôi là “Bộ tứ sông Hồng” và “Human” dù một mặt bị chê là “hơi tham”, “hơi ôm đồm và lê thê” vì quá dài và quá nhiều bài, nhưng một mặt, cũng chính là bức chân dung đầy đủ và sung mãn nhất về tôi; là sự chất chứa quá nhiều cảm xúc, nhiều tiếng nói cần được cất lên nơi tôi; là cách tôi muốn đãi đằng khán giả vì họ luôn xứng đáng được ngồi vào một mâm cao cỗ đầy như vậy.

– Nhưng show 20 năm tới đây thì anh sẽ tiết chế hơn chứ? Hay nhân cớ 20 năm, lại càng “tham”?

Vẫn “tham” nhé, vẫn trên dưới 30 tiết mục. 20 năm cơ mà! Lại chỉ có một đêm thôi. Nhưng là sân khấu Trung tâm Hội nghị Quốc gia với khán phòng 4.000 chỗ, gấp 3 lần Cung Việt Xô. Và vẫn với những ca khúc khó nhằn. Chắc tôi bị “nhờn” rồi, miễn nhiễm với cái khó rồi. Đấy, hôm nọ còn bị vợ mắng cho: “Sao sắp ra tới Trung tâm Hội nghị Quốc gia mà mặt anh cứ lì ra thế?” (cười)

– Xem ra đánh mãi cũng chả chừa nhỉ!

Thôi thì cho tôi “tham” nốt lần này. Chẳng phải hồi “Human” tôi cũng đã cố nhịn rồi sao, có nhõn 23 bài. Là vì cái nhạc ấy nó nặng đô quá. Thế mà tới bài cuối, khán giả vẫn chẳng chịu về. Lại chê… ít quá. Thật chẳng biết đằng nào mà lần.

– Nhớ có lần Trọng Tấn từng “than” với tôi, có ngày phải đi “xây” tận… 8 cái nhà, vì chạy sô khắp nơi với món tủ “xây bao nhà cao, cao mãi”. Anh thì sao, 20 năm, liệu có đếm nổi bao nhiêu lần hát “Ôi quê tôi” không, đã bao giờ phát ngán?

Đã làm nghề chuyên nghiệp thì chỉ được phép chán mình chứ không được phép chán tác phẩm. Tôi chưa bao giờ chán tác phẩm. Nâng niu còn chả hết!

– 20 năm, chả ai lạ gì Tùng Dương nhưng cũng chưa bao giờ hết lạ với Tùng Dương! Một “hoa hậu thân thiện”, khá là cả nể, dĩ hòa vi quý trong cuộc sống, nhưng lại luôn mang cái mặt “lì lì” khi đi trong nghề, với thậm chí cả những phát ngôn thẳng thừng, gây sốc. Anh có tự thấy mình mâu thuẫn?

Không. Nó chỉ đơn giản là hai mặt của một con người. Ở mặt này, tôi muốn mình là một người cư xử nhã nhặn, hài hòa. Nhưng ở mặt khác, tôi lại thấy mình cần phải quyết liệt và không dễ gì thỏa hiệp, nhượng bộ. Gì chứ đã là quan điểm âm nhạc thì tôi nhất quyết không khoan nhượng. Những phát ngôn gây sốc trước đây của tôi, một phần là do kiểu “đọc tít mà không đọc bài”, nhưng cái chính là do tôi cảm thấy đến một lúc nào đó mình cần có trách nhiệm lên tiếng, với kinh nghiệm của mình, sự mẫn cảm của mình, bổn phận làm nghề của mình, đôi khi mang tính dự báo, để góp thêm một góc nhìn tích cực lên bức tranh chung. Âu cũng là một sự “tàn nhẫn” có trách nhiệm.

– Tàn nhẫn với bản thân thì sao, dám không?

Thì đấy, tàn nhẫn với sức khỏe của mình, như hồi “Trời và đất”, chính là tàn nhẫn với bản thân. Phủ nhận mình, không cho phép mình ngủ yên trên chiến thắng cũng chính là tàn nhẫn với bản thân.

Có một cuốn sách triết học mà tôi rất thích có tên: “Một giọt từ sự đọa đầy”. Đôi khi tôi thích cái cảm giác “đọa đầy” bản thân, cũng là cách để làm đầy mình bằng từng giọt, từng giọt tàn nhẫn đó.

Muốn không tàn, cần biết nhẫn, và tàn nhẫn!

Bài: Thủy Lê
Nhiếp ảnh: Huỳnh Trí Nghĩa
Stylist: Nhật Thiện
Trang điểm: Quí Đoàn
Làm tóc: Gill Nguyễn
Trang phục: Balmain, Jaydee Đạt Nguyễn, Minh Mì, Đại,
Nguyên Văn, Đặng Trà My


From the same category